Một quy luật cơ bản của xã hội loài người là cha mẹ chăm sóc con cái cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng trong một số gia đình, mối quan hệ hai bên lại bị đảo ngược: Cha mẹ là những “đứa trẻ con” cần sự quan tâm, lấy danh nghĩa yêu thương để suốt ngày “bám víu” con cái.
Một sinh viên từng chia sẻ câu chuyện của mình: “Tháng 9 năm ngoái, khi tôi xa nhà để học đại học, mẹ bắt đầu gọi điện vài giờ một lần và sau đó giảm xuống còn 3 cuộc một ngày. Đương nhiên, gọi điện thoại cũng không có gì sai, chẳng qua là mẹ cứ hỏi những chuyện vô cùng không cần thiết: Chẳng hạn: “Con ăn cơm chưa?”, “Con tắm chưa”.
Khi tôi phàn nàn, mẹ nói: “Mẹ không gọi, làm sao biết con có sao không?”. Tôi nói thẳng: “Con lớn rồi, không phải trẻ mầm non, mẹ cứ gọi là phiền phức cho con đấy”. Mẹ tôi gắt gỏng: “Mẹ quan tâm con không được hay sao? Con đã đủ lông đủ cánh nên không cần cha mẹ. Thật vô ơn”. Tôi nghẹn ngào không nói được lời nào, vừa áy náy vừa cáu kỉnh.
Có thể mẹ đã phàn nàn với bố, ông gọi điện chỉ trích: “Mẹ mày không có sở thích, không có mục tiêu lớn theo đuổi, và mày là niềm hy vọng duy nhất của bà ấy. Bây giờ không thể ở bên cạnh chăm sóc nên chỉ có thể gọi điện. Không mất nhiều thời gian để trả lời vài cuộc điện thoại, đó là biểu hiện của một người hiếu thảo”. Tôi chỉ biết im lặng cười trừ.
Khi mẹ gọi điện, tôi thường ở cạnh các bạn cùng lớp. Để tránh mắc cỡ, tôi lấp lửng trả lời: “Dạ, dạ, được”. Đương nhiên là mẹ tôi không hài lòng: “Mẹ gọi mà chỉ muốn nói mấy câu sao? Uổng công cha mẹ đem hết sức lực nuôi con khôn lớn”.
Trong một lúc, tôi cố tình tắt di động và nhờ người nhắn với mẹ: “Điện thoại bị hỏng”. Không ngờ ba ngày sau, mẹ bắt tàu cả ngày lẫn đêm đến gặp và gửi cho tôi một cái mới. Bà nói: “Nếu một ngày không nghe thấy giọng nói của con, mẹ sẽ thấy trống rỗng và hoảng loạn”.
Cha mẹ nhất định muốn con sống tốt, cũng mong có thể giúp con trưởng thành, nhưng tại sao đôi khi lại để “tính trẻ con” của mình lấn lướt? Về mặt tâm lý, có 3 nguyên nhân chính sau đây:
Lý do thứ nhất: Trái tim trống rỗng, sợ đánh mất con
Ngay từ khi con chào đời, nhiều bậc cha mẹ đã coi con cái là tất cả của cuộc đời mình. Khi trẻ lớn lên không còn dựa dẫm vào mình như trước, lòng họ trống rỗng, khẩn thiết cần nắm lấy một cái gì đó để cân bằng lại tâm hồn. Vì vậy, nhân danh sự quan tâm, họ tiếp tục kiểm soát con cái bằng nhiều cách khác nhau.
Lý do thứ hai: Chứng minh giá trị của mình
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng giá trị lớn nhất của cuộc đời là nuôi dạy con cái, nếu không làm tốt điều này thì sẽ trở nên vô giá trị. Là một người mẹ, họ khăng khăng thể hiện rằng họ quan trọng trong cuộc sống của con cái theo cách mà họ nghĩ là có ý nghĩa nhưng rất tiếc con cái không phải bao giờ cũng cần điều đó.
Lý do thứ ba: Tìm kiếm sự chú ý
Nếu bạn phớt lờ một đứa trẻ quá lâu, nó sẽ cố thu hút sự chú ý bằng cách gây ồn ào hoặc quậy phá ầm ĩ lên. Đôi khi, người lớn cũng sử dụng chiêu trò trẻ con này để thu hút sự chú ý của con cái.
Khi con cái lập gia đình, lập nghiệp, cha mẹ sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi, lãng quên nhưng không đành lòng trước hiện trạng này nên cố tình “tìm rắc rối” để thể hiện sự tồn tại của mình. Đây thực chất là lợi dụng lòng hiếu thảo của con cái.
Tính “trẻ con” của cha mẹ rất phổ biến trong cuộc sống và có rất nhiều cách thể hiện, chẳng hạn như tùy ý đánh mắng con vì những lý do rất nhỏ nhặt; con cái vốn đã có khả năng tự lập, nhưng họ vẫn kiểm soát và ra lệnh trong mọi vấn đề.
Ngoài ra còn có một cách tinh vi hơn, đó là cha mẹ coi con cái như đối tượng để trút những nỗi niềm đau khổ, có nghĩa là chuyển sự tiêu cực của chính mình sang đứa trẻ. Nhưng con cái không có năng lượng để giải quyết nỗi khổ tâm của cha mẹ, điều đó chỉ có thể khiến trẻ mang thêm gánh nặng.
Mối quan hệ cha mẹ con cái ngược chiều rất dễ gây nhầm lẫn trong cuộc sống, bởi khi cha mẹ đưa ra nhiều yêu cầu khác nhau đối với con cái, họ luôn dùng chiêu bài “yêu thương”: “Mẹ yêu con nên mẹ làm thế này”, hoặc “Con mẹ thì mẹ có quyền” hoặc “Yêu mẹ, con phải làm điều này”.
Trên thực tế, là cha mẹ, bạn cũng nên làm phong phú cuộc sống của mình, giúp bản thân bận rộn hơn bằng cách làm việc chăm chỉ, phát triển sở thích, kết bạn… Tránh coi con cái là chỗ dựa tinh thần duy nhất của mình.
Nhiều người vẫn có quan niệm: Đã là cha mẹ thì phải lo cho con đến hết cuộc đời, cuộc sống của cha mẹ là dành hết cho con, tài sản cũng là của con. Quan niệm ấy cùng với sự bảo bọc, hy sinh quá mức đã dẫn đến tâm lý ỉ lại, phó mặc của những đứa con. Cha mẹ nên ý thức hơn về sự độc lập và phần nào “tách rời” đời mình với cuộc sống riêng của con cái.