Nhiều người luôn cảm thấy khả năng tập trung của con mình không đủ, vì vậy họ đăng ký cho con các khóa đào tạo, hy vọng con có thể cải thiện kỹ năng. Nhưng sau đó, họ phát hiện ra rằng đứa trẻ có thể chơi điện thoại di động và xem TV trong hai giờ không chớp mắt, hoàn toàn đắm chìm trong đó và không thể thoát ra được. Có nghĩa là, không có vấn đề gì với sự tập trung của trẻ. Nhưng tại sao con mình lại không thể kiên trì trong 20 phút mỗi khi học bài, làm bài tập và đọc sách?
Trẻ nghiện game nhưng không có hứng thú học tập, vấn đề là gì?
Câu hỏi này, chắc hẳn nhiều bậc cha mẹ đã từng tự hỏi bản thân và hỏi con mình không biết bao nhiêu lần. Rõ ràng giữa trò chơi và việc học, hầu hết trẻ em sẽ chọn vế thứ nhất, bởi vì trò chơi sẽ mang lại cho trẻ nhiều niềm vui hơn và khiến chúng cảm thấy hạnh phúc và thư thái chưa từng có. Nói cách khác: Trẻ khó cảm thấy hạnh phúc trong những thứ khác ngoài trò chơi.
Vậy thì, nếu quá trình học tập có thể khiến trẻ cảm thấy rất thú vị, chúng sẵn sàng học hành chăm chỉ, đúng không? Nếu cha mẹ đồng hành đúng cách mỗi ngày, khiến trẻ cảm thấy rất ấm áp và hạnh phúc, có phải chúng cũng sẽ quên đi việc chơi game không?
Game giúp người chơi hóa thân thành nhân vật, trải nghiệm những cảm xúc mới mà thực tế không thể thực hiện khiến không ít bạn trẻ bị ‘nghiện’. Trong khi quá trình làm bài tập và học tập tương đối nhàm chán, một số cha mẹ nhắc nhở, thúc giục sau lưng, trẻ sẽ càng muốn trốn tránh, hoặc học một cách thụ động.
Có thể hiểu đơn giản là động lực bên trong của trẻ không đủ, đặc biệt là khi nói đến việc học. Vậy nên việc bố mẹ cần làm không phải là ép trẻ làm bài tập về nhà, cũng không phải đưa con đến các trường luyện thi khác nhau, mà là cải thiện động lực bên trong của trẻ, để trẻ chủ động yêu thích những thứ khác ngoài trò chơi.
Về mặt học tập, làm thế nào để cải thiện?
1. Cho trẻ quyền tự chủ
Việc học là việc của chính con. Dù tốt hay xấu, con cũng nên tự mình gánh lấy hậu quả. Có thể hiểu tâm lý cha mẹ mong con hóa rồng, hóa phượng nhưng cha mẹ thông minh không bao giờ can thiệp quá mức vào con cái, chứ đừng nói đến việc kiểm soát suy nghĩ của chúng.
Khả năng học hỏi và tự chủ của trẻ quả thực không mạnh nhưng ai cũng sẽ trải qua quá trình này, cha mẹ không nên nghĩ con ngốc nghếch mà hướng dẫn hay giám sát quá nhiều. Thay vào đó, nên trao thời gian và quyền tự chủ cho trẻ.
2. Hãy là cố vấn của con bạn
Nhiều bậc cha mẹ quên đi mối quan hệ giữa mình và con cái, luôn theo kiểu cấp trên và cấp dưới, đó là sai lầm. Đối với con cái, cha mẹ là người thân nhất trong gia đình, là người mà chúng có thể nương tựa, tin tưởng mọi lúc mọi nơi; với cha mẹ, con cái là kết tinh tình yêu chứ không phải cấp dưới.
Vì vậy, cha mẹ phải sửa mình, nhất là khi giảng dạy cho con cái, không nên giống như người lãnh đạo. Trong hành trình của cuộc đời, địa vị thích hợp nhất của cha mẹ nên là người cố vấn cho con cái, dạy dỗ chúng một cách có định hướng. Một câu “Bố/mẹ có thể giúp gì không?” luôn tốt hơn câu “Con phải làm việc này”.
3. Làm gương tốt cho con cái
Muốn con ngừng chơi game, nhưng bố mẹ đã bỏ điện thoại xuống chưa? Muốn con đọc sách nhưng bố mẹ có thích đọc không? Một đứa trẻ trở thành người như thế nào khi lớn lên phụ thuộc vào cha mẹ của nó. Việc làm gương tốt thực sự quan trọng. Bên cạnh đó, sự đồng hành của cha mẹ sẽ khiến trẻ yên tâm hơn và kích thích khả năng, sở trường của trẻ.
4. Đừng lạm dụng các phần thưởng và hình phạt
Một số bậc cha mẹ, để ngăn con chơi game sẽ sử dụng các phần thưởng hoặc hình phạt để con từ bỏ những thói quen được cho là “xấu” này. Nhưng trên thực tế, trẻ thay đổi là vì phần thưởng hoặc sợ bị trừng phạt chứ không phải thực sự mong muốn thay đổi.
Nếu trong lòng đứa trẻ không thực sự thích và chấp nhận một hành vi nào đó, thì nhất định sẽ không thể kiên trì, có thể đặc biệt chán ghét. Do đó, điều thực sự quan trọng là phải loại bỏ các động lực bên ngoài. Thưởng phạt tự bản thân không sai, nhưng cha mẹ phải học cách phân biệt sự việc, nếu không sẽ phản tác dụng. Tốt hơn hết, cha mẹ nên nuôi dưỡng động lực bên trong của con, điều này rất có lợi cho sự phát triển trong tương lai.