Từng theo học khoa Thiết kế mỹ thuật Hoạt hình trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội, Đỗ Thanh Sơn – Sơn Saa nhận ra niềm đam mê của mình là trở thành một đạo diễn điện ảnh. Vậy là anh lại bỏ tất cả, học lại… từ đầu và ra trường với giấc mơ tạo ra những bộ phim có thể chạm đến được tất cả khán giả đại chúng.
Đạo diễn Đỗ Thanh Sơn: “Khán giả Việt chưa bao giờ quay lưng với phim Việt”
Nhiều năm sau, giấc mơ ấy đã dần thành hiện thực. Đi Giữa Trời Rực Rỡ – bộ phim truyền hình xoay quanh chuyện tình yêu trong sáng của một cặp đôi vùng cao – đã trở thành một hiện tượng của làng phim truyền hình Việt Nam. Câu chuyện Pu – Chải không chỉ mang đến cho khán giả những lát cắt sinh động của đời sống người dân miền núi, mà còn là một câu chuyện với đầy những rung động đáng yêu. Tính đến thời điểm hiện tại, dù đã trải qua cả những lời tán dương lẫn những tranh cãi về tình tiết phim, Đi Giữa Trời Rực Rỡ đã xác lập con số 11 tỷ lượt xem trên mọi nền tảng. Một thành tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử phim truyền hình.
Tôi mới nhận ra trước khi đến đây là mình đã từng trò chuyện với anh cách đây 11 năm, khi anh được biết đến với vai trò nhà sản xuất phim Và Anh sẽ trở lại. 11 năm qua, hành trình của anh với phim ảnh diễn ra như thế nào?
Trải nghiệm thì nhiều lắm. Thậm chí từ trước đó, tôi đã có trải nghiệm trong việc xuất thân trong gia đình làm nghệ thuật và từ một sinh viên khoa thiết kế hoạt hình, sau đó rẽ lối chuyển sang học làm phim tại khoa đạo diễn Điện ảnh, trở thành đạo diễn rồi nhà sản xuất, thử sức với rất nhiều thể loại phim từ điện ảnh, truyền hình, webdrama… tất cả đều mang đến một hành trình 11 năm cực kỳ đáng nhớ.
Điều gì khiến anh quyết định chuyển hướng từ một họa sĩ khoa thiết kế mỹ thuật phim hoạt hình sang một… đạo diễn?
Đâu tiên là thích đã. Ở trong trường Sân khấu điện ảnh, tôi được gặp gỡ và thấy các bạn sinh viên khác học về điện ảnh, được thực hành bài tập bằng máy quay, tôi rất thích thích. Ngày cấp 3 còn ở quê, tôi vốn học vẽ vì thầy dạy vẽ là một người tôi rất trân quý, tôi học vẽ với năng khiếu và theo thầy để thi vào mỹ thuật, ở quê ngày đó cũng không có trải nghiệm với các thiết bị làm phim, nhưng với phim ảnh tôi rất tò mò. Vì vậy sang năm thứ 4 mỹ thuật, tôi nhận ra đam mê của mình chính là điện ảnh. Tôi quyết định thi học đạo diễn và theo đuổi nó.
Nhưng làm phim là một hành trình đòi hỏi sự đánh đổi của rất nhiều tiền bạc, áp lực và xác suất thành công cũng rất nhỏ – có khi nào anh cảm thấy chần chừ trước những quyết định của mình?
Tôi thấy mình khá may mắn khi vừa ra trường đã được tạo điều kiện cho làm những bộ phim truyền hình đầu tiên. Sau khi tốt nghiệp khoa đạo diễn năm 2011, năm 2012, tôi nhận được lời mời hợp tác với công ty tôi và đứng tên đạo diễn làm một bộ phim của VTC với thời lượng là 10 tập – khoảng 450 phút. Ngày ấy tôi thấy mọi thứ nhẹ nhàng lắm, thế nên sau đó tôi quyết định làm một bộ phim ra rạp với vai trò là nhà sản xuất. Mọi thứ vẫn thuận lợi. Cho đến gần đây, một người bạn nói rằng tôi có một tình yêu nghề lì lợm. Tôi thấy đúng, hãy cứ yêu cái công việc mình đang làm và tin rằng một ngày nào đó mình sẽ làm được là mọi chuyện sẽ trở nên rất nhẹ nhàng thôi.
Có khi nào anh mất niềm tin vào công việc này không?
Gần như là chưa bao giờ. Cho dù tôi đã có những trải nghiệm liên quan đến những nghề khác như truyền thông thì tôi chưa bao giờ quên rằng mình muốn làm phim, mình sẽ làm phim và trở thành một đạo diễn.
Vậy phẩm chất quan trọng của một nhà làm phim là…
Đầu tiên là phải có niềm tin, tin vào câu chuyện mình định kể. Đương nhiên, câu chuyện đấy phải có sự tìm hiểu kỹ càng và luôn nghĩ đến những gì tích cực nhất, những điều nhân văn nhất mình muốn gửi gắm đến khán giả.
Anh có chia sẻ là mình đã từng được thử thách bản thân qua rất nhiều thể loại phim ảnh. Vậy mỗi thể loại mang đến cho anh những trải nghiệm như thế nào?
Với truyền hình, ta luôn phải nuôi cảm xúc với bộ phim trong rất nhiều ngày, nhiều tháng để theo sát nó. Cách làm phim truyền hình hiện tại cũng khác xưa, chúng ta làm phim cuốn chiếu trong đó có một phần lắng nghe phản hồi của khán giả . Vì thế với tôi, truyền hình là thể loại mà đòi hỏi được dồn rất nhiều năng lượng, sự sáng tạo và sức lực cho nó bền bỉ trong nhiều ngày tháng. Ví dụ như bộ phim vừa rồi, tôi đã mất 6 tháng tiền kỳ, rồi sau đó vừa ghi hình vừa làm kịch bản. Dự án bắt đầu từ tháng 2 thì đến bây giờ là tháng 10 mới rục rịch kết thúc.
Điện ảnh lại là câu chuyện khác. Năng lượng dành cho một bộ phim điện ảnh có thể đổ dồn vào 1 tháng tiền kỳ, 1 tháng quay phim và 1 tháng hậu kỳ, thời gian dao động khoảng nửa năm đến 1 năm.
Việc vừa quay, vừa làm kịch bản, vừa phải lắng nghe cả những phản hồi từ khán giả – có khiến anh dao động trong việc thay đổi nội dung của phim theo cái khán giả muốn xem không? Làm thế nào để vừa giữ được chính kiến của mình, vừa khiến khán giả hài lòng?
Tôi nghĩ việc sàng lọc thông tin là tối quan trọng, nhất là trong những dự án vừa ghi hình vừa phát sóng như thế này. Tôi luôn tiếp thu những ý kiến tích cực và sẵn sàng thay đổi nếu hợp lý và phù hợp với hoàn cảnh. Đó là điều nên làm với những bộ phim mang tính xu hướng, và cũng giúp cho việc lan tỏa thông điệp mình muốn đưa ra tới đại chúng. Việc tìm cách cho khán giả đón nhận được điều mình muốn nó thật trọn vẹn cũng là điều tôi luôn đặt lên đầu mỗi khi làm phim. . vừa gửi gắm thông điệp vừa có chiều chuộng khán giả.
Thật ra, khi bắt tay thực hiện bộ phim này là tôi đã có trong đầu cái kết rồi. Tôi và ekip đã lên sẵn một sườn nội dung để làm đường ray của kịch bản, vậy nên mọi sự thay đổi có thể xảy ra nhưng không thể làm chệch hướng đi định sẵn từ đầu. Tôi không hề thay đổi bất cứ điều gì mình muốn chia sẻ trong bộ phim này, và giữ nguyên những thông điệp mà từ đầu mình muốn gửi gắm: Đi để trưởng thành. Trưởng thành để trở về và phục vụ cho quê hương.
Vậy xuyên suốt hành trình từ đầu đến giờ của anh, mọi chuyện đều thuận lợi chứ không hề có khó khăn? Hay là cũng có nhưng anh không… nói?
Đương nhiên là rất nhiều, nhưng với tôi thì mọi dự án liên quan đến phim ảnh đều khó chứ không riêng điện ảnh hay truyền hình. Phim ảnh là bộ môn của cả một tập thể, tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và thậm chí còn phụ thuộc vào những yếu tố ngoại cảnh – ví dụ như thời tiết. Trong suốt quá trình quay Đi Giữa Trời Rực Rỡ, tôi đã gặp hai đợt rất khó khăn về thời tiết đó là khi quay ở Cao Bằng và chính đợt bão Yagi vừa rồi. Ở Cao Bằng, có những lúc chúng tôi tưởng như phải gục ngã vì có những ngày mưa to gió lớn ở địa hình đồi núi, chúng tôi bị cháy rất nhiều thiết bị vì… sét đánh. Cả đoàn với 70 con người cùng nhau che chắn người và thiết bị ở giữa một vùng đồi trống trong cơn giông gió, sét đánh liên hồi.
Một khó khăn nữa trong dự án này mà tôi phải đối mặt đó là đôi chút hoài nghi liệu mình có còn năng lượng của tuổi trẻ không. Ở cái độ tuổi U40 như thế này, tôi rất băn khoăn khi phải kể một câu chuyện của thế hệ trẻ, thế hệ GenZ. Cũng may mắn rằng tôi được gặp các bạn trẻ, được casting trực tiếp, được hấp thụ những năng lượng tươi vui và sôi nổi ấy. Cộng sự của tôi trong bộ phim cũng là những người rất tâm huyết và hỗ trợ tôi hết mình.
Với tất cả tình cảm và sự nhiệt huyết ấy, mọi khó khăn tôi đều vượt qua được.
Làm thế nào để anh lấp đầy khoảng cách thế hệ giữa mình và các diễn viên Gen Z, để từ đấy tạo ra một bộ phim mà cả các bạn Gen Z khác cũng thấy đồng điệu?
Tôi nghĩ một điều mà mình đã làm tốt, đó là để các diễn viên có thể cùng tranh luận với mình về một vấn đề nào đó. Tôi để các bạn thoải mái, tự do bày tỏ những sáng tạo của mình, tôi lắng nghe và tiếp thu những cái đúng. Các bạn đều còn rất trẻ và khát khao thể hiện năng lực và cá tính của mình. Khi được thủ vai chính, chính các bạn đã truyền cho tôi rất nhiều năng lượng tươi mới ấy.
Ban đầu, cả hai bên đều có sự phản biện qua lại. Sau này, cả tôi lẫn các bạn đều đã rất hiểu và tin tưởng nhau trong suy nghĩ rồi, tôi lại để các bạn tự do sáng tạo.
Anh hãy chia sẻ về lý do mình lựa chọn Long Vũ và Thu Hà Ceri cho hai vai chính được chứ?
Với Long Vũ thì tôi đã có sự quan sát bạn từ những vòng casting đầu tiên. Phải nói thẳng rằng khi đó tôi đã cân nhắc rất nhiều, bởi tôi sợ Vũ sẽ đi theo lối mòn từ những vai diễn trước cũng là sở trường của bạn khi hóa thân vào các thanh niên dân tộc vùng cao. Nhưng cho đến lần thứ 3, tôi hoàn toàn không còn chút lo lắng về Vũ nữa khi thấy được sự khát khao tỏa ra mãnh liệt từ Vũ. . Vũ mang đến một năng lượng khiên tôi nhận ra đây chính là Chải rồi! Nhân vật chính của mình đây rồi! Tôi đã quyết định đó phải là Vũ sau từng đấy vòng casting,, từng phân đoạn tương tác và phản ứng hóa học với bạn diễn. Đó là điều khiến tôi chọn Vũ..
