Ngoài ra, với tâm lý dành mọi thứ tốt nhất cho con, không ít bậc phụ huynh chấp nhận chi số tiền lớn để bổ sung cho con các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm cao cấp như: yến sào, nhân sâm, đông trùng hạ thảo…
Phụ huynh nếu lạm dụng thực phẩm chức năng quá nhiều, có thể dẫn đến nguy hại cho trẻ – Ảnh: THU HIẾN
Nhập viện vì thực phẩm chức năng
Mới đây, Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) tiếp nhận trường hợp hai anh em ruột V.L.(3 tuổi) và M.H. (18 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng nhiều.
Gia đình hai bé cho biết hằng ngày gia đình đều đặn cho hai bé uống vitamin D từ sau sinh.
Bà thấy cháu thích uống và nghĩ rằng vitamin là thuốc bổ, uống nhiều cũng không sao nên thay vì cho cháu uống theo liều lượng quy định thì cứ để hai cháu uống tùy thích. Từ đó, hai bé uống trực tiếp tại lọ, lấy nhiều hơn liều quy định nhiều lần trong thời gian dài. Khoảng hai tuần trước khi nhập viện, hai bé đều xuất hiện tình trạng nôn, táo bón, đau bụng từng cơn 8-9 lần/ngày.
Qua thăm khám kết quả cho thấy cả hai bé đều bị tăng canxi máu, nồng độ vitamin D tăng rất cao so với giới hạn bình thường, có dấu hiệu suy thận cấp, được chẩn đoán ngộ độc vitamin D và suy thận cấp do dùng quá liều vitamin D thời gian dài.
Hiện thị trường thực phẩm chức năng cho trẻ được quảng cáo rầm rộ, nhiều website liên tục đăng bán những loại thực phẩm chức năng được quảng cáo với cam kết đạt được hiệu quả cao.
Theo ghi nhận, hầu hết những loại thực phẩm chức năng này chủ yếu giúp trẻ phát triển trí não, tăng trưởng chiều cao, bồi bổ cơ thể… có nguồn gốc xuất xứ từ các nước như: Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam…
Tại một hiệu thuốc trên đường H.T. (quận Phú Nhuận, TP.HCM) khi được hỏi thực phẩm chức năng để hỗ trợ tăng chiều cao, người bán thuốc giới thiệu cho chúng tôi hàng loạt các thực phẩm. Những loại này có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, khách hàng cần loại nào cũng có.
“Uống thực phẩm chức năng kéo dài, thậm chí là uống đến một năm là trẻ có thể cao lên mà không bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, nếu muốn trẻ đạt được chiều cao như mong muốn, tốt nhất là nên uống thuốc”, người bán quảng cáo.
Thực phẩm chức năng cũng phải uống đúng và đủ liều
Bác sĩ Nguyễn Thành Úc cho biết thực phẩm chức năng không phải là thuốc, hiện nay dưới sự phát triển của kinh tế thị trường nhiều loại thực phẩm chức năng ra đời để chạy theo nhu cầu của người dân.
Chính vì vậy nhiều sản phẩm có chứa các chất nguy hại nhưng vì lợi nhuận lại bán bất chấp sức khỏe của người mua. Hơn nữa, giá cả của các thực phẩm này lại “muôn hình vạn trạng”, lượng dinh dưỡng có trong thực phẩm chiếm một lượng rất nhỏ.
Theo TS Trần Quốc Cường – giảng viên bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), vì thực phẩm chức năng không cần kê đơn nên việc phụ huynh tự ý mua cho con trẻ về uống bổ sung không sai. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thực phẩm chức năng quá nhiều, có thể dẫn đến nguy hại cho trẻ.
“Tất cả các loại thuốc, dù là thuốc bổ, thực phẩm chức năng đi nữa thì cần uống đúng và đủ liều lượng theo hướng dẫn nhà sản xuất, chỉ định của bác sĩ, nếu có. Đặc biệt là một số loại kẹo bổ, siro, trẻ rất thích nên phụ huynh thường cho trẻ dùng nhiều hơn và điều này cũng gây nguy hại cho trẻ”, ông Cường nói.
Còn theo bác sĩ Úc, nếu trẻ quá lạm dụng thực phẩm chức năng, uống nhiều quá sẽ dẫn đến dư thừa, không có tác dụng tốt, có thể dẫn đến trẻ bị ngộ độc, dị ứng, suy gan, suy thận… Do đó nếu có sử dụng, các bậc phụ huynh phải có hướng dẫn của bác sĩ.
Về vấn đề quản lý, theo bác sĩ Úc, hiện nay do đây không phải là thuốc nên số đăng ký lưu hành, đăng ký thực phẩm chức năng giống như đăng ký thực phẩm thông thường. Khi công khai sản phẩm ra thị trường cần phải kiểm tra rõ hàm lượng như công bố, có giấy chứng nhận khoa học, thường xuyên kiểm tra quảng cáo vì nhiều sản phẩm “nổ tung trời”.
Lạm dụng vitamin D có thể gây ngộ độc
Ông Cường cho biết vitamin D có vai trò chính là hấp thu và duy trì nồng độ canxi photpho để xây dựng cấu trúc xương giúp chống còi xương, tăng chiều cao ở trẻ em và chống loãng xương ở người già.
Vitamin D là 1 trong 13 vitamin không có sẵn trong thức ăn. Chúng chỉ được tổng hợp qua tiếp xúc ánh sáng mặt trời nhưng còn phụ thuộc vào các điều kiện như: đủ thời gian tiếp xúc, cường độ ánh sáng phù hợp, màu da, tình trạng chất lượng không khí…
Và vitamin D cũng là 1 trong 4 vitamin tan trong chất béo (vitamin A, D, E và K) nên có “cơ chế” lưu trữ trong cơ thể mà không đào thải ra ngoài được. Do đó nếu uống vitamin D quá liều, hoặc uống từ nhiều nguồn khác nhau dễ dẫn đến ngộ độc.
“Có nhiều yếu tố không thuận lợi để tổng hợp vitamin D từ tự nhiên nên chúng thường được khuyến cáo bổ sung bằng thuốc cho trẻ đến người trưởng thành, cao tuổi. Hiện tỉ lệ trẻ em trong cộng đồng thiếu vitamin D còn cao”, ông Cường chia sẻ.
Ông khuyến cáo phụ huynh chỉ sử dụng với liều lượng vitamin D cho con uống theo nhu cầu, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tốt nhất cần được bác sĩ tư vấn. Tránh lạm dụng dùng vitamin D quá liều hoặc dùng từ nhiều nguồn khác nhau.
“Nếu trẻ uống vitamin D từ một nguồn và được bác sĩ kê đơn thì không thể nào dư liều lượng. Trường hợp trẻ ngộ độc dễ xảy ra nhất là uống nhiều nguồn cũng có vitamin D nhưng không biết như: canxi, vitamin tổng hợp, sữa công thức…”, ông Cường nhận định và cho biết liều lượng vitamin D mỗi ngày ở trẻ sơ sinh là 400 đơn vị quốc tế, còn trẻ trên 1 tuổi là 600 đơn vị quốc tế.