Giáo sư (GS) Trương Nguyện Thành được nhiều người trìu mến gọi bằng cái tên “Giáo sư quần đùi“. Ngoài vai trò là giáo sư đại học, ông cũng là một người bố với những quan niệm nuôi dạy con được nhiều người đồng tình và yêu mến.
Ông cho rằng, phong cách dạy con của mình là tạo tình huống và qua đó trực tiếp hay gián tiếp dạy cho con điều mình muốn dạy qua việc con trải nghiệm thực tế với sự đồng hành của cha/mẹ chứ không “lên lớp“ dạy bảo để con ngồi nghe và hy vọng con sẽ tuân thủ. Một nguyên tắc rất đơn giản “Muốn con trở thành người thế nào thì cha/mẹ sống và hành xử y như vậy“.
Khi Takara – con trai của ông bắt đầu bước vào học Thạc Sĩ về AI (Trí tuệ nhân tạo) ở Stanford là lúc đại dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành ở Mỹ. Bởi cách ly xã hội, cậu sống, học… trong phòng nội trú của trường.
Chương trình học khó, môi trường sống cô lập,… tinh thần của Takara ngày càng giảm. Như các bạn trẻ 9X khác, ngoài việc học, làm bài tập, mọt sách và máy tính thì Takara thích chơi video game, xem những videos trên mạng xã hội. Cuộc sống khá thụ động.
Khi hết Covid-19 Takara hàng ngày đạp xe chừng 10-15 phút từ căn hộ đến trường rồi về chứ không có những hoạt động thể chất nào khác. Nói một cách khác, theo ông bố giáo sư, con trai Takara là một công tử học giỏi và chỉ làm những gì mình giỏi.
Tuy nhiên, Takara đã cùng cha có những trải nghiệm tuyệt vời với hai chuyến xe đạp xuyên miền Tây, rồi từ TPHCM đi Quảng Bình. Khi nhận được bằng Thạc sĩ, cậu lại muốn cha thưởng cho mình một chuyến đạp xe ở Việt Nam (đi vòng miền Bắc).
Trong hành trình đạp xe mới đây, hai cha con đã chinh phục tổng chiều dài: 1250 km với 17 ngày đạp xe (với 4 ngày nghỉ giữa chặng). Tổng độ cao leo: 24.000m. GS Trương Nguyện Thành chia sẻ, nhân các chuyến đạp xe, ông cũng muốn dạy cho con một số “bài học đời“ quan trọng:
Bài học 1: Căn tính Việt
Căn tính rất quan trọng để trả lời câu hỏi “Tôi là ai?“. Ai hỏi Takara là người gì thì cậu sẽ trả lời “I am a Vietnamese Japanese American“. Sinh ra và lớn lên ở Mỹ thì có căn tính Mỹ là điều dễ hiểu và tự nhiên. Có mẹ là người Nhật (sinh ra và lớn lên ở Nhật) và sống với mẹ thường xuyên nên hấp thụ căn tính Nhật dễ dàng. Thêm nữa văn hóa Nhật có tầm ảnh hưởng toàn cầu với những đặc tính rất đặc trưng (tinh thần võ sĩ đạo) của căn tính Nhật mà hầu như thế giới ai cũng biết.
Thế còn căn tính Việt, làm sao để cho con mình có được căn tính này là một thử thách cho đa số cha mẹ Việt kiều. Bạn không thể bảo con vỗ ngực tự hào người Việt là người thông minh xuất chúng khi trong lớp có các bạn Mỹ, người gốc Ấn, gốc Do Thái, gốc Nga, gốc Đức, gốc Hàn, gốc Trung Quốc… thông minh không kém và có thể hơn.
Căn tính là điều gì đó mà cá nhân người đó cảm nhận như một phần của người đó chứ không qua sách vở hay bất kỳ nguồn nào. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng Takara có thể ăn bất kỳ món ăn Việt nào, kể cả thắng cố mà nhiều người Việt cảm thấy khó ăn và tất cả các loại rau thơm. Ngoài ra Takara còn biết gói bánh Tét mỗi dịp Tết.
Nhưng tôi muốn con có cảm nhận về con người Việt và xã hội Việt. Chuyến đạp xe vòng miền Bắc lần này Takara cảm nhận được nét đa văn hóa trong xã hội Việt. Thêm với hai chuyến đạp xe lần trước, chuyến đạp xe xuyên miền Tây, rồi từ TPHCM đi Quảng Bình, Takara đã thấy và cảm nhận được hầu hết non nước và con người Việt Nam mà nhiều bạn Việt Nam cùng lứa tuổi chưa chắc có cơ hội làm điều đó.
Bài học 2: Tâm thế quyết định tất cả
Khi đứng trước thử thách mà bạn lo sợ, nghi ngờ vào khả năng của bản thân thì khả năng cao bạn vượt qua không được. Khi đứng trước thử thách, tâm thế thản nhiên đón nhận và cố gắng vượt qua hết sức có thể của mình thì bạn có thể làm được những điều mà cá nhân không thể ngờ được.
Takara quan sát cha rất kỹ từ khi thức dậy tập KiDao (khí đạo) chung với cha, lúc đạp xe, khi tương tác với mọi người và đến giờ đi ngủ. Cậu ta thấy cha lúc nào cũng tươi cười tích cực cho dù đuối sức khi đạp lên đèo hay khi đến nơi người không còn miếng năng lượng nào cả. Không hề có một tiếng than, không hề cáu gắt, không hề lớn tiếng trước những tình huống không như mong muốn.
