Tôn trọng người già và yêu thương trẻ nhỏ luôn là một đức tính tốt mà đứa trẻ nào cũng được bố mẹ dạy từ khi còn nhỏ. Từ việc đơn giản là thấy một cụ ông khi đi phương tiện công cộng thì phải nhường chỗ, đến việc khi thấy bà cụ băng qua đường thì dành chút ít thời gian dắt bà qua đường, tất cả đều là hành động tử tế mà con nên làm.
Mới đây, cô Ly (Trung Quốc) có đưa con đi mua sắm. Sau một thời gian dài ở trung tâm, cô đã cùng con đi tàu điện ngầm để về nhà. Vì đúng vào giờ cao điểm, tàu rất đông, chỉ còn một chỗ ngồi nên cô đã nhường cho con trai mới 5 tuổi, còn mình thì đứng. Thời điểm ấy cũng có rất nhiều người già đi lên tàu, thấy vậy con của cô Ly liền lay mẹ và nói: “Mẹ ơi, con có nên nhường chỗ ngồi cho ông bà này không?” . Nhưng vì trên xe lúc này quá đông đúc và biết hôm nay con đi chơi đã vô cùng mệt mỏi, nên cô Ly lờ đi lời nói của con.
Không ngờ, một lúc sau, một ông lão lại có nói vọng lên: “Các thầy cô thường dạy các cháu như thế nào? Các cháu ở đây đã không học được những đức tính truyền thống của việc tôn trọng người già và yêu thương người trẻ sao? Cháu không thấy chúng tôi đã đứng lâu như vậy, chân đau nhức, cháu không biết nhường ghế cho chúng tôi sao? Thật vô giáo dục, không có gì để nói”.
Nghe thấy vậy, cô Ly cũng rất sốc. Liếc nhìn con thì thấy con vô cùng tức giận đến mức sắp khóc đến nơi, điều này càng khiến cô Ly bất bình hơn.
Ngay lập tức, cô Ly đáp lại ông lão: “Cháu thấy lúc lên tàu ông khá khỏe mạnh cơ mà, sao bây giờ lại bị đau chân rồi? Hơn nữa, con của cháu cũng chỉ là một đứa trẻ 5 tuổi, cũng không có gì xấu hổ khi một đứa trẻ không đứng lên để nhường chỗ cho một người già. Bên cạnh đó, đó cũng không phải nhiệm vụ của con cháu để làm điều đó”.
Trên xe buýt công cộng thường dán các tờ thông báo với nội dung “Hãy nhường ghế cho người lớn tuổi, phụ nữ có thai và trẻ nhỏ”. Từ xưa đến nay, đây vẫn được coi là hành động văn minh, lịch sự. Nhưng suy cho cùng, đây cũng chỉ là “lời cảm phiền” về mặt đạo đức chứ không phải điều luật mà tất cả mọi người cần tuân theo. Nó chỉ đúng trên tinh thần tự nguyện nhường của người đang ngồi, còn trong trường hợp người ngồi không muốn thì họ cũng không sai.
Đặc biệt là trong tình huống này, cậu bé cũng là trẻ nhỏ. Xét ở khía cạnh nào đấy, em cũng đã ngỏ lời giúp đỡ người lớn tuổi. Việc ông cụ kết luận cậu bé là “vô giáo dục” có thể khá nặng nề.
Làm thế nào để thúc đẩy hành vi tốt của trẻ nơi công cộng?
1. Trở thành tấm gương cho con: Có người thường nói con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, và con thường quan sát những gì phụ huynh làm để học theo. Những gì phụ huynh làm thường quan trọng hơn nhiều so với những gì họ nói.
Ngoài ra, khi con bạn cư xử theo cách chuẩn mực, hãy cho con những lời khen tích cực. Ví dụ: “Chà, con giỏi quá. Mẹ rất thích cách con không đòi hỏi trước một món đồ chơi mà con thích”.
2. Lắng nghe tích cực: Khi ở gần con, cha mẹ có thể điều chỉnh những hành vi hay suy nghĩ lệch lạc của chúng. Hãy lắng nghe con nói một cách tích cực. Sau khi nghe trẻ nói xong, bạn hãy chấn chỉnh lại hành vi của chúng và rút ra bài học. Điều đó cũng khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng và an ủi.
3. Luôn giữ lời hứa: Khi bạn thực hiện đúng lời hứa của mình, con sẽ học cách tin tưởng và tôn trọng bạn.
4. Tạo môi trường cho hành vi tốt: Môi trường xung quanh con bạn có thể ảnh hưởng đến hành vi của chúng, vì vậy bạn có thể định hình môi trường để giúp con bạn cư xử đúng mực.
5. Giao cho trẻ trách nhiệm: Khi con bạn lớn hơn, bạn có thể giao cho con nhiều trách nhiệm hơn đối với hành vi của bản thân. Bạn cũng có thể cho con cơ hội nếm trải những hậu quả mà hành vi sai lệch của chúng gây nên.
Theo Sohu