Dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư nội mạc tử cung thường bị bỏ qua

6 mins read
Dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư nội mạc tử cung thường bị bỏ qua

google news

SKĐS – Ung thư nội mạc tử cung là một trong số những loại ung thư phổ biến, ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản nữ. Tuy nhiên có rất nhiều phụ nữ đã bỏ qua dấu hiệu cảnh báo căn bệnh này, đó chính là ra máu âm đạo bất thường.

1. Chảy máu âm đạo bất thường – dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư nội mạc tử cung

Đối với những phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, hàng tháng lớp nội mạc tử cung dầy lên để chuẩn bị đón nhận trứng được thụ thai về làm tổ ở đó. Khi người phụ nữ không có thai, lớp nội mạc tử cung sẽ bong ra tạo nên hiện tượng kinh nguyệt. Nhưng nếu không phải kỳ kinh nguyệt hoặc phụ nữ đã mãn kinh có biểu hiện ra máu âm đạo là bất thường có thể là dấu hiệu của ung thư nội mạc tử cung.

Ung thư nội mạc tử cung bắt đầu từ các tế bào của lớp nội mạc tử cung, xảy ra do sự tăng sinh quá mức của các tế bào nội mạc tử cung. Lớp nội mạc tử cung trở nên dày lên, lan tỏa hoặc khu trú tạo thành những khối u bên trong lòng tử cung.

Nếu không được điều trị sớm, các tế bào ác tính sẽ có xu hướng xâm lấn các cơ quan khác xung quanh hoặc di căn theo đường máu và bạch huyết, gọi là ung thư xâm lấn hoặc ung thư di căn, khi đó điều trị sẽ rất khó khăn. Còn nếu phát hiện sớm, người bệnh có cơ hội điều trị triệt để và giảm thiểu nguy cơ tái phát.

Dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư nội mạc tử cung thường bị bỏ qua- Ảnh 1.

Chảy máu âm đạo bất thường là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư nội mạc tử cung.

Ra máu âm đạo bất thường là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư nội mạc tử cung. Theo các bác sĩ Bệnh viện K, chảy máu âm đạo bất thường xảy ra ở hơn 90% phụ nữ bị ung thư nội mạc tử cung (loại ung thư xuất phát từ lớp lót trong của dạ con). Do đó, đối với nhóm mãn kinh, nếu chảy máu, kể cả ít hay nhiều cũng nên đi khám. Đối với phụ nữ tiền mãn kinh, chảy máu âm đạo diễn ra giữa các chu kỳ kinh nguyệt, hoặc trong khi giao hợp cần đi khám để đánh giá nguyên nhân vì đây là dấu hiệu có liên quan đến căn bệnh ung thư nguy hiểm.

Nếu phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh, ngoài việc chảy máu âm đạo thì khí hư bất thường nào cũng cần đi khám. Khí hư âm đạo không có máu cũng có thể là dấu hiệu của ung thư nội mạc tử cung. Ngay cả khi không nhìn thấy máu trong khí hư, điều đó không có nghĩa là không có ung thư. Bất kỳ khí hư bất thường nào cũng nên được bác sĩ kiểm tra.

Ngoài ra, ung thư nội mạc tử cung có thể có các biểu hiện khác như: tiết dịch âm đạo, đi tiểu khó hoặc đau, đau khi giao hợp, đau vùng chậu…

2. Nhóm tuổi nào cần cảnh giác với ung thư nội mạc tử cung?

Theo Trung tâm Ung thư Siteman, Trường Y khoa Đại học Washington, mặc dù ung thư nội mạc tử cung thường ảnh hưởng đến phụ nữ trên 45 tuổi nhưng ngày càng có nhiều trường hợp xảy ra ở phụ nữ tiền mãn kinh.

Các yếu tố nguy cơ đối với phụ nữ dưới 45 tuổi bao gồm: béo phì, đái tháo đường và tiền sử hội chứng buồng trứng đa nang.

Triệu chứng chính của ung thư nội mạc tử cung đối với phụ nữ tiền mãn kinh là chảy máu âm đạo bất thường. Đối với phụ nữ sau mãn kinh, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo hoặc khí hư bất thường.
  • Đau vùng chậu.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Đi tiểu khó hoặc đau.
  • Tử cung to ra (phát hiện trong quá trình khám vùng chậu).
  • Đau khi giao hợp.
  • Yếu hoặc đau ở bụng dưới, lưng hoặc chân…

Không có xét nghiệm sàng lọc ung thư nội mạc tử cung và các triệu chứng có thể mơ hồ. Do đó, việc có thể xác định các triệu chứng có giá trị chẩn đoán như chảy máu âm đạo rất quan trọng, đặc biệt là phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo, ở tuổi mãn kinh, tất cả phụ nữ nên được thông báo về các nguy cơ và triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung. Những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung cao nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay khi có dấu hiệu chảy máu âm đạo bất thường. Ung thư nội mạc tử cung phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng hiệu quả.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Béo phì tiền mãn kinh, nguy cơ chị em rất dễ mắc phải.

Vân Anh

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog