Giảm chi tiêu cho thực phẩm
Ngọc Hà (sinh năm 1998, làm trong lĩnh vực truyền thông) và chồng Minh Phúc (sinh năm 1992, làm xuất nhập khẩu) đang sống tại Hà Nội. Cô chia sẻ rằng trong tháng đầu sau khi kết hôn, cả hai đều ngại chia sẻ về kinh tế cá nhân nên đã tự quản tiền của mình. Lúc đó, mỗi người sẽ tự chi tiêu theo mong muốn cá nhân, nhưng đây không phải là cách quản lý tài chính hiệu quả vì cả 2 đã chi tiêu quá mức cần thiết.
Vợ chồng Ngọc Hà
“Thời điểm mới cưới, vợ chồng mình chưa biết cách quản lý chi tiêu. Do thường xuyên quẹt thẻ tín dụng nên bọn mình không kiểm soát được chi tiêu, đặc biệt là khi đi mua đồ. Đi làm về cũng muộn nên mình và chồng hay mua thức ăn ở siêu thị dưới chung cư. Tuy nhiên, những cửa hàng ở chung cư thường sẽ đắt hơn 2-3 lần so với việc đi chợ. Ví dụ như 1 quả ớt chuông ở chợ khoảng 7-10 nghìn thì ở chung cư khoảng 20-25 nghìn. Hoặc thịt lợn mua chợ là 110 nghìn/cân nhưng mua dưới chung cư sẽ có giá là 150 nghìn/cân. Lúc đó có tháng, gia đình mình tiêu tốn đến 15 triệu mua thực phẩm”.
Sau đó, để giải quyết bài toán tài chính này, vợ chồng Ngọc Hà quyết định đi chợ với nhau 3 lần 1 tuần, chia nhỏ đồ ăn để tủ. Đồng thời, vợ chồng cô không mua quá nhiều đồ ăn để đông lạnh, mà sẽ ưu tiên đồ ăn tươi sống nhiều hơn vừa rẻ vừa đảm bảo sức khoẻ. Hiện tại, gia đình cô tiêu khoảng 5 -6 triệu cho ăn uống 1 tháng.
Bên cạnh đó, Ngọc Hà với chồng cũng quyết định cùng cân nhắc, nói chuyện với nhau về tài chính gia đình bao gồm mục tiêu mua nhà, mua xe và xây dựng gia đình gắn kết hơn. Hiện nay, thu nhập của vợ chồng Ngọc Hà khoảng 30 triệu đồng và được chia thành 4 nhóm:
Nhóm 1: Tiền tiết kiệm quỹ chung 30% – 9 triệu 1 tháng. Sau khi nhận lương, vợ chồng cô sẽ đi gửi tiết kiệm ngay lập tức. Khoản này dành dụm tiền mua nhà, có con, đề phòng rủi ro.
Nhóm 2: Tiền thuê nhà 30% – 8,5 đến 9 triệu tính cả điện nước và phí dịch vụ. Ngọc Hà chia sẻ rằng sở dĩ vợ chồng cô chi khá nhiều tiền để thuê nhà là vì cho rằng không gian sống thoải mái sẽ giúp đỡ rất nhiều cho sức khỏe lẫn tinh thần làm việc.
Nhóm 3: Tiền ăn uống khoảng 20% tức 6 triệu đồng. Vợ chồng Ngọc Hà ăn sáng ở nhà, buổi trưa ăn cơm tại công ty, chỉ buổi tối mới về ăn cơm cùng nhau.
Nhóm 4: Tiêu vặt cá nhân chiếm 20% tức 6 triệu bao gồm xăng xe điện thoại, đám cưới, đám hiếu, sức khoẻ, sở thích cá nhân.
Gia đình Ngọc Hà nấu cơm ở nhà để tiết kiệm hơn
Nỗ lực tiết kiệm
Ngọc Hà chia sẻ rằng, lúc mới kết hôn, gia đình cô đã chi tiêu gần như toàn bộ tiền lương, tuy nhiên bây giờ nó đã giữ vững ở mức khoảng 20 triệu/tháng và có tiền tiết kiệm chung. Vợ chồng cô gắn kết hơn, thấu hiểu nhau hơn, trì hoãn được sự thỏa mãn của riêng mình và tự chủ trong mọi vấn đề.
Theo Ngọc Hà, khi còn trẻ, mọi người nên chi tiêu tiết kiệm. Vì phần lớn chúng ta không thể biết trước tương lai, nếu có những chuyện khẩn cấp, khoản tiền tiết kiệm sẽ giúp mọi người phòng tránh được rất nhiều tình huống rắc rối.
Ngoài ra, khi có tích luỹ, các gia đình cũng sẽ tự tin và quyết đoán hơn trong nhiều việc. Song, Ngọc Hà cũng nhấn mạnh rằng những người trẻ không nên tiếc tiền đầu tư vào tư duy và năng lực của bản thân. “Ngoài công việc ở công ty, mình cũng có nghề tay trái, thường hay nhận các công việc bán thời gian như lồng tiếng cho các kênh YouTube hoặc làm MC đi dẫn các sự kiện tại Hà Nội”.
Ảnh minh họa – Pinterest
Bên cạnh đó, vợ chồng Ngọc Hà dự định sinh em bé vào cuối năm nay. “Trước khi có em bé vợ chồng mình đã trích ra khoảng 2-3 triệu để đi tiêm trước sinh nở, bổ sung dưỡng chất để đảm bảo em bé khỏe mạnh. Ngoài ra vợ chồng mình sẽ mua thêm bảo hiểm thai sản trước khi sinh để thanh toán hỗ trợ viện phí và cũng hạn chế các mua sắm không cần thiết như quần áo, ăn uống nhà hàng”.
Vợ chồng Ngọc Hà cho rằng, mọi người nên chia sẻ thẳng thắn về năng lực tài chính của cả hai. Vợ chồng nên cùng đặt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong tương lai để cùng cố gắng. Đồng thời, hạn chế mua sắm online, chỉ mua những thứ thực sự cần thiết, tránh lạm dụng thẻ tín dụng quá mức vì dễ rơi vào cảnh nợ nần cũng như hình thành những thói quen chi tiêu xấu.