Đến với phòng khám của tôi ngày hôm đó là một cặp vợ chồng cũng đã gần 40 tuổi. Ngồi tại vị trí của bệnh nhân, người chồng lưỡng lự không biết phải bắt đầu buổi khám bệnh của mình như thế nào. Anh đưa ánh mắt về phía vợ, người sau đó kể lại cho tôi nghe toàn bộ câu chuyện:
Hai vợ chồng họ có một cuộc sống ổn định với hai đứa con và công việc công chức nhà nước. Dạo gần đây, chị vợ thấy chồng dường như nguội lạnh trong chuyện chăn gối, nhưng bù lại thường xuyên tặng vợ đồ lót, nhiều mẫu với thiết kế mỏng tang phối ren trông rất gợi cảm. Chị nghĩ đến tuổi này thì “chuyện ấy” cũng không còn mặn nồng như xưa. Hơn nữa, chị cũng rất vui vì những món quà chồng tặng và cho rằng có thể đợt này anh ấy bận rộn công việc nhưng vẫn biết nghĩ đến mình.
Tuy nhiên, một thời gian, chị thấy những bộ đồ lót ấy cứ … mất dần. Ban đầu chị nghi ngờ do hàng xóm lấy cắp, nhưng trong một lần dọn phòng cho con, chị tá hỏa phát hiện ra những bộ đồ lót ấy được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng phía dưới hộc tủ quần áo…
Anh chồng thừa nhận với bác sĩ, trong khoảng thời gian trở lại đây anh có hưng phấn tình dục nhất là khi vừa nhìn đồ lót nữ vừa thủ dâm. Anh càng thấy hưng phấn hơn nếu những quần áo ấy được quyện với mùi hương thân quen của vợ mình. Điều này khiến anh trở nên lạnh nhạt trong chuyện quan hệ với vợ mình nhưng anh khẳng định, chưa bao giờ quấy rối hay lấy trộm đồ của ai. Ngoài ra, anh cũng thấy có cảm giác căng thẳng và tội lỗi, cũng như khó mở lời để chia sẻ cùng vợ.
Qua khai thác thêm thông tin bệnh sử, đánh giá lâm sàng và xét nghiệm cần thiết, tôi hướng nhiều đến chẩn đoán rối loạn loạn dâm đồ vật (fetishistic disorder).
Trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần của Hiệp hội Tâm thần học Mỹ (DSM-5), rối loạn này được xếp vào rối loạn lệch lạc tình dục, nằm cùng nhóm với nhìn trộm, khổ dâm, bạo dâm.
Người loạn dâm đồ vật, đa số là nam giới, thường có những tưởng tượng, thôi thúc đạt được khoái cảm khi được tiếp xúc với những đồ vật, phổ biến nhất là đồ lót của nữ giới. Những đồ vật khác có thể được sử dụng để gây hưng phấn tình dục bao gồm: tất, quần áo da hoặc cao su. Tuy nhiên, để có thể đưa ra chẩn đoán cuối cùng, tôi đã sắp xếp thêm một buổi nói chuyện với riêng người chồng, để đánh giá mức độ căng thẳng và sự rạn nứt trong mối quan hệ vợ chồng – những tiêu chuẩn quan trọng để có thể đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
Trong buổi nói chuyện ấy, anh chồng đã chia sẻ cởi mở hơn những thay đổi của bản thân từ lúc triệu chứng mới bắt đầu, cùng với đó là mong muốn điều trị và hàn gắn mối quan hệ với người vợ thân yêu.
Theo tiêu chuẩn của DSM-5, thời gian biểu hiện những triệu chứng của người bệnh phải ít nhất 6 tháng. Nhưng trong thực hành lâm sàng, với những vấn đề tế nhị như vậy, bác sĩ lâm sàng rất khó để đánh giá được mốc thời gian bắt đầu chính xác. Việc chẩn đoán và điều trị có thể được đưa ra dựa trên mức độ các triệu chứng hiện tại của người bệnh.
Sau khi được giải thích và tư vấn, cả hai đã đồng ý điều trị với sự phối hợp hóa dược và trị liệu tâm lý, trong đó tôi tập trung vào liệu pháp trị liệu cặp đôi cho trường hợp này. Với điều trị hóa dược, mục đích của người bác sĩ là để giảm nhẹ những căng thẳng hiện tại và điều chỉnh lại kích thích tình dục cho người bệnh.
Tuy nhiên, để duy trì hiệu quả điều trị lâu dài, việc phối hợp thêm trị liệu tâm lý là điều cần thiết. Trong suốt quá trình thăm khám và điều trị, bác sĩ phải là người luôn lắng nghe và cố gắng tránh dùng những từ ngữ có thể khiến cho người bệnh phần nào cảm thấy tội lỗi hay không thoải mái về những hành vi của mình.
Cho đến nay, tôi vẫn còn liên lạc với vợ chồng ấy vì họ còn những thắc mắc cần tôi tư vấn. Ngày hôm ấy người vợ có nhắn tin, nói rằng không chỉ chuyện tình dục được cải thiện mà chuyện tình cảm của họ cũng được hâm nóng. Ngày 8/3, anh chồng còn tặng một bó hoa hồng thật đẹp, kèm theo một bức thư để xin lỗi. Cuối thư anh viết: Xin tha thứ cho kẻ biến thái ngày ấy – người chồng yêu em.
BS. Dương Duy Khánh