Với Thu Hà Ceri, tôi hay trêu rằng mình là fan cứng của Thu Hà. Tôi quan sát Hà đã lâu và thấy được sự trong trẻo trên gương mặt, trên từng nét diễn xuất của bạn. Hà cũng có rất nhiều những trải nghiệm với điện ảnh lẫn công việc ghi hình. Tôi đã chọn Hà còn trước cả Vũ, nhưng Hà lại quá bận với những dự án trước và phải đến 4-5 ngày trước khi chính thức quay, tôi mới gặp Hà để chuẩn bị cho bộ phim.
Lần đầu đọc kịch bản của Đi Giữa Trời Rực Rỡ, anh đã nghĩ gì? Điều gì khiến anh quyết định tham gia dự án này?
Đầu tiên thì đây chính là sở trường của tôi. Không chỉ từng làm rất nhiều phim về vùng cao, mà tôi còn mong muốn được làm phim cho các bạn trẻ của thế hệ Gen Z. Tôi thậm chí còn nói rằng mình muốn làm dự án này bằng mọi giá, cũng chẳng có tí đắn đo nào khi đọc kịch bản. Sau 2 tháng vừa đọc, vừa trao đổi, tìm hiểu và hoàn thiện kịch bản, tôi cũng đã định hình được bộ phim sẽ phát triển như thế nào. Khi ấy, điều tôi tự tin nhất chỉ đơn giản là tôi có một cảm giác rất tốt với kịch bản và câu chuyện này.
Đâu là điểm đặc biệt và thú vị nhất khiến khán giả phải xem bộ phim này?
Để tự đánh giá thì tôi thấy rằng sẽ rất khó. Nhưng tôi nghĩ, đến giờ phút này mà khán giả vẫn đang đón nhận bộ phim thì có lẽ là do tôi đã kể một câu chuyện của các nhân vật một cách chân thật và giản dị nhất chăng? Trong phim, tôi không để bất cứ nhân vật nào của mình – đặc biệt là vai các nam thanh niên vùng cao – uống bất cứ một giọt rượu nào. Cách các bạn tương tác với nhau và thể hiện cũng chân thật nhất có thể, và khán giả nhận ra được điều đó. Khán giả hiện đại rất tinh tường, chỉ cần xem là họ thấy chuyện gì là thật, chuyện nào là giả. Và tôi nghĩ, đó cũng chính là cái thành công nhất của bộ phim này – các diễn viên đều truyền tải tất cả tính cách của các bạn ấy từ những cáu giận cho đến yêu thương.
Tại sao phải đến tập 50, Pu và Chải mới bắt đầu… quay về có tình cảm với nhau? Điều gì khiến anh kéo dài cái thời gian theo đuổi và chờ đợi của Chải đến vậy?
Tôi nghĩ đây không phải sự cố tình. Ai trong bất cứ giai đoạn nào đấy khi gặp biến cố đều có những tự ti nhất định. Chúng ta cũng vậy. Sẽ có những khoảng thời gian ta không muốn gặp gỡ những người thân quen mà mình yêu thương và muốn thể hiện rằng mình cần có một khoảng thời gian chứng mình mình đã trưởng thành, đã biết suy nghĩ. Để rồi sau đó, mình sẽ gặp lại người ấy bằng mọi giá. Chính vì suy nghĩ rồi ta sẽ gặp lại sẽ khiến chúng ta phải tạm xa nhau một thời gian. Đó là suy nghĩ của tôi, chứ không có chút nào muốn chọc giận khán giả ở đây đâu.
Hãy hiểu rằng cậu nam thanh niên vùng cao ấy có một sự tự tin nhất định, thậm chí Chải chưa bao gờ tự ti hết. Tuy nhiên, khi bị shock bởi một biến cố của gia đình, phải hoang mang giữa một đời sống mà mình chưa từng trải nghiệm trước đây – thì lạc lối là một điều dễ hiểu. Trong thoại, Chải có nói rằng chậm lại để suy nghĩ một chút, để biết mình đang ở đâu, đang như thế nào,… và sự chậm lại đó là thứ tôi nghĩ mình phải cho nhân vật để họ phát triển một cách trọn vẹn.
Vậy đặt trường hợp nếu anh là Pu, anh sẽ chọn về với Chải hay Thái?
Pu vẫn đang đi học, thế nên câu trả lời phải theo chiều hướng của tương lai…
Nhưng nếu là một cô gái vẫn đang đi học như Pu thì….
Tôi vẫn chọn Chải thôi.
Người luôn đợi mình là người yêu mình hơn anh nhỉ.
Và người yêu mình hơn, vì mình mà cố gắng là người chân thành.
Anh có nghĩ mình muốn đính chính một tình huống nào đó đã khiến Pu rung động trước Chải mà dường như khán giả đã bỏ qua không?
Thực ra, tình tiết lớn nhất vẫn luôn là sự xuất hiện của Chải mỗi khi Pu gặp khó khăn. Tôi nghĩ chắc khán giả đã bỏ lỡ, hoặc là tôi… làm chưa ra. Chắc tôi không dành thời gian để đính chính nữa mà sẽ lấy đó làm bài học để rút kinh nghiệm trong bộ phim tiếp theo và làm tốt hơn. Qua bộ phim này, tôi cũng đã hiểu rất nhiều những suy nghĩ và cả cách xem phim của khán giá hiện đại để làm bài học, thay đổi cho những bộ phim sau.
Thời gian gần đây, bộ phim đã đối mặt với không ít những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Anh có đọc những ý kiến đó không?
Tôi có đọc, thậm chí phải thừa nhận rằng có những lúc tôi đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ những ý kiến trái chiều đó. Tuy nhiên, tôi vẫn cứ tin tưởng vào những gì mình muốn gửi đến khán giả, những thông điệp tích cực, những câu chuyện và lý tưởng của nhân vật, rồi truyền tải nó bằng một cách giản dị và chân thành nhất. Tôi nhớ không nhầm rằng ở tập 48, 49 – khán giả vẫn đón nhận những thông điệp mà tôi gửi gắm cũng như tình cảm của các nhân vật trong phim.
Nhìn lại hành trình với bộ phim này, anh thấy cảnh quay đáng nhớ nhất là….
Gần như tất cả hành trình của các bạn ở trên vùng cao đều là những cảnh quay đáng nhớ với tôi. Nhưng để nói đáng nhớ nhất thì có lẽ là cảnh Pu bị đám buôn người làm hại trong khu rừng. Tất cả đoàn phim đều có chung một cảm xúc xót thương cho nhân vật ở ngay trên hiện trường. Cả một cảnh quay nữa khi Chải xuống dưới xuôi và có cuộc nói chuyện với bố. Tôi đã phát hiện nhiều thành viên trong đoàn phim còn khóc khi chứng kiến hai bố con nói chuyện với nhau về những biến cố của gia đình, về ước mơ tương lai của Chải.
Dù đã làm nghề hơn chục năm nay, nhưng dường như phải đến Đi Giữa Trời Rực Rỡ thì anh mới bắt đầu nhận được sự chú ý đặc biệt hơn từ đại chúng. Vậy định nghĩa của anh về sự thành công trong công việc này là gì? Là cảm giác sung sướng khi được làm nghề hay cảm giác nhận được sự ghi nhận của khán giả?
