Bổ sung Omega-3 cho trẻ chậm nói một cách hợp lý có thể mang đến nhiều lợi ích. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, loại acid béo này có tác dụng hỗ trợ chức năng não bộ, đồng thời giúp trẻ cải thiện và nâng cao kỹ năng ngôn ngữ.
Omega-3 là gì?
Omega-3 là chất béo chưa bão hòa (không no) rất cần thiết và quan trọng đối với cơ thể của mỗi con người. Loại axit béo này mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và cần được bổ sung thông qua các thực phẩm ăn uống hàng ngày bởi cơ thể không có khả năng tự sản xuất Omega-3.
Omega-3 có rất nhiều loại khác nhau nhưng phổ biến và quan trọng nhất vẫn là ALA (axit alpha-linolenic), DHA (axit docosahexaenoic) và EPA (axit eicosapentaenoic). Trong đó:
- ALA (axit alpha-linolenic) đóng vai trò như một chất chống oxy hóa giúp tiêu diệt và loại bỏ các gốc tự do, hỗ trợ tốt trong quá trình ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực từ gốc tự do làm suy giảm sức khỏe con người. Loại Omega-3 này thường sẽ được tìm thấy nhiều trong thực vật.
- DHA (axit docosahexaenoic) chiếm tỷ lệ cao trong thành phần chất xám của não bộ và võng mạc. Loại chất này có tác dụng rất tốt đối với thị lực và hệ thần kinh.
- EPA (axit eicosapentaenoic) có tác dụng tốt trong ức chế sự đông vón tiểu cầu, làm giảm và hạn chế được quá trình hình thành huyết khối. Ngoài ra, loại Acid béo này còn có thể chống viêm, giảm nguy cơ bị xơ vữa động mạch, ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Lợi ích của Omega-3 đối với trẻ chậm nói
Omega-3 được khuyến khích bổ sung cho trẻ chậm nói bởi nó mang đến rất nhiều lợi ích, trong đó có khả năng phát triển tốt về ngôn ngữ, giao tiếp. Kết quả của cuộc nghiên cứu khoa học có tên là DOLAB được tiến hành tại Đại học Oxford cho thấy loại chất này có tác dụng tốt trong việc cải thiện khả năng đọc viết của trẻ nhỏ.
Cụ thể, các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu dựa trên những đứa trẻ chậm nói và xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ với việc bổ sung đầy đủ 600mg Omega-3 mỗi ngày, duy trì liên tục trong vòng 4 tháng. Sau khi thống kê, họ nhận thấy 20% các trường hợp trẻ nhỏ thuộc nhóm chậm ngôn ngữ kém nhất đã tăng khả năng đọc viết chỉ sau 3 tuần.
Một nghiên cứu khác được thực hiện tại Bradford cũng cho kết quả tương tự như thế. Tại đây các em học sinh đều sẽ được cung cấp đầy đủ Omega-3 hàng ngày và có khoảng hơn 80% các trường hợp trẻ có khả năng đọc viết tốt, cải thiện tốt các kỹ năng học tập, ngôn ngữ phát triển vượt trội.
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn còn cho biết rằng, Omega-3, nhất là loại DHA có tác dụng rất tốt đối với hoạt động của võng mạc, giúp gia tăng chức năng của thị giác. Chính nhờ thế, khi bổ sung loại axit béo này cho trẻ chậm nói sẽ giúp kích thích tốt khả năng giao tiếp bằng mắt, giúp trẻ linh hoạt hơn trong việc tương tác với mọi người xung quanh.
Tuy nhiên, những lợi ích của Omega-3 đối với trẻ chậm nói vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu và bằng chứng khoa học cụ thể. Bên cạnh đó, loại Acid béo này cũng không thể thay thế hoàn toàn cho các phương pháp giáo dục, can thiệp cho trẻ chậm nói.
Thông thường, các bác sĩ chuyên khoa sẽ khuyến khích gia đình cho trẻ kết hợp cả các liệu pháp điều trị, giáo dục và đảm bảo tốt về quá trình bổ sung dưỡng chất trong chế độ ăn uống cho trẻ chậm nói, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ. Tùy vào độ tuổi và thể trạng của mỗi đứa trẻ mà chuyên gia sẽ tư vấn kỹ lưỡng về hàm lượng Omega-3 cần bổ sung hàng ngày.