Và một điều đặc biệt, trong lần té xe ở Hà Giang, tôi đập tay phải xuống đường để chống đỡ và có thể bị chấn thương ngón tay cái và trỏ phải nên đau không dùng được. Đạp xe phải dùng ngón cái phải để chuyển số lips sau khi lên đèo xuống dốc, thế mà ngón cái dùng không được. Cả bàn tay phải sưng lên. Takara nhìn thấy cha phải dùng lòng bàn tay ẹo người mỗi lần chuyển số. Cũng chẳng than phiền hay dừng cuộc đạp xe. Cứ thế mà tiếp tục leo đèo vượt núi và miệng cũng luôn cười.
Thêm nữa, khi đến Đồng Văn thì mắc mưa trên núi cao nên tôi bị cảm nhẹ. Thế là bắt đầu ho khù khụ với đờm. Takara hỏi “Cha bị cảm hả“. Tôi đáp có lẽ cha bị cảm nhẹ khi đến Đồng Văn. Đến khi kết thúc chuyến đi cũng vẫn còn ho. Ho có đờm có nghĩa phổi yếu đi và như thế các hoạt động cường độ cao sẽ rất khó. Đó chính là lý do mà tôi đuối sức những ngày đạp xe vượt qua các ngọn đèo ở Cao Bằng tuy nó không cao như ở Hà Giang.
Takara nhìn tâm thế của cha mỗi sáng khi bước lên xe, khi leo lên đèo, khi đến nơi… và cậu ta học. Mấy ngày cuối, hệ tiêu hóa của cậu ta yếu dần và bắt đầu đình công nên bị tiêu chảy. Mặc dù người khó chịu, yếu đi nhưng khi đã thấy cha đã làm được như vậy cậu ta cũng vui vẻ tươi cười với mọi người và cũng vẫn đạp.
Tôi hỏi “Con cảm thấy người thế nào?“ – Takara đáp “Người con có khó chịu, có hơi đuối sức nhưng con không thể làm gì khác hơn, chúng ta đi thôi“. Và với tâm thế như thế, hai cha con lết đến Hạ Long trong một tinh thần phấn khích và vui vẻ.
Bài học 3: Grit – Sự bền bỉ, tính kiên trì cộng với lòng can đảm
Nghiên cứu khoa học cho thấy Grit (sự bền bỉ, tính kiên trì cộng với lòng can đảm) là một yếu tố cần thiết ở những người thành công. Nhưng tính grit này cần được rèn luyện chứ không tự nhiên mà có. Không có một cơ hội nào tốt hơn để rèn luyện tính grit từ chuyến đạp xe này khi ngày nào cũng đạp trung bình trên 70km với tổng độ cao lên trung bình gấp ba lần đèo Hải Vân trở lên và nhiều lúc phải làm thế trong điều kiện thời tiết nóng khoảng 40 độ C và nắng cháy da. Và làm điều ấy không chỉ một ngày, không phải hai ngày, mà liên tục 3 tuần.
Sáng sớm 5h sáng dậy để chuẩn bị bắt đầu đạp vào 6h. Thường thì kết thúc khoảng 3-4h chiều. Có hôm leo 2.500m đến sau 6h chiều vẫn chưa đến nơi. Chắc không cần phải thuyết phục bạn là chuyến đạp xe này đã rèn luyện grit không những cho Takara mà còn cho cả tôi và các bạn đạp cùng dù họ có kinh nghiệm và chuyên môn hơn.
Bài học 4: Quan tâm đến sức khỏe
Những ngày đầu tiên Takara đuối sức khi leo đèo. Tôi phải đi theo động viên. Để một ông già U70 đi động viên một cậu trai trẻ tuổi 27 thì đúng là hơi quê. Một hôm khi về đến đích, Takara nói với cha “Khi về lại Mỹ con sẽ chăm sóc sức khỏe mình tốt hơn. Sẽ tập luyện thể dục thường hơn“. Tôi không cần phải khuyên bảo.
Bài học 5: Tính đồng đội
Để đạp được từ điểm dừng chân này đến điểm dừng chân kia (không có xe hơi hậu cần để đưa đón) trên cung đường hiểm trở trong bản làng và kể cả đường mòn trong núi ở miền Bắc là điều không hề dễ dàng. Cho dù tôi và Takara là khách hàng nhưng Takara nhận thấy rõ chúng tôi hành xử với nhau như một đội và hỗ trợ cho nhau.
Trong suốt hành trình không hề có lời chỉ trích hay phê bình. Sáng sớm tươi cười khởi hành và chiều tối ăn uống vui vẻ nạp năng lượng. Muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì phải đi với nhau. Tính đồng đội là điều cần thiết để duy trì tinh thần tích cực trong suốt chặng đường dài.
“Tại sao tôi phải bỏ công sức và tiền của để có chuyến đi hành xác này với con thay vì thưởng cho con chuyến du lịch nào đó hay một món quà nào khác có dễ hơn không? Chúng ta khi đầu tư vào điều gì thì ai cũng muốn có lãi. Nhưng tất cả chúng ta đều biết, có đầu tư có lãi, cũng có những cái lỗ mất vốn. Nhiều cha mẹ bỏ công sức gầy dựng cơ đồ để làm di sản cho con. Nhưng với tôi thì một ngày tôi sẽ nói với con:
Tất cả những di sản và gia tài mà cha để lại cho con đã ở trong con! Có thể nói sau chuyến đạp xe, Takara từ một công tử trở thành một chiến binh. Đó chính là đầu tư của tôi“, GS Thành chia sẻ.