“Làm ơn đừng cứu tôi”, lời trăng trối của nữ sinh ưu tú trước khi tự tử khiến cha mẹ đau xót nhận ra: Đời có nhiều điều cần quan tâm hơn điểm số!

10 mins read
“Làm ơn đừng cứu tôi”, lời trăng trối của nữ sinh ưu tú trước khi tự tử khiến cha mẹ đau xót nhận ra: Đời có nhiều điều cần quan tâm hơn điểm số!

Nếu đứng đầu trong kỳ kiểm tra, con là một đứa trẻ ngoan. Nếu trượt, con là một đứa trẻ không vâng lời. Có phải nhiều phụ huynh đã từng đối xử như vậy với con?

Một người mẹ đã dùng chính câu chuyện buồn của gia đình mình để cảnh báo với tất cả các bậc cha mẹ rằng: Trong quá trình trưởng thành của con, ngoài điểm số ra, chúng ta còn nhiều điều đáng để quan tâm hơn!

Một đứa con ưu tú và yêu đời…

Trong căn phòng chật kín phụ huynh tại trường THCS số 1 Nam Kinh (Trung Quốc), cô giáo Hoàng Khản chậm rãi phát một đoạn video. Trong video, hình ảnh từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành của cô con gái Viễn Viễn dần hiện lên.

Từ em bé dễ thương đến một thiếu nữ ưu tú, đạt nhiều thành tích học tập xuất sắc, đó là quãng thời gian đẹp nhất, nở rộ nhất của một cô gái. Đến cuối video, bầu không khí chùng xuống vì hình ảnh chiếc quan tài xuất hiện. Đoạn video 8 phút 44 giây khiến tất cả những bậc cha mẹ trong căn phòng buông tiếng thở dài, xót xa.

“Đây là cuộc sống của con gái tôi. Hôm nay tôi sẽ dùng câu chuyện của con để nói cho những đứa trẻ và phụ huynh ở đây biết cách trân trọng cuộc sống”, cô Hoàng Khản, giáo viên trường THCS số 1 Nam Kinh chậm rãi nói.

Con gái của cô Hoàng – Viễn Viễn từng là một học sinh xuất sắc, không chỉ học giỏi mà còn hát hay, nhảy đẹp, có nhiều sở thích, sống tự lập, biết tự chăm sóc cho bản thân. Những năm trung học, Viễn Viễn từng đi Singapore, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

Trong mắt cô Hoàng, con gái có năng lực học tập xuất sắc, trí tuệ cảm xúc cao, nhiều bạn bè, tính cách vui vẻ và luôn xử lý mọi việc một cách điềm tĩnh. Học xong trung học, Viễn Viễn tự tìm trường, tự xin học bổng, xin visa và mua vé máy bay. Tháng 9/2008, cô gái trẻ lên đường đi du học ngành kinh tế ở Đại học Amsterdam, Hà Lan.

Sau khi đến Hà Lan, Viễn Viễn từng viết thư kể với mẹ về chuyện mình yêu thích trường học như nào, cuộc sống dễ chịu ra sao và cô còn dạy tiếng Trung cho các bạn. Trong vòng chưa đầy nửa năm học, Viễn Viễn đã có thành tích học tập xuất sắc, trở thành sinh viên giỏi top đầu của trường. Blog cá nhân của cô gái trẻ cũng tràn ngập những điều tích cực, tươi sáng về cuộc sống du học nơi xứ người.

Thế nhưng vào ngày 8/2/2009, cô giáo Hoàng Khản bất ngờ nhận được một cú điện thoại báo tin Viễn Viễn đã tự tử và gia đình cần nhanh chóng sang Hà Lan lo thủ tục tang lễ. Thời điểm ấy, với gia đình cô Hoàng Khản, đất trời như sụp đổ…

1689926689 base64 16899260974541471870862 1689937621033 1689937621923870408843

Cô giáo Hoàng Khản.

“Làm ơn đừng cứu tôi”

Ngày 8/2/2009, Viễn Viễn tự tử trong ký túc xá sau khi viết 3 bức thư tuyệt mệnh cho cha mẹ, người thân và bạn bè. Trong bức thư gửi cha mẹ, Viễn Viễn viết:

“Mẹ yêu: Con biết con không đủ tư cách khuyên mẹ mạnh mẽ lên, đừng khóc vì con… Con thực sự quá mệt mỏi rồi. Tám năm qua, trái tim con tan vỡ hết lần này đến lần khác, dù nhiều lần đã được xoa dịu. Khi trái tim con tan vỡ một lần nữa, con không thể làm gì được.

Con chỉ có thể cắn răng chịu đựng. Trước khi có thể xoa dịu trái tim, con chỉ thấy hiện thực bị hủy hoại, con thực sự mệt mỏi”.

Viễn Viễn thú nhận trong thư việc bị mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD trong 8 năm và vô cùng đau đớn. Cô Hoàng Khản chưa từng biết điều này, cũng như không biết con mình phải chịu nỗi đau ra sao. Sau cái chết của con, cô mới nhớ lại, vào năm cấp 2, Viễn Viễn từng có thời gian trở nên trầm tĩnh, ít nói. Viễn Viễn cũng quá mạnh mẽ và luôn đòi hỏi sự hoàn hảo trong mọi thứ.

