Ai cũng muốn con mình lớn lên có ngoại hình đẹp, hoặc có tài năng ở một lĩnh vực nào đó, được mọi người khen ngợi. Tuy nhiên trong cuộc sống, chúng ta thường gặp tình huống như này: Khi con được ai đó khen ngợi, nhiều cha mẹ vừa khen xong vội phủ định, rồi… chê lấy chê để con mình. Dường như họ sợ việc tiếp nhận lời khen có thể bị mang tiếng là tự kiêu.
Cha mẹ biết không? Khi người khác khen ngợi con, phản ứng đầu tiên của chúng ta thường ảnh hưởng đến cảm giác về giá trị và sự tự tin của trẻ.
Vậy, phản ứng đúng cách sẽ là gì?
– Đầu tiên, hiểu đúng ý nghĩa của việc khen trẻ
Khen ngợi là một hành vi xã hội, nó không chỉ là sự ghi nhận của người khác mà còn là sự khẳng định giá trị của bản thân. Khi người khác khen ngợi con chúng ta, sự ghi nhận này sẽ khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng và chú ý, từ đó nâng cao sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ.
Khi người khác khen ngợi điểm số hoặc thành tích của một đứa trẻ, chúng ta thường nghe thấy một số phụ huynh trả lời mà không cần suy nghĩ: “Ôi con tôi vẫn lười lắm”.
Hãy thử nghĩ xem, bạn đã từng như vậy chưa?
Kiểu phản ứng này của cha mẹ có thể khiến trẻ cảm thấy nỗ lực của mình không được công nhận, làm suy giảm sự tự tin của trẻ. Trẻ cũng có thể nghi ngờ về giá trị của bản thân. Sự thiếu tự tin này có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ, khiến trẻ thiếu can đảm và quyết tâm đương đầu với thử thách, khó khăn.
– Tiếp theo, chúng ta phản ứng thế nào mới đúng?
Khi đáp lại lời khen của người khác, lời nói đầu tiên của chúng ta có tác động rất lớn đến con cái. Vậy chúng ta nên nói gì khi người khác khen ngợi con mình? Đây là một vài gợi ý:
1. Ghi nhận nỗ lực và thành tích của trẻ
Khi người khác khen ngợi thành tích của trẻ, chúng ta nên khẳng định nỗ lực và thành tích đó. Ví dụ, chúng ta có thể đáp lại như thế này: “Cảm ơn lời khen của bạn. Con tôi thực sự đã nỗ lực rất nhiều trong lĩnh vực này”. Phản ứng như vậy có thể khiến trẻ cảm thấy nỗ lực của mình đã được ghi nhận, từ đó tạo động lực cho trẻ tiếp tục làm việc chăm chỉ.
2. Khuyến khích trẻ tiếp tục nỗ lực
Ngoài việc ghi nhận những thành tích, nỗ lực của trẻ, chúng ta cũng nên khuyến khích trẻ tiếp tục nỗ lực. Ví dụ, chúng ta có thể nói: “Con đã làm rất tốt nhưng vẫn còn nhiều điều cần cải thiện. Bố mẹ hy vọng con có thể tiếp tục duy trì trạng thái này”. Câu trả lời như vậy có thể khiến trẻ cảm thấy rằng chúng ta luôn tràn đầy tin tưởng vào chúng, từ đó cố gắng chăm chỉ hơn.
3. Hướng dẫn trẻ nhìn đúng lời khen của người khác
Đôi khi, những lời khen ngợi từ người khác có thể khiến con cái chúng ta cảm thấy tự mãn. Vì vậy, chúng ta cần hướng dẫn trẻ nhìn nhận đúng đắn về những lời khen. Ví dụ, chúng ta có thể nói: “Cảm ơn lời khen của bạn, nhưng đứa trẻ vẫn còn nhiều điều phải cải thiện và tôi hy vọng nó có thể tiếp tục học tập chăm chỉ”.
Kiểu phản ứng này có thể khiến trẻ nhận ra mình còn nhiều khuyết điểm, để từ đó giữ thái độ khiêm tốn và thận trọng.
4. Đừng quá khiêm tốn
Dù cần cẩn thận để không khơi dậy tính tự mãn ở con cái nhưng chúng ta cũng không nên quá khiêm tốn.
Ví dụ: khi người khác khen ngợi điểm số hoặc thành tích, nếu chúng ta đáp lại bằng cách nói: “Con chưa đủ giỏi” thì sẽ khiến trẻ cảm thấy nỗ lực của mình không được công nhận, từ đó ảnh hưởng đến sự tự tin và động lực của trẻ. Vì vậy, chúng ta nên khuyến khích trẻ tiếp tục trạng thái này đồng thời ghi nhận những nỗ lực và thành tích của chúng.