Gần như không ai ở khu vực ấp Tân Thi An, xã Tân Thạch (Châu Thành, Bến Tre) không biết đến một căn biệt thự với ngôi mộ lớn nằm chính giữa phòng khách – thay vì bộ bàn ghế để tiếp khách thường thấy trong các gia đình Việt.
Từ ngoài nhìn vào, có thể thấy ngôi mộ được ốp đá hoa cương, phía trên có ghi tên, tuổi người đã khuất, đặc biệt có 4 câu thơ: “Liên ơi thôi đã thôi rồi/ Liên nay đã mất, Sen vàng còn đây/ Giai nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu” – theo báo Dân Trí ghi nhận.
Được biết, chủ của căn biệt thự này là anh Trần Văn Tuấn – em trai của người đang nằm trong ngôi mộ chính giữa nhà. Khi hỏi về ngôi mộ, anh Tuấn chia sẻ: “Gia đình chúng tôi làm theo di nguyện của chị nên chôn chị ngay đó”.
Được biết, chị anh Tuấn tên Trần Thị Kim Liên (SN 1960), vốn có một cuộc sống rất khó khăn, sống bằng nghề gánh cá mướn. Năm 18 tuổi, chị yêu và cưới một người chở ghe cá.
Năm 1981, 2 vợ chồng chị qua Mỹ sinh sống. Tại Mỹ, chị sống bằng nghề làm móng và kinh doanh đồ trang trí nội thất. Dù công việc phát đạt, nhưng sau khi gom được chút vốn liếng, chị gom tiền trở về quê hương cho mẹ xây nhà.
Anh Tuấn xúc động: “Chị nói là từ nhỏ cuộc sống khó khăn nên có ước mơ là sau này sẽ cố gắng làm nhiều tiền để xây một căn nhà lầu để ở”. Điều đó đã trở thành hiện thực khi một căn biệt thự hoành tráng được xây lên vào năm 2006. Theo anh Tuấn, chi phí xây ngôi biệt thự đó vào khoảng 1,7 tỷ, tất cả đều là tiền chị Liên gửi về.
Tuy nhiên, biệt thự mới xây, chị ở chưa được bao lâu thì phát hiện mình bị bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Theo anh Tuấn nói, chị Liên có ở chừng 3 tháng rồi về Mỹ và đến tháng 5/2007 thì chị Liên mất.
Về ngôi mộ cũng như câu chuyện phía sau, Báo Pháp luật Việt Nam cũng thông tin, theo di nguyện của bà Liên nên sau khi mất, gia đình đã quyết định đưa thi hài bà từ Mỹ trở về Việt Nam để chôn cất. Đặc biệt, phần mộ của bà Liên ngay trong ngôi căn biệt thự còn thơm mùi vữa này.
Chị Á – em dâu của bà Liên giải thích: “Vì đây là nhà của chị ấy, tiền cũng của chị nên gia đình tôi đã làm theo ý nguyện để cho chị được vui lòng nơi chín suối. Tuy nhiên, từ lúc chị mất đến khi đưa xác về tới Việt Nam là hơn 3 tuần.
Trong thời gian ấy, cuộc sống trong nhà cũng có nhiều xáo trộn, nói chung là ai cũng lo lắng vì bỗng dưng trong nhà lại có một ngôi mộ. Nhưng khi huyệt mộ của chị nằm xuống thì nỗi lo ấy đã được xóa bỏ. Sau này có nhiều người hỏi tôi có thấy sợ không, tôi bảo không, mà có cảm giác gần gũi, như chị đang ngủ”.
Chị Á nói thêm: “Hồi đó nhà tôi đông khách lắm. Ban đầu gia đình tôi tiếp đón rất tử tế. Sau này một số người xì xầm bàn tán những lời không hay về ngôi mộ của chị tôi. Do đó nhà tôi không hào hứng cho người lạ vào xem”.
Liên quan đến câu chuyện này, ông Trần Tuấn Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạch cho biết: “Ngôi mộ bà Liên được chôn cất trong nhà, nhưng chính quyền xã không thể can thiệp được vì đó là ý nguyện của người dân.
Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ đơn khiếu nại nào về việc ngôi mộ an táng trong nhà làm ô nhiễm môi trường hay ảnh hưởng đến sức khoẻ của bà con ở khu vực nên cũng không có cơ sở gì xử lý”.