Con gái 16 tuổi bỗng giở chứng, nếu không kịp phát hiện “dấu vết” ở tay con, gia đình tôi đã mất con mãi mãi

14 mins read
Con gái 16 tuổi bỗng giở chứng, nếu không kịp phát hiện “dấu vết” ở tay con, gia đình tôi đã mất con mãi mãi

Con gái của cô Cao (Trung Quốc) từ nhỏ đã là “con nhà người ta”, tính cách ngoan ngoãn, học giỏi. Nhưng từ khi bước vào lớp 10, cô bé bỗng dưng nổi loạn, không làm bài tập, không nghe giảng, điểm số từ top 3 của lớp tụt xuống hạng 20.

Đối mặt với hành vi bất thường của con gái, cô Cao trở nên nghiêm khắc hơn, kiểm soát con đủ mọi mặt. Tưởng rằng với sự sát sao đó, đứa trẻ sẽ vào guồng hơn, nhưng không ngờ đến học kỳ II, con gái của cô bắt đầu thường xuyên dùng dao cứa vào người. Đến bệnh viện thăm khám, em bị chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm nặng.

Với sự giúp đỡ của chuyên gia tư vấn tâm lý, người mẹ đã thay đổi lời nói và hành động của mình. Trải qua những cuộc cãi vã, bối rối và đau đớn nhưng giờ đây, mối quan hệ của cả hai đã chuyển từ “không hiểu biết lẫn nhau” thành “bạn tốt của nhau”.

Con gái 16 tuổi bỗng giở chứng, nếu không kịp phát hiện

Ảnh minh hoạ

Sau đây là chia sẻ của bà mẹ này:

“16 tuổi, con gái tôi bị trầm cảm”

Tôi có hai cô con gái, đứa lớn 16 tuổi hiện đang học cấp 3, đứa nhỏ 6 tuổi học mẫu giáo. Hai đứa đều ngoan ngoãn, nghe lời nên được mọi người quý mến. Tôi cũng từng nghĩ như vậy và cảm thấy mình là người mẹ hạnh phúc nhất trên đời. Mãi đến khi con gái lớn bước vào cấp 2, tôi mới phát hiện ra cuộc đời không như mình nghĩ, thực ra tôi chẳng hiểu đứa con mình đã nuôi hơn chục năm chút nào.

Để cho con vào trường cấp 3 trọng điểm, cuối những năm cấp 2, tôi ngày càng nghiêm khắc hơn. Cuối tuần không được ra ngoài chơi, không xem TV, phải đọc đủ loại sách sau khi hoàn thành bài tập về nhà mỗi ngày. Tôi chưa bao giờ cảm thấy có điều gì sai trái với cách làm của mình. Cha mẹ nào mà không muốn con mình giỏi hơn.

Dưới sự quản lý chặt chẽ, điểm số của con luôn đứng đầu.

Nhưng từ học kỳ năm cuối THCS, thói quen học tập của con trở nên không tốt, không tích cực làm bài tập về nhà và điểm số tụt dốc không phanh. Về sau, con dần dần chống cự bằng lời nói, ban đầu là không nghe theo yêu cầu rồi chuyển sang lén lút lấy điện thoại, trốn trong phòng chơi khi tôi không có ở nhà.

Chứng kiến sự thay đổi của con, tôi tức giận và lo lắng đến mức không ngủ được. Dù tôi trách móc hay phàn nàn, đánh mắng, con gái vẫn luôn tỏ ra thờ ơ, không nói và âm thầm chịu đựng.

Tâm trạng con rất tồi tệ. Vào học kỳ hai, con tự dùng dao cứa vào cổ tay, tôi sợ đến mức đưa đến bệnh viện để kiểm tra, hóa ra con bị bệnh trầm cảm! Bác sĩ cho thuốc nhưng con không chịu uống.

Trong kỳ thi tuyển sinh cuối cấp, con không đỗ vào trường cấp 3 trọng điểm. Đến khi vào học 1 trường bình thường tâm trạng của con vẫn không tốt, học kỳ 1 liên tục xin nghỉ, buồn bã cả ngày. Con nhốt mình trong phòng và chơi game.

