Việc bạn bè gửi cho nhau những món quà nhỏ là điều bình thường. Những đứa trẻ biết chia sẻ sẽ dễ có được tình bạn chân thành và bền chặt hơn. Tuy nhiên, đôi khi những quà tặng của trẻ nhỏ có thể gây ra những căng thẳng không đáng có. Chẳng hạn như câu chuyện được một bà mẹ Trung Quốc chia sẻ sau đây.
Chị cho biết, con gái mình – Tiểu Thu đang học mẫu giáo. Với khuôn mặt xinh đẹp, tính tình hòa đồng, cháu không chỉ có mối quan hệ tốt với các bạn trong lớp mà còn với nhiều bạn khác ở trường.
Một tối, sau khi trở về nhà, Tiểu Thu vui vẻ ngồi trong phòng khách chơi như thường lệ. Nhưng người mẹ đột nhiên phát hiện ra con gái đang cầm trên tay một con gà trống vàng trông giống như một mặt dây chuyền.
Để xác nhận suy đoán của mình, chị đã cầm lên xem. Soi độ cứng, màu sắc, chi tiết,… thì rất có thể là vàng thật, lúc này chị có chút lo lắng. Rõ ràng chị chưa bao giờ mua món đồ như vậy, đứa trẻ chắc chắn không mua nổi thứ đắt tiền như vậy nên chỉ có một khả năng…
“Cái này từ đâu tới vậy con?” – Người mẹ nhẹ nhàng hỏi.
“Là một bạn nam trong lớp đưa cho con” – Tiểu Thu nghiêm túc trả lời.
“Đây là thật hay giả hả con?” – người mẹ hỏi tiếp. Tiểu Thu lộ ra vẻ mặt rất khó hiểu. Suy cho cùng, trong tiềm thức của đứa trẻ, ý nghĩa của món quà còn quan trọng hơn nhiều so với giá trị về tiền bạc. Gà trống vàng này là vàng thật hay giả, đứa trẻ rõ ràng không quan tâm.
Để tránh những tranh cãi không đáng có, người mẹ nhanh chóng hỏi tên bạn nam cùng lớp, tìm phụ huynh trong nhóm lớp và thông báo sự việc cho gia đình. Mẹ của Tiểu Thu ban đầu nghĩ rằng, nếu điều này là sự thật thì nhất định sẽ trả lại ngay lập tức. Tuy nhiên, điều mà chị không ngờ tới là người mẹ kia lại thẳng thắn nói: “Nếu là quà của con thì cứ giữ đi”.
Phản ứng này làm mẹ Tiểu Thu vô cùng bất ngờ. Chị cho rằng, dạy con chia sẻ là điều tốt nhưng đồng thời cũng phải có giới hạn, nếu không sẽ dễ dẫn đến hậu quả tiêu cực.
Có tinh thần chia sẻ sẽ giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh, hiểu được tinh thần đồng đội, và có tác động tích cực đến sự phát triển trí tuệ cảm xúc và kỹ năng giao tiếp của trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần tăng cường cho con cái nhận thức về quyền tài sản, quan niệm về giá trị để ngăn chặn việc con tặng quà không phù hợp, gây ra những mất mát, tranh chấp không đáng có.
Trước đây có câu chuyện: Một bé gái cũng đang học mẫu giáo được bạn nam cùng lớp tặng một chiếc vòng cổ, trên mặt dây có một viên kim cương rất đẹp. Bố mẹ đứa trẻ cho rằng đó là đồ giả nên không quan tâm. Kết quả là, ngày hôm sau, phụ huynh bị mất đồ kia đã đến nhà trẻ làm cho ra lẽ và cuối cùng gọi cảnh sát.
Cha mẹ bé gái cho rằng chiếc vòng cổ là giả nên không hỏi con về nguồn gốc, kết quả là đứa trẻ khi chơi xong không biết mình để nó ở đâu. Phụ huynh kia lại cho rằng, nhà của nữ sinh này cố ý chiếm đoạt. Cuối cùng, sự hiểu lầm chỉ được giải quyết khi đứa trẻ tìm thấy chiếc vòng cổ ở một góc nhà.
Cha mẹ nên lưu ý 3 điểm này để tránh trường hợp tương tự
① Giúp trẻ hình thành nhận thức về giá trị cơ bản
Trẻ em có nhận thức kém về giá trị của đồ vật. Trong mắt trẻ, chiếc nhẫn vàng và khối xây dựng có thể có giá trị như nhau. Vì vậy, cha mẹ nên chú ý nâng cao nhận thức của con về giá trị của đồ vật và cho con biết món đồ nào đắt tiền, không phù hợp để dễ dàng cho đi.
② Cất đồ có giá trị ở nơi kín đáo
Để ngăn ngừa trẻ mắc lỗi, cha mẹ cần cất những đồ đạc ở nơi kín đáo. Ví dụ như nhẫn và dây chuyền v.v.
③ Giúp trẻ hình thành nhận thức cơ bản về quyền tài sản
Trẻ nhận thức về quyền tài sản còn yếu. Dù chia sẻ là điều tốt nhưng trẻ cũng cần biết bảo vệ đồ của mình, không đem đồ cho người khác hoặc tùy ý vứt bỏ. Điều này hoàn toàn khác với việc bủn xỉn. Nhận thức về quyền tài sản là cơ sở để nuôi dưỡng cho trẻ những tư tưởng, quan niệm, chuẩn mực đạo đức đúng đắn.
Tặng quà cho nhau là cách thông thường để trẻ thể hiện tình bạn, đồng thời cũng là biểu hiện bình thường của sự phát triển trí tuệ cảm xúc. Tuy nhiên, cha mẹ phải chú ý đến những món quà mà con tặng hoặc được nhận. Nếu thấy là đồ có giá trị thì phải trao đổi kịp thời với cha mẹ bên kia để tránh hiểu lầm.