Những thực phẩm giàu Omega-3 mà trẻ chậm nói nên bổ sung
Cơ thể chúng ta không thể tự sản sinh và tổng hợp Omega-3 nên cách phổ biến và hiệu quả nhất đó chính là cung cấp qua các thực phẩm ăn uống hàng ngày. Đối với trẻ chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ thì nên được ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm giàu Omega-3 như:
1. Các loại cá
Cá là loại thực phẩm đứng đầu trong các nhóm thực phẩm giàu Omega-3 nhất. Cụ thể như cá hồi, cá cơm, cá trích, cá thu, cá ngừ,…là những loại giàu dinh dưỡng và mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ nhỏ.
Cá hồi và cá cơm biển chính là 2 loại cá tinh khiết thường được sử dụng để sản xuất ra những loại dầu cá với hàm lượng Omega-3 cao bởi chúng không bị nhiễm độc thủy ngân. Theo nghiên cứu nhận thấy rằng, trong khoảng 100g cá hồi sẽ có chứa đến 2260mg Omega-3.
2. Các loại hạt
Hạt óc chó, hạt đậu nành, hạt chia, hạt lanh là những loại hạt có khả năng bổ sung Omega-3 hiệu quả và hàm lượng của nó cũng không kém cạnh những loại cá béo. Ngoài ra, các loại hạt còn có chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất như vitamin B1, B6, đồng, sắt, kẽm, magie mang đến lợi ích tốt cho sức khỏe và sự phát triển tự nhiên của trẻ nhỏ.
Từng loại hạt sẽ có những công dụng và lợi ích khác nhau. Đồng thời, đối với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cũng nên biết cách chọn lựa và cho trẻ sử dụng với hàm lượng phù hợp, tránh lạm dụng quá mức.Tốt nhất hãy cho trẻ được thăm khám và tham vấn ý kiến của bác sĩ để có được một chế độ ăn uống lành mạnh và phù hợp.
3. Các loại rau
Omega-3 cũng có chứa nhiều trong các loại rau ăn uống hàng ngày, đặc biệt là rau lá xanh. Các loại rau thường sẽ chứa nhiều ALA cùng các chất xơ, chất dinh dưỡng mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe, giúp ích cho quá trình cải thiện ngôn ngữ và giao tiếp ở trẻ chậm nói.
Vì thế, các bậc phụ huynh nên tăng cường bổ sung nhiều rau xanh trong thực đơn ăn uống hàng ngày của trẻ nhỏ để giúp trẻ được nâng cao sức khỏe, cải thiện tốt các mặt khiếm khuyết và cân bằng cuộc sống ổn định hơn. Một số loại rau nên được bổ sung cho trẻ chậm nói như súp lơ, cải xoăn, rau bina, rau bó xôi, cải xanh, bắp cải,…
4. Bổ sung Omega-3 bằng thực phẩm chức năng
Các chuyên gia luôn khuyến khích bổ sung Omega-3 bằng các thực phẩm ăn uống tự nhiên, đảm bảo an toàn và tính hiệu quả. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ nhỏ không thể đảm bảo tốt về chế độ ăn uống hàng ngày hoặc cơ thể không có khả năng hấp thu tốt các dưỡng chất cần thiết sẽ có thể được cân nhắc sử dụng các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ.
Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm chức năng chứa Omega-3 cho trẻ chậm nói cũng cần có sự chỉ định và hướng dẫn cụ thể của các bác sĩ, chuyên gia. Khi sử dụng, các bậc phụ huynh cần theo dõi và cho trẻ dùng đúng theo liều lượng và thời gian mà bác sĩ đã tư vấn. Tuyệt đối không được tự ý tăng hay giảm liều hoặc ngừng sử dụng đột ngột khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho quá trình sử dụng, cha mẹ cũng nên tìm hiểu và ưu tiên dùng các sản phẩm chứa Omega-3 uy tín, chất lượng đến từ các thương hiệu nổi tiếng. Sản phẩm cần được kiểm định, có giấy chứng nhận cụ thể và được bày bán tại các địa chỉ uy tín.
