Đa ối và các biện pháp điều trị

7 mins read
Đa ối và các biện pháp điều trị

Đa ối, khi nào cần điều trị?

Sau khi được chẩn đoán đa ối, tùy thuộc mức độ mà bác sĩ sẽ xem xét và đưa ra các biện pháp xử trí phù hợp.

Đa ối thể nhẹ: Thông thường với tình trạng đa ối thể nhẹ sẽ không cần điều trị mà chỉ cần theo dõi bằng siêu âm thai định kỳ và quản lý thai nghén bình thường.

Đa ối thể trung bình: Ở tình trạng này, biện pháp xử trí chủ yếu vẫn là theo dõi qua thăm khám định kỳ. Chỉ nhập viện điều trị khi thai phụ xuất hiện triệu chứng đau bụng, khó thở.

Tại bệnh viện, thai phụ cần nghỉ ngơi tại giường. Bác sĩ có thể chỉ định cho thai phụ dùng kháng sinh phù hợp. Trong những ngày nằm viện, thai phụ sẽ được theo dõi sự tiến triển của đa ối bằng siêu âm. Siêu âm còn có thể giúp phát hiện được các bất thường về sự phát triển của thai cũng như dị tật thai.

Bác sĩ cũng sẽ chỉ định chọc ối làm xét nghiệm sinh hóa và tế bào.

Đa ối thể nặng: Tình trạng này thường có kèm các bất thường về thai nhi.

Chỉ định chọc ối giúp làm giảm lượng nước ối trong buồng tử cung. Mỗi lần chọc ối sẽ loại bỏ được khoảng 1.5 lít dịch ối giúp cho thai phụ dễ chịu hơn, đỡ khó thở, bụng giảm căng cứng. Đồng thời, bác sĩ sẽ sử dụng dịch ối để làm xét nghiệm nhiễm sắc thể, tế bào học nhằm phát hiện các bất thường của thai nhi.

Thủ thuật chọc ối có thể gây ra vài biến chứng nguy hiểm như vỡ ối, rau bong non. Hoặc không đảm bảo vô khuẩn sẽ gây ra viêm màng ối.

Các biện pháp điều trị tình trạng đa ối- Ảnh 1.

Định kỳ khám, siêu âm thai để kiểm tra tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Các phương pháp điều trị đa ối

Chọc ối: Làm giảm các triệu chứng về hô hấp cho thai phụ ngay, nhưng đây chỉ là liệu pháp có tính chất tạm thời.

Dùng thuốc: Gần đây thuốc indomethacine được chỉ định để điều trị đa ối. Thuốc có tác dụng làm giảm lượng dịch ối tiết ra hoặc làm tăng sự tái hấp thu nước ối. Từ đó làm giảm lượng nước tiểu thai nhi thải ra và làm tăng sự trao đổi dịch qua màng thai.

Tuy nhiên, thuốc gây tình trạng đóng sớm ống động mạch nếu sử dụng kéo dài trên 48 – 72 giờ hoặc sử dụng khi thai 32 tuần trở lên. Ngoài ra, trẻ sơ sinh sau khi sinh ra có thể gặp phải một số nguy cơ khi thai phụ sử dụng indomethacine như: Tăng tỷ lệ viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh, tăng huyết áp mạch phổi, thiểu năng thận ở trẻ sơ sinh.

Do đó thuốc ít được sử dụng trong điều trị đa ối. Trước khi kê đơn thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và rủi cho trẻ.

Kháng sinh thường được chỉ định là nhóm beta lactam do an toàn cho thai nhi.

Bấm ối: Thai phụ sẽ được chỉ định siêu âm nhiều lần để theo dõi ối cũng như sự phát triển của thai và phát hiện các dị tật hình thái thai. 

Nếu phát hiện thai dị dạng thì đình chỉ thai bằng bấm ối, kích thích tạo cơn co tử cung và cho thai phụ sinh thường. Chú ý theo dõi sát sau sinh tránh đờ tử cung, tránh để sót rau và màng rau.

Khi thai được 38 – 39 tuần, bác sĩ sẽ chỉ định bấm ối chủ động giúp giảm căng tử cung, giúp chuyển dạ được tiến triển thuận lợi. Biện pháp này cũng hạn chế tình huống rau bong non và sa dây rốn. Hơn nữa, ở thai phụ bị đa ối, trong lúc chuyển dạ, thường cơn co tử cung bị yếu do tử cung bị căng quá mức trước đó. Do đó biện pháp bấm ối sớm còn nhằm giảm áp lực của buồng ối giúp chuyển dạ nhanh hơn.

Bác sĩ cần phải thực hiện thủ thuật bấm ối một cách thận trọng, sử dụng kim để dịch ối chảy ra từ từ. Trước khi bấm ối, cần phải chuẩn bị oxytocin nhằm hỗ trợ cơn co tử cung cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc mổ lấy thai đề phòng có tai biến xảy ra khi bấm ối.

Các biện pháp điều trị tình trạng đa ối- Ảnh 3.

Đa ối có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi.

Phòng ngừa đa ối

Để phòng ngừa đa ối, thai phụ cần chú ý:

  • Loại trừ các nguyên nhân nội khoa của mẹ.
  • Khám thai định kỳ theo lịch hẹn.
  • Kiểm tra biểu đồ tăng trưởng thai nhi.
  • Tùy vào kết quả xét nghiệm sàng lọc quý 1, quý 2 mà tư vấn xét nghiệm di truyền học cho thai nhi.
  • Khám thai ngay nếu thấy bụng căng to quá nhanh, thai phụ thấy khó thở, phù hai chi dưới, phù toàn thân, đau bụng…
  • Làm xét nghiệm đường huyết và nghiệm pháp dung nạp đường huyết từ tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ để chẩn đoán đái tháo đường. Kiểm soát tốt đường huyết nếu bị đái tháo đường thai kỳ để hạn chế được lượng nước ối.
  • Làm các xét nghiệm chẩn đoán sàng lọc trước sinh tìm các dị tật bẩm sinh trong giai đoạn sớm của thai kỳ.
  • Nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống nước vừa đủ và giảm lượng muối trong khẩu phần ăn.
  • Nhập viện khi thai phụ khó thở, đau bụng, khó khăn trong việc đi lại,…
  • Cân nhắc tiêm thuốc trưởng thành phổi trong trường hợp trẻ có nguy cơ đẻ non.

Mời độc giả xem thêm video:

Điều trị tăng huyết áp thai kỳ sớm ít có nguy cơ sinh non | SKĐS

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog