“Ben Xa Bờ” là biệt danh mà ba mẹ và bạn bè đặt cho anh chàng sinh năm 2000 vì cái tội… bỏ phố ra đảo sống.
Đó chính là Nguyễn Minh Tùng (2000, TPHCM) – Một chàng trai tuổi còn rất trẻ, nhưng đã muốn “chữa lành” cho những người từng gặp nhiều tổn thương… giống mình. Vì thế nên Tùng chọn Phú Quý, nơi bình yên trong từng nhịp sống để xây dựng mô hình kinh doanh homestay bền vững và chữa lành. Đây cũng là một chặng hành trình rất dài kéo Tùng bỏ phố ra đảo để lập nghiệp.
Nguyễn Minh Tùng (2000, TPHCM)
Bỏ học đại học để kinh doanh, kiệt sức vì “cày” nhiều
Minh Tùng bắt đầu sống tự lập từ khi học lớp 6. Sống 1 mình, bên cạnh tiền trợ cấp của bố mẹ thì anh chàng còn bắt đầu bán đồ ăn vặt và phụ kiện cho các bạn ở chung trường. Đó cũng là một trong những công việc “kinh doanh” đầu tiên giúp Tùng kiếm ra tiền để mua được những thứ mình thích.
Sau này đỗ đại học Văn Lang, cảm thấy không phù hợp nên anh chàng quyết định bảo lưu. Không học nữa, Tùng may mắn được nhận vào làm việc ở một số công ty. Nhưng do dịch Covid, mọi thứ dừng lại. Minh Tùng tìm kiếm cơ hội kiếm tiền mới qua việc kinh doanh online. Dù kiếm được khoản vốn kha khá nhưng anh chàng lại thấy kiệt sức, mất cân bằng do toàn bộ thời gian mấy tháng trời “cày” liên tục chỉ ở trong 4 bức tường.
Có khoảng thời gian Tùng cảm thấy kiệt sức vì liên tục làm việc trong thời gian dài.
Minh Tùng chia sẻ những khó khăn trong việc kiếm tiền cũng như cách mà anh chàng đã chi tiêu tiết kiệm: “Từ khi ở riêng năm 12 tuổi, mình đã bắt đầu đi làm thêm những việc nho nhỏ, rồi bán hàng linh tinh trong trường. Sau cấp ba, mình đi làm thêm đủ việc từ phục vụ bàn đến bán hàng thời trang, và nguồn thu chính đến từ việc bán hàng online.
Khi có được những đồng tiền đầu tiên, việc mình làm là nghĩ cách để chi tiêu có nó ích nhất có thể: Hạn chế những cuộc đi chơi cùng bạn bè, không ăn vặt, không cafe,… Dù là con trai nhưng luôn tự nấu ăn để bớt tốn kém nhất có thể. Nói chung, cái ăn cái mặc là hạn chế ở mức vừa đủ.”
Tiền kiếm cũng “đủ” rồi nhưng tinh thần thì kiệt quệ. Minh Tùng cho biết: “Sau đại dịch, mình bắt đầu đi du lịch và cố gắng ở lại mỗi địa điểm ít nhất 1 tháng. Và trong số đó, Phú Quý để lại cho mình nhiều cung bậc cảm xúc nhất.”
Ở 1 tuần, 1 tháng, rồi đến 3 tháng, Minh Tùng quyết định dừng chân ở Phú Quý để… lập nghiệp. Với Minh Tùng, Phú Quý không phải là quê gốc nhưng lại thân thuộc đến lạ. Anh chàng cũng vui vẻ gọi là quê nhà thứ 2 vì thấy được sự yêu thương từ những điều nhỏ nhất. Chọn lập nghiệp với mô hình kinh doanh homestay, Minh Tùng cho biết có lẽ sẽ gắn bó với nơi này lâu dài.
Mang tiền tỷ ra đảo lập nghiệp liệu có dễ?
Việc xây dựng homestay ở đảo với một chàng trai 22 tuổi quả thực không dễ dàng. Khó khăn đầu tiên là đến từ nguồn vốn: “Mình đã dùng hết số tiền tiết kiệm được để lo cho dự án này. Nhưng con số đầu tư trên thực tế lại vượt xa những dự toán của mình. Do đó mình cần thêm sự hỗ trợ từ những người thân quen.
Số tiền đầu tư vào homestay lên đến con số hàng tỷ đồng. Trong số đó, vốn của mình là 70%, cộng thêm sự hỗ trợ của anh chị em bạn bè, vốn kêu gọi đầu tư khoảng 30% nữa. May thay, mọi người nhìn thấy sự nghiêm túc và đam mê trong mình, nên đã tin tưởng và góp tiền để đầu tư dù chưa một lần ra đảo.”
ành trình xây dựng homestay của Minh Tùng.
Sau khi có đủ vốn rồi, những khó khăn trong quá trình xây dựng homestay ở trên đảo tiếp tục ập đến. Minh Tùng chia sẻ:
– Về khâu thi công: Thợ ở đảo làm việc nhiệt tình nhưng khả năng thì có nhiều hạn chế. Tuy nhiên, các anh chị có tư vấn giúp mình về các vấn đề liên quan đến thời tiết. Từ đó tính toán được yếu tố an toàn để homestay chống chọi được mưa bão trên đảo.
– Thiếu thốn vật liệu: Homestay của mình làm diện tích nhỏ, ít phòng nên số lượng nguyên liệu hạn chế, dẫn đến không nhận được giá tốt. Thêm nữa là sự lựa chọn về nguyên liệu cũng không có nhiều.
Khu Homestay của Minh Tùng
Ngoài ra cũng còn nhiều khó khăn khác chẳng thể kể hết. Nhưng tạm gác lại những điều không may, mình vẫn nhận được nhiều sự giúp đỡ từ những người xa lạ chẳng hề quen. Họ hỗ trợ mình rất nhiều, từ việc lớn như xây nhà, làm ngoại thất,… đến những việc nhỏ xíu như lên rẫy chặt lá dừa, đan tay hàng cây từ bi để trang trí hành lang,… Mình biết ơn về điều đó.
Sau khoảng 2 tháng đi vào hoạt động, tình trạng homestay vẫn ổn định. Minh Tùng chia sẻ: “Công việc kinh doanh trộm vía khá thuận lợi, lượng khách mình tiếp đón vẫn đều đều. Tính tới giữa tháng 8 năm nay đã kín phòng. Đây quả thực là điều vượt qua dự kiến của mình.”
Cuộc sống khá thư giãn trên hòn đảo Phú Quý của Tùng ở thời điểm hiện tại.
Không chỉ người thân, bạn bè mà ngay cả Minh Tùng đều cảm thấy quá liều lĩnh cho quyết định bỏ phố ra đảo này. Nhưng bằng một niềm tin, rằng “có ước mơ, có quyết tâm và thêm sự chăm chỉ” thì giấc mộng nào rồi cũng sẽ thành hiện thực. Với những người trẻ như mình, Tùng có đôi lời nhắn nhủ:
“Còn trẻ, đừng vội hoảng loạn. Chỉ cần tìm ra nguồn gốc của vấn đề và bắt đầu giải quyết nó, thì không có việc nào gọi là “bất khả thi”. Tuy nhiên bạn không nên liều lĩnh với những quyết định lớn lao trong cuộc đời, mà hãy chuẩn bị kỹ càng về cả tài chính lẫn tinh thần, kinh nghiệm, để có thể đối đầu với những vấn đề bất chợt trong tương lai. Nếu có ước mơ, có đam mê, hãy đứng dậy, bắt tay vào thực hiện ngay từ những bước nhỏ nhất, đừng nằm chống tay mơ mộng!”.