Lúc đầu thì đó là cảm giác sung sướng khi được làm nghề. Nhưng tôi luôn ý thức mỗi khi bắt đầu một bộ phim thì cái hướng đến đầu tiên bao giờ cũng là khán giả. Đôi lúc, tôi gạt cái sung sướng khi làm nghề sang một bên để làm phim cho khán giả xem, chứ không phải làm phim cho mình thấy đã. Bộ phim trước của tôi với vai trò nhà sản xuất cũng đã nhận được sự đón nhận nhất định từ công chúng, dù đó là một bộ phận rất nhỏ của khán giả xem điện ảnh thôi. Nó cũng phụ thuộc vào tính thời điểm nữa, bởi nếu ngày đó có hệ thống rạp nhiều như bây giờ, tôi nghĩ số lượng khán giả và độ lan tỏa cũng sẽ tốt hơn ngày xưa rất nhiều.
Khi làm một bộ phim mà đặt cái mong muốn của khán giả lên cao quá thì liệu đâu đó có làm mất đi bản sắc riêng của đạo diễn trong tác phẩm không?
Tôi thì hay lựa chọn đề tài trước khi làm phim.Với bộ phim này chẳng hạn, tôi biết chắc mình sẽ làm một bộ phim cho giới trẻ, một bộ phim cho trăm triệu dân khi được phát sóng trên truyền hình. Đối với nghệ sĩ, ta nên có sự lựa chọn của mình trước khi nói mình làm bộ phim này vì nghệ thuật hay vì cái tôi.
Bài học lớn nhất mà anh học được sau nhiều thăng trầm với công việc này là?
Hãy luôn kiên trì và nhẫn nại. Tôi nghĩ đó là điều kiện tiên quyết của một người làm nghệ thuật. Làm phim vất vả và khó khăn vô cùng. Sự kiên trì là thứ mà ta luôn phải túc trực trong người. Sự nhẫn nại đó cũng là thứ mà tôi học được ở trong trường, khi tôi đã luôn biết mình sẽ làm một bộ phim như bây giờ. Không phải ngày mai, ngày kia tôi làm được ngay lập tức, nhưng tôi luôn biết một ngày nào đó, sớm thôi, nhất định sự kiên trì của mình sẽ được đền đáp.
Và để đi đến giây phút này thì anh thấy thành công quan trọng nhất mà mình từng đạt được là…
Giữ vững được lập trường của bản thân, giữ vững những quyết định, mục tiêu và không đánh mất sự kiên trì. Tôi mong muốn các bạn trẻ cũng nên có những suy nghĩ như vậy khi theo đuổi giấc mơ của mình.
Có vẻ như anh là một người làm phim rất trong sáng khi luôn đặt sự thỏa mãn của khán giả lên trên những bài toán về doanh số…
Nếu tính toán nhiều quá thì lại rất khó để làm một bộ phim tốt. Mặt bằng chung khán giả Việt Nam rất thích xem phim Việt Nam. Tôi chưa bao giờ hoài nghi chuyện đấy. Nhưng tôi lại hoài nghi rằng: Nếu làm phim với tâm thế hồn nhiên nhưng lại không được khán giả đón nhận thì sao? Khán giả Việt chuộng phim Việt, chỉ có điều là người làm phim sẽ làm như thế nào để đưa bộ phim đến với khán giả thôi. Chưa bao giờ tôi thấy khán giả Việt lại quay lưng với phim Việt hết. Đã có những bộ phim đạt doanh thu hàng trăm tỉ, thậm chí vượt cả phim Hollywood chiếu cùng thời điểm mà. Vậy nên, tôi không nghĩ đến việc làm phim cho khán giả lại không thu được lợi nhuận đâu. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng nếu dành tâm trí cho lợi nhuận nhiều quá thì sẽ khó đạt được mục đích của mình.
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện này và chúc anh sẽ có thêm nhiều tác phẩm đáng nhớ trong tương lai!