“Con bé chưa bao giờ thể hiện sự thất bại của mình trước mặt chúng tôi và luôn tươi cười”, cô Hoàng Khản ngậm ngùi nhớ lại.

Viễn Viễn nói rằng, cô đã cố gắng giảm bớt triệu chứng bệnh bằng việc ra nước ngoài sinh sống nhưng không được. Trong bức thư, cô gái trẻ mong các bậc cha mẹ có thể tìm hiểu về chứng OCD để cứu rỗi những đứa trẻ khác. Viễn Viễn còn để lại một mảnh giấy bằng tiếng Anh cho cảnh sát: “Làm ơn đừng cứu tôi”.

Trở về Trung Quốc, Hoàng Khản không dám bước vào phòng con vì quá đau xót. Tuy nhiên, cô cũng phải chấp nhận hiện thực rằng con mình đã không còn. Để thực hiện tâm nguyện cuối cùng của con, cô Hoàng đã bỏ ra 100.000 NDT để thành lập giải thưởng “Trái tim khỏe mạnh” để thưởng cho những giáo viên làm công việc tư vấn tâm lý.

Cô cũng ngẫm lại hành trình nuôi dạy con. Khi Viễn Viễn còn nhỏ, vợ chồng cô vì bận rộn nên đã cho con học bán trú. “Tôi lúc đó thật tàn nhẫn với con. Khi con còn nhỏ như vậy mà lại để con sống một mình trong trường. Sự quan tâm của tôi dành cho con cũng quá thiên về vật chất, ít quan tâm về tinh thần. Đôi khi, con gái cũng tâm sự về vấn đề tình cảm nhưng tôi lại có cách phản ứng quá thô bạo và bất cẩn. Đây là vấn đề không chỉ riêng tôi mà nhiều cha mẹ mắc phải”, cô Hoàng nói.

Cô Hoàng cũng thừa nhận con gái phải chịu áp lực trong học tập. “Viễn Viễn luôn có thành tích học tập tốt, tôi cũng không có yêu cầu quá cao với con nhưng nếu con thi trượt, tôi sẽ thúc giục con mọi lúc mọi nơi”. Ngẫm lại, cô Hoàng Khản mới phát hiện ra vấn đề tâm lý của con. Chỉ cần đến kỳ thi quan trọng, Viễn Viễn sẽ không thể đạt điểm cao. Đây là do áp lực tâm lý quá lớn.

1689926690 b161a04aeadc46629346f198917d122d 1689926126820276716107 1689937622476 1689937622629989981693

Cô Hoàng bật khóc khi nhớ về con gái.

Nếu có thể, xin hẹn gặp con vào một cuộc đời khác…

Cái chết của con gái đã gây ra sự thay đổi lớn trong triết lý giáo dục của cô giáo Hoàng: “Tôi cố gắng để học sinh vui vẻ, hạnh phúc hơn. Các em đã phải gánh khối lượng học tập nặng nề và vất vả rồi. Tôi sẽ cùng các em trút bỏ phiền muộn. Với các bậc phụ huynh, tôi muốn họ biết rằng không nên quá ám ảnh về điểm số mà đánh giá con cái”.

Cũng vì vậy, cô Hoàng đã chia sẻ lại câu chuyện của gia đình mình cho các bậc phụ huynh trước ngày điểm thi cấp 3 được công bố. Gạt đi nước mắt, cô Hoàng tâm sự: “Tôi mong các em học sinh và các bậc phụ huynh có cách nhìn mới về cuộc sống. Điểm thi không phải là tiêu chí đánh giá sự thành công của một học sinh. Họ phải hiểu rằng cuộc đời còn rất nhiều cảnh sắc.

Tôi cũng hy vọng những đứa trẻ có thể học cách đối mặt với nỗi đau, thất bại và bất hạnh trong cuộc sống và trân trọng cuộc sống cho dù chúng gặp phải điều gì. Chỉ có một cuộc đời và chỉ cần bạn sống, bạn sẽ có hy vọng”.

1689926690 3fe7eb693bb643dc93febba80ce87337 1 16899264438821149532896 1689937623154 16899376232981570102622

Nếu có thể xin hẹn gặp con vào một cuộc đời khác. (Ảnh minh họa)

Cô Hoàng mong rằng, các bậc cha mẹ hãy học cách trân trọng con cái, nhìn thấy sự độc đáo của chúng, dành cho chúng sự tin tưởng và khuyến khích tuyệt đối. Hãy đồng hành cùng con trong mỗi bước đường trưởng thành nhiều nhất có thể.

“Nếu con gái tôi còn sống, tôi nhất định để con sống theo sở thích của mình và không bao giờ tạo áp lực cho con. Chỉ cần Viễn Viễn có thể tự nuôi sống bản thân và không gây hại cho xã hội là tôi hài lòng rồi. Thật tiếc khi cuộc sống không thể bắt đầu lại từ đầu”, cô Hoàng ngậm ngùi…

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog