Jennifer Breheny Wallace là nhà nghiên cứu tốt nghiệp đại học Harvard (Mỹ) và tác giả của nhiều cuốn sách nuôi dạy con. Wallace đã phỏng vấn các nhà tâm lý học và làm việc với một nhà nghiên cứu tại Harvard Graduate School of Education để khảo sát 6.500 phụ huynh trên khắp nước Mỹ để thực hiện cuốn sách nổi tiếng “Never Enough: When Achievement Pressure Becomes Toxic — and What We Can Do About It” (Tạm dịch: Không bao giờ là đủ: Khi áp lực thành tích trở nên độc hại).
Jennifer Breheny Wallace là nhà báo, nhà nghiên cứu về nuôi dạy con cái từng tốt nghiệp ĐH Harvard
Trong quá trình này, nhà nghiên cứu Wallace phát hiện ra những đứa trẻ lớn lên thành công nhất thường được cha mẹ nuôi dạy để trở thành “người phấn đấu vì mục đích lành mạnh”, thay vì chạy theo thành tích, đua tranh tiêu cực. Chúng luôn sống có động lực nhưng không tin rằng thành tích sẽ quyết định giá trị, phẩm chất và tư cách con người mình.
Những đứa trẻ đó sẽ trái ngược hoàn toàn với hầu hết thanh thiếu niên ngày nay, thường phát triển trong một môi trường “siêu cạnh tranh” từ học tập, thể thao cho đến các hoạt động ngoại khóa khác. Việc chỉ chú tâm vào kết quả cao thấp khiến nhiều học sinh, sinh viên trở thành nạn nhân của “văn hóa thành tích độc hại”, tăng tỷ lệ mắc trầm cảm, căng thẳng.
Sự lo lắng quá mức của cha mẹ về thành tích của con cái chính là nguyên nhân dẫn đến những cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ngày càng nhiều ở thanh thiếu niên. Việc thường xuyên bày tỏ mối quan ngại về kết quả học tập sẽ khiến những đứa trẻ lầm tưởng rằng chúng chỉ được đánh giá cao khi có thành tích tốt.
Làm thế nào để con cái “phấn đấu vì mục đích lành mạnh”?
Khi trò chuyện với hàng nghìn bậc cha mẹ, Wallace nhận thấy rằng, những người đứa trẻ lớn lên thành công đều có chung một đặc điểm tâm lý được gọi là “cảm giác mình quan trọng”. “Cảm giác mình quan trọng là khi được gia đình, bạn bè và cộng đồng đánh giá cao về con người cốt lõi của bạn. Đồng thời, bạn được tin tưởng rằng sẽ mang lại giá trị có ý nghĩa cho mọi người xung quanh”, Wallace chia sẻ.
Cụ thể, Wallace đã tìm thấy mối tương quan giữa mức độ tự tin của thanh thiếu niên và cảm giác “bản thân thực sự quan trọng và có ý nghĩa đối với cha mẹ”. Càng được bố mẹ tin tưởng, đứa trẻ sẽ càng có được sự tự tin thể hiện bản thân, mạnh dạn nắm bắt cơ hội.
”Sự tin tưởng và coi trọng của cha mẹ sẽ hoạt động giống như một lá chắn bảo vệ chống lại căng thẳng, lo lắng và trầm cảm ở trẻ. Kể cả những người biết phấn đấu vì mục đích tốt, lành mạnh cũng sẽ có khi gặp trở ngại hoặc thất bại. Nhưng niềm tin của bố mẹ khi ấy sẽ giống như một cái phao “cứu” những đứa trẻ và khiến chúng kiên cường hơn”, Wallace tiết lộ.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi nhà tâm lý học trẻ em Richard Weissbourd của ĐH Harvard (Mỹ), trẻ em sẽ tự tin hơn khi được cha mẹ thấu hiểu hơn và dành cho những được lời khen ngợi trực tiếp. Vì vậy, hãy luôn dành thời gian để quan tâm và lưu ý những cuộc trò chuyện cùng con nhỏ. Đồng thời, hãy chuyển rời sự chú trọng điểm số sang những sở thích, những mối quan tâm thực sự mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con.
Khuyến khích con tham gia làm tình nguyện xã hội cũng có thể tăng cường sự tự tin ở bằng cách sử dụng các kỹ năng và sở thích của mình để giúp đỡ người khác. “Hãy tìm hiểu điểm mạnh của con, nhận biết con giỏi ở lĩnh vực nào và giúp chúng sử dụng những điểm mạnh đó để khắc phục điểm yếu. Đồng thời, dạy cho con dùng điểm mạnh đó để tạo ra tác động tích cực ở nhà, ở trường và trong cộng đồng rộng lớn. Đó sẽ là cách tốt nhất để nuôi dạy và hướng con phát triển”, nhà tâm lý học Wallace khẳng định.
Nhiều cha mẹ có con cái thành đạt chia sẻ với Wallace rằng điều quan trọng là bản thân phụ huynh phải làm gương cho con học những thói quen lành mạnh hơn. “Đừng để lịch trình công việc quá tải, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và đảm bảo bạn có thời gian dành cho gia đình”, Wallace nói.
Theo CNBC