Cô giáo dạy Văn áp dụng một phương pháp đơn giản để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường
Từ khi ra trường (2004) cho đến nay, cô Nga đã hướng dẫn kỹ năng sống cho học sinh qua những lớp học sinh từng dạy, từng chủ nhiệm. Cô từng vinh dự nhận được Giải thưởng các công trình sáng tạo khoa học và công nghệ tỉnh Nghệ An nhiều năm trước.
- Vụ học sinh bị 30 bạn hành hung: Tôi không nghĩ trường tôi có bạo lực học đường
- Con gái 17 tuổi bị bạo lực học đường, bà mẹ ở Hà Nội hối hận vì 2 lần khuyên con “kệ đi”
- Bạo lực học đường: Tạo điểm tựa tâm lý cho học sinh từ nhà trường
Trong 18 năm qua đi dạy, được nhiều học sinh tin tưởng tư vấn tâm lý, cô Ngô Thị Thúy Nga, giáo viên dạy Văn, trường THPT Nghi Lộc 3 (Nghệ An) đã lắng nghe rất nhiều những câu chuyện từ các em. Cô giáo cho rằng, bất kỳ một đứa trẻ nào cũng có thể trở thành thủ phạm hoặc là nạn nhân của bạo lực học đường. Tuy nhiên, đây đó, hiểu biết về vấn đề này của nhiều bậc cha mẹ và kể cả giáo viên chưa thực sự được thấu đáo.
“Tôi đã tiến hành khảo sát xã hội, ở 15 trường học cấp 2 và cấp 3 trong tỉnh Nghệ An. Việc đó đã cho tôi con số đáng lưu tâm: 80% học sinh cá biệt bắt nguồn nguyên nhân từ gia đình. Và nạn bạo lực học đường, theo tôi, cũng ít nhiều tương tự như thế”, cô Nga nói.
Các nguyên nhân có thể bao gồm: Cha mẹ không quan tâm con, bỏ bê con, khiến con thiếu tình cảm gắn bó với cha mẹ, dễ rơi vào tình trạng cô độc, dễ lầm lì, ít chia sẻ. Vợ chồng sống không hòa thuận… làm cho cuộc sống gia đình căng thẳng, khiến con không hạnh phúc.
Cha mẹ kỳ vọng quá lớn, rồi hay hay so sánh “con nhà người ta”, khiến con tổn thương, khiến con vô tình không coi trọng giá trị của bản thân. Hay cha mẹ quá nuông chiều con, khiến con sống ích kỷ, không còn chỗ cho lòng trắc ẩn, không còn chỗ cho sự áy náy khi làm điều sai, dễ vô cảm, dễ làm điều ác. Cha/mẹ lạm dụng chất kích thích hoặc rượu bia cũng làm tăng nguy cơ trẻ có hành vi bạo lực. Hoặc cha mẹ có sự kỷ luật không đúng mức, nếu kỷ luật quá khắc nghiệt thì con dễ ức chế, còn quá dễ dãi thì con không sợ khi làm sai.
Cô Ngô Thị Thúy Nga, giáo viên dạy Văn, trường THPT Nghi Lộc 3.
Bên cạnh đó là những nguyên nhân từ chính bản thân học sinh. Bạo lực học đường xảy ra ở học sinh từ khoảng 12 đến 18 tuổi. Đây là lứa tuổi có nhiều thay đổi về sinh lý, kéo theo thay đổi tâm lý.
Và nhìn chung, việc giáo dục trong nhà trường còn mang đậm tính hàn lâm, lý thuyết, nặng về kiến thức, ít có tính ứng dụng và cũng từ đó coi nhẹ việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; Giáo viên xử lý tình huống sư phạm kém. Đồng thời, chúng ta không thể làm gương cho trò về một bài học xử lý tình huống khi mắc lỗi. Từ đó dẫn đến một số học sinh dễ bất mãn, ức chế với thầy cô, dễ gây ra hành vi bạo lực…
Một phần nữa là từ nguyên nhân từ xã hội. Ảnh hưởng bởi môi trường văn hóa bạo lực như trong các bộ phim ảnh, sách báo và các trò chơi game mang xu hướng bạo lực… Tin tức tiêu cực có thể khiến thanh thiếu niên cảm thấy lo sợ về sự an toàn của mình, điều này có thể khuyến khích các em sử dụng những biện pháp cực đoan để phòng vệ…
Cần xem kỹ năng sống là một môn chính khóa độc lập
Giải pháp tối ưu nhất để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, theo cô Nga, chính là có một môn Kỹ năng sống trong trường học, dành cho học sinh từ mầm non cho đến đại học, độc lập như những môn học khác, trong chương trình chính khóa.
Cô chia sẻ: “Năm học 2010 – 2011 là năm đầu tiên, Bộ GD-ĐT đưa nội dung Kỹ năng sống vào trường học bằng cách lồng ghép vào những bộ môn như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý…Nhưng thiết nghĩ: Không hà cớ gì chúng ta lại bắt buộc một cái cây phải sống nhờ sống gửi vào một cái cây khác khi mà nó có thể sống được độc lập và có khả năng trở thành một thân thể cường tráng. Làm như thế, chỉ khiến nó chết yểu mà thôi!”.
Từ khi ra trường (2004) cho đến nay, cô Nga đã hướng dẫn kỹ năng sống cho học sinh qua những lớp học sinh từng dạy, từng chủ nhiệm: Kỹ năng chấp nhận và đối mặt với nghịch cảnh sống; Kỹ năng xử lý tình huống khi gặp nghịch cảnh sống; Kỹ năng học từ thất bại; Kỹ năng hiểu chính mình; Kỹ năng dám sống là mình; Kỹ năng tha thứ; Kỹ năng bán hàng; Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng thuyết trình; Kỹ năng làm lãnh đạo; Kỹ năng thuyết phục người khác; Kỹ năng chấp hành Luật An toàn giao thông; Kỹ năng thân thiện với môi trường; Kỹ năng tự vệ; Kỹ năng tự lập…
Cô Nga cho biết, hầu như đại đa số học sinh rất chăm chú háo hức. Và để các em dễ tiếp thu những kỹ năng đó cô không “lên lớp” cho các em từ những lý thuyết xa rời, sáo rỗng, nặng nề, áp lực…
“Tôi bắt đầu từ những điều giản dị: có thể từ một tác phẩm văn học thực sự có giá trị và giàu kỹ năng sống như: Một Người Hà Nội (Nguyễn Khải), Chiếc Thuyền Ngoài Xa (Nguyễn Minh Châu), Về Luân Lý Xã Hội Ở Nước Ta (Phan Châu Trinh), 28 (Ta-go), Sóng (Xuân Quỳnh)…;
Từ những câu chuyện rất đời, gần gũi, thân thuộc xung quanh các em; từ những cuộc dã ngoại tham quan học tập mà cô trò tôi tổ chức; yừ những cuộc bán hàng mà tôi hướng dẫn, kiểm tra, trò thực hiện…”, cô Nga cho biết.
Bên cạnh đó, cô Nga cho rằng, quan trọng hơn cả là sự thấu hiểu. Khi người khác còn cấm học sinh không được yêu, cô Nga hướng dẫn các em kỹ năng tránh những hoàn cảnh nhạy cảm, kỹ năng phòng tránh thai, kỹ năng trân trọng và bảo vệ giá trị của bản thân, kỹ năng giữ gìn sức khỏe (đặc biệt là học sinh nữ).
Công trình “Hướng dẫn kỹ năng sống cho học sinh nói chung và học sinh cá biệt nói riêng ở bậc THPT” của cô Nga từng vinh dự được Giải thưởng các công trình sáng tạo khoa học và công nghệ tỉnh Nghệ An nhiều năm trước. Đặc biệt, cách đây không lâu, những chia sẻ chi tiết về bạo lực học đường (nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, giải pháp) đầy tâm huyết của cô đã được Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn quan tâm, khen ngợi, đích thân hỏi thêm để lắng nghe ý kiến.
Cô Nga cho rằng, có những giải pháp nằm ngoài khả năng của chúng ta – những người làm bố mẹ/thầy cô, vì nó phụ thuộc vào cơ chế xã hội. Tuy nhiên, chúng ta (gia đình, bản thân học sinh, nhà trường) hãy ngừng lại việc nêu khẩu hiệu chung chung, ngừng lại việc than vãn, đau đớn, ngừng lại việc đổ lỗi cho một ai, cho một tập thể nào khi có những câu chuyện đau lòng xảy ra, từ bạo lực học đường.
Học sinh rất thích những giờ học kỹ năng sống của cô Nga.
Thay vào đó là hãy có những hành động thiết thực, ý nghĩa kịp thời, khả thi. Bởi vì, câu chuyện bạo lực học đường không của riêng ai, câu chuyện này trách nhiệm thuộc về tất cả chúng ta. Bởi vì, nếu không hành động kịp thời, con của chúng ta và ngay cả chính chúng ta, có thể, sẽ trở thành nạn nhân hoặc thủ phạm gây ra những câu chuyện đáng tiếc không thể cứu vãn!
“Nếu chúng ta hiểu rõ bất cứ câu chuyện nào không như mong muốn xảy ra cũng đều có nguyên nhân sâu xa bản chất của nó; nếu chúng ta nhìn từ nguyên nhân gốc rễ, giải quyết từ đó; nếu chúng ta nắm tay nhau cùng đồng lòng, tất cả vì con trẻ thân yêu, vì một xã hội lành mạnh, an toàn, thì thiết nghĩ có thể chúng ta sẽ hạn chế được tình trạng nghiêm trọng, nhức nhối trên khi chưa quá muộn. Phòng hơn chống. Điều đó luôn luôn là chân lý”, cô Nga chia sẻ.