Một số lưu ý khi bổ sung Omega-3 cho trẻ chậm nói
Omega-3 mang đến nhiều lợi ích đối với trẻ chậm nói. Loại Acid béo này không chỉ giúp cho trẻ nhỏ gia tăng hoạt động trí não, phát triển tốt khả năng sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp bằng ánh mắt mà còn hỗ trợ hiệu quả cho sức khỏe, ngăn ngừa tốt các bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là chứng trầm cảm.
Tuy nhiên, việc bổ sung Omega-3 cho trẻ nhỏ cũng cần phải lưu ý một số điều sau đây:
- Tùy vào độ tuổi của mỗi trẻ nhỏ mà các bậc phụ huynh nên tăng cường bổ sung hàm lượng Omega-3 phù hợp. Theo kết quả của nhiều nghiên cứu chuyên khoa nhận thấy rằng, mỗi đứa trẻ cần bổ sung từ 120 đến 1.300 mg Omega-3 mỗi ngày. Tuy nhiên, để biết được liều lượng chính xác cho mỗi trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cũng nên đưa con đến thăm khám và tư vấn trực tiếp cùng với bác sĩ chuyên khoa.
- Quá trình bổ sung Omega-3 qua thực phẩm ăn uống hàng ngày có thể linh hoạt thay đổi theo từng khẩu vị của trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh cũng nên lựa chọn những loại thực phẩm tươi sống, đảm bảo an toàn, vệ sinh để trẻ nhỏ có thể hấp thụ tốt, tránh được các ảnh hưởng tiêu cực.
- Nếu trong quá trình cần hỗ trợ thêm từ các loại thực phẩm chức năng, cha mẹ cũng nên lựa chọn các sản phẩm chất lượng, uy tín, có thương hiệu, nguồn gốc sản xuất rõ ràng.
- Thời điểm bổ sung Omega-3 tốt nhất cho trẻ là vào buổi sáng. Theo nghiên cứu, đây chính là thời điểm thích hợp và hiệu quả nhất mà cơ thể có khả năng hấp thu tốt nhất. Đối với các trường hợp trẻ bị mất ngủ, rối loạn giấc ngủ thì có thể điều chỉnh dùng Omega-3 sau bữa tối để giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
- Omega-3 có thể gây ra một số tác dụng phụ trong quá trình sử dụng, chẳng hạn như buồn nôn, ợ hơi, tiêu chảy, mất ngủ, nổi mẩn, đỏ da, tụt huyết áp,…
- Những trường hợp trẻ mắc phải các vấn đề về tiêu hóa nên cân nhắc kỹ lưỡng về việc bổ sung Omega-3 dầu cá.
- Trẻ em dưới 15 tháng tuổi không nên bổ sung Omega-3 bằng dầu có bởi nó có thể gây ra một số tác hại cho cơ thể.
- Nếu trong quá trình sử dụng các loại thực phẩm hỗ trợ bổ sung Omega-3 và có xuất hiện các biểu hiện bất thường về cơ thể thì trẻ nhỏ cần được ngừng sử dụng và tiến hành thăm khám để có biện pháp ngăn chặn và tư vấn về hình thức bổ sung phù hợp hơn.
Thông tin của bài viết trên đây đã giúp bạn đọc biết thêm về những lợi ích của Omega-3 đối với trẻ chậm nói. Mặc dù không phải là biện pháp hỗ trợ điều trị nhưng nó có thể giúp ích rất nhiều đối với quá trình phát triển trí não, ngôn ngữ và giao tiếp ở trẻ chậm nói, góp phần tích cực trong quá trình can thiệp cho trẻ nhỏ.
Có thể bạn quan tâm:
- Những đồ chơi cho trẻ chậm nói giúp bé phát triển ngôn ngữ
- 3 Mẹo chữa trẻ chậm nói dân gian giúp con “nói như sáo”
- Trẻ chậm nói có ảnh hưởng đến trí tuệ không? Cần làm gì?
- Trẻ chậm nói đơn thuần là gì? Biểu hiện và Cách khắc phục