Đứa trẻ tôi vất vả nuôi nấng lại thành ra như thế này, nhìn thấy con tôi đau lòng đến quặn ruột. Tôi không khỏi nghi ngờ bản thân, phương pháp giáo dục của chính mình và tương lai “vô vọng” của con mình, cho đến khi gặp chuyên gia tâm lý.

Vấn đề không phải ở con cái mà ở cách cha mẹ giáo dục

Chuyên gia đã mổ xẻ và phân tích những vấn đề. Đến lúc đó tôi mới thực sự hiểu rằng cốt lõi của giáo dục gia đình là “lời nói và việc làm của cha mẹ”. Hóa ra phương pháp giáo dục mà tôi luôn tự hào thực chất chỉ là một kiểu kiểm soát trá hình.

Dù là con gái lớn hay con gái út, chỉ cần hai con có vấn đề lớn nhỏ gì đó, tôi sẽ lo lắng, choáng ngợp và mất bình tĩnh. Đặc biệt trong việc học tập, tôi rất nghiêm khắc, để con không được lơ là, tôi liên tục gây áp lực. Tôi thường nói: “Nếu con không lọt vào top 3 của lớp thì đừng ăn”… và những thứ tương tự. Trong quá trình con lớn lên, tôi chỉ chú trọng đến việc học mà không hiểu lòng con.

Chuyên gia nói với tôi rằng những đứa trẻ không nhận được sự hỗ trợ tinh thần từ gia đình sẽ không thể cảm nhận được tình yêu thương. Những yêu cầu cao của tôi cũng khiến con gái phải thận trọng, sợ bị mắng, gặp thất bại sẽ rút lui.

Sở dĩ con không còn ý thức tự học nữa là vì biết mẹ vẫn luôn không đủ hài lòng, không còn chủ động thể hiện bản thân vì biết mẹ sẽ can thiệp vào mọi việc. Chính vì cách giáo dục này mà con dần mất đi sự tự do, tự chủ.

Sự thờ ơ về mặt tình cảm cũng khiến đứa trẻ khép kín trái tim.

Kể từ khi con gái nhỏ ra đời, chúng tôi đã tập trung mọi sự chú ý vào con bé. Lúc đầu, con gái lớn sẽ ghen tị và có những hành động so đo. Tôi vừa mới sinh con, tính tình rất nóng nảy, tức giận đến mức thường mắng con để nó hiểu mà dừng lại việc gây rắc rối một cách vô lý. Dù sự kỷ luật của tôi khiến con tạm thời ngoan ngoãn nhưng cũng khiến nó mãi mãi đóng cửa trái tim với mẹ mình.

Sự lơ là, trách móc lâu ngày của tôi đã khiến con gái từ nhỏ rất háo hức được tán thành và khen ngợi giờ ở nhà không dám bộc lộ cảm xúc vì sợ mẹ tức giận.

Những nhu cầu tình cảm nội tâm của con gái bị tôi hoàn toàn phớt lờ. Tôi cũng không hiểu được suy nghĩ thực sự bên trong của con, điều này khiến con cảm thấy bất lực, tuyệt vọng trong học tập và cuộc sống. Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có điều gì không ổn, tôi cảm thấy cha mẹ là ông trời, con cái phải tuân theo mọi yêu cầu.

Điều chỉnh phương pháp giáo dục của cha mẹ là bước đầu để thay đổi tốt hơn

Tôi đã không xem xét vấn đề từ góc độ của đứa trẻ. Khi nhận ra, tôi bắt đầu suy ngẫm về hành vi của mình. Tôi cố gắng tìm hiểu thế giới nội tâm của con gái lớn, chú ý đến nhu cầu tình cảm và lắng nghe cẩn thận những suy nghĩ, cảm xúc của con.

Tôi bắt đầu thay đổi thái độ và cách tiếp cận, đồng thời đối xử kiên nhẫn và thấu hiểu hơn. Tôi tự nhủ rằng con là một cá nhân độc lập, có cá tính, phẩm giá riêng và cần được tôn trọng, công nhận. Tôi muốn hoàn thiện bản thân và trở thành một người mẹ có thể mang lại nhiều năng lượng hơn cho các con!

Chuyên gia nói với tôi rằng sự lo lắng của cha mẹ sẽ truyền nguyên vẹn sang con cái, trẻ cũng sẽ lo lắng và choáng ngợp khi gặp vấn đề.

Tôi đặt ra những tiêu chuẩn cao và yêu cầu khắt khe đối với con mình, đồng thời tôi đối xử với chúng bằng sự đàn áp, kiểm soát và thờ ơ. Vì vậy bước đầu tiên tôi cần điều chỉnh chính là sự thiếu kiên nhẫn của bản thân.

Tôi bắt đầu với một nụ cười và tập thể dục nửa giờ mỗi ngày để trút bỏ cảm xúc. Và với sự giúp đỡ của giáo viên, tôi thực hiện các bài tập thư giãn, học cách sắp xếp cảm xúc và trái tim của mình. Dần dần, tôi phát hiện ra rằng tôi có thể nhận biết cảm xúc của mình rất tốt.

Bất cứ khi nào đang có tâm trạng tồi tệ, tôi có thể phát hiện kịp thời và học cách chuyển hướng sự chú ý của mình. Khi đối mặt với con gái và những vấn đề nhỏ nhặt trong cuộc sống, tôi đã có thể buông bỏ sự thiếu kiên nhẫn, từ từ điều chỉnh nội tâm để bình tĩnh giải quyết.

Sau khi học cách kiểm soát cảm xúc, tôi bắt đầu thay đổi cách tôi tương tác với người khác. Ví dụ, tôi thường gọi con gái đi ăn, nếu con không ra kịp, tôi sẽ mắng: “Con không ăn thì đừng làm phiền người khác. Ở nhà mà chết đói”. Bây giờ, tôi sẽ nói rất nhẹ nhàng: “Con gái, mau ăn đi. Đồ ăn để nguội sẽ không ngon đâu”.

Kể từ khi tôi học cách đối xử dịu dàng với người khác, về cơ bản con gái cũng ngoan ngoãn ăn cùng gia đình mỗi ngày. Chúng tôi trò chuyện vui vẻ bên bàn ăn, căn nhà không còn bừa bộn như trước nữa mà tràn ngập tiếng cười nói vui vẻ.

Tôi thiếu hiểu biết và thiếu kiên nhẫn với hai đứa con của mình, thậm chí có thể nói là “độc đoán”, trong mắt tôi mọi thứ về con cái đều không quan trọng bằng việc học. Ngày xưa con gái vừa tan học, tôi cứ nói chuyện điểm số của con, chưa bao giờ quan tâm con học có mệt hay không.

Nếu không làm tốt bài kiểm tra, con sẽ không bao giờ nói với tôi trừ khi tôi hỏi. Bây giờ nghĩ lại, chắc con sợ bị tôi chỉ trích, chê bai và không muốn bị phủ nhận. Bây giờ, tôi không còn khắt khe như trước. Sau khi con đi học về mỗi ngày, tôi sẽ quan tâm: “Con gái, hôm nay ở trường con có vui không? Có thể chia sẻ với mẹ không? Con có chịu nhiều áp lực không? Con nên nghỉ ngơi thật tốt, chăm sóc bản thân và vui vẻ nhé”.

Chuyên gia đề nghị tôi viết một lá thư xin lỗi con. Trong thư tôi đã suy ngẫm về phương pháp giáo dục sai lầm trước đây của mình, cam đoan với con rằng tôi và chồng sẽ thay đổi. Sau khi trao lá thư, tôi nghĩ con gái sẽ có cảm xúc không tốt, dù có trách móc tôi cũng không nói gì. Nhưng không ngờ con lại nói một câu khiến tôi ứa nước mắt ngay lập tức: “Không sao đâu mẹ, con đã thấy mẹ thay đổi trong thời gian này và con biết rằng những hành động mẹ làm đều là vì lợi ích của con”.

Cháu dần dần bắt chuyện và chia sẻ những điều thú vị về trường học với tôi. Điều làm tôi hài lòng nhất là đôi khi dù tôi không hỏi thì con vẫn chủ động nói cảm xúc của mình và chia sẻ những điều thú vị mà con nghe được.

Nhìn thấy con ngày càng vui vẻ, hạnh phúc, tôi càng hiểu hơn những lời chuyên gia nói: Cha mẹ là đất, con cái là cây con, chỉ khi đất đai màu mỡ thì cây con mới lớn mạnh được. Sự thay đổi nhỏ này của tôi không chỉ đã tác động tích cực đến các con tôi mà còn cả gia đình.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog