“Tôi chưa bao giờ mắng ai vào Ngày của Mẹ, nhưng hôm nay tôi đã lớn tiếng với con trai mình…”. Lời phàn nàn của một bà mẹ ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) mới đây, sau khi nhận được món quà do con trai chuẩn bị thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Được biết, Ngày của Mẹ năm nay, người con trai hỏi mẹ muốn món quà gì, bà nói không cần gì cả. Nhưng sau đó, cậu đã bí mật mua một túi hoa to tặng mẹ. Theo tâm lý thông thường, chắc hẳn các bậc phụ huynh khi nhận quà sẽ vô cùng cảm động. Nhưng bà mẹ này cho biết bản thân mình rất tức giận vì cảm thấy quà của con trai không thiết thực. Hoa thì 2, 3 ngày sau sẽ vứt đi, rất phí tiền. Bà không nhận quà và một hai bắt con đem ra trả lại cửa hàng.
Trước sự thất vọng của con, bà mẹ đã đăng một bài viết phàn nàn và hỏi cư dân mạng, mình có làm đúng không? Nhiều ý kiến cho rằng vị phụ huynh này là một “nỗi thất vọng của các bậc cha mẹ”, thậm chí có người còn thẳng thừng: Người mẹ này sẽ không bao giờ được nhận quà nữa.
Rất may, khi ngày càng nhiều bình luận chỉ trích xuất hiện, người mẹ trong câu chuyện trên phân tích lại vấn đề và nhận ra rằng những gì mình đã làm thực sự không phù hợp. Bà cho biết, do gia đình tương đối khó khăn nên cảm thấy con cái quá phung phí, nghĩ rằng nếu mua được ít đồ ăn, quần áo cho con thì có thể hợp lý và tiết kiệm hơn. Bà mẹ sau đó đã xin lỗi và được con trai tha thứ.
Cách cha mẹ phản ứng khi đứa trẻ trao đi tình yêu thương ảnh hưởng tính cách con cái
Nhà tâm lý học Li Xue (Trung Quốc) từng nói: “Phản ứng của cha mẹ trước các tình huống trong cuộc sống phản ánh sự lựa chọn phương pháp giáo dục của họ và quan trọng hơn là chất lượng của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái”. Lúc đầu, đứa trẻ nào cũng thích tạo bất ngờ cho bố mẹ, nhưng dần dần một số trẻ không còn muốn bận tâm đến việc này nữa. Lý do nằm ở cách cha mẹ phản ứng khi đứa trẻ trao đi tình yêu thương.
Tình yêu của con cái rất đơn giản và trong sáng, chúng vui vẻ dành cho cha mẹ những điều tốt đẹp nhất, mong rằng sẽ được chấp nhận. Sự từ chối của cha mẹ sẽ lập tức dập tắt toàn bộ nhiệt huyết của chúng, khiến trẻ rất tổn thương, thậm chí sau này chúng có thể không biết cách thể hiện tình yêu thương.
Một số cha mẹ từ chối lòng tốt của con cái một cách thô lỗ, lúc này tín hiệu mà trẻ nhận được không phải là “Cha mẹ yêu con lắm”, mà là “Cha mẹ không đón nhận tình yêu của con”; “Con không đủ tốt”, và “Tôi không xứng đáng với tình yêu của họ”. Phản ứng dây chuyền tiêu cực này sẽ cản trở nghiêm trọng dòng chảy yêu thương giữa cha mẹ và con cái.
Mối quan hệ gắn bó đúng đắn và lành mạnh giữa con cái và cha mẹ phải là sự tuần hoàn của tình yêu thương. Nghĩa là, nếu trẻ thể hiện tình yêu thương thì tình yêu thương đó được đáp lại, quá trình này diễn ra suôn sẻ, trôi chảy thì nhân cách của trẻ sẽ dễ dàng phát triển lành mạnh.
Ngược lại, nếu luôn nhận được sự từ chối và phủ định lạnh lùng, ý thức về giá trị bản thân sẽ dần giảm sút, trẻ sẽ ngày càng ít sẵn sàng bộc lộ cảm xúc, thậm chí không thể giao tiếp tình cảm với người khác.