Tôi thì chịu. Tôi không nghĩ được ra 1 nghìn có thể dùng để giao dịch thứ gì trong thời đại này. Hồi còn đi học cấp 3, 1 nghìn có thể dùng để gửi xe. Bây giờ tôi đã ngoài 30, nếu có gửi xe bét nhất cũng phải 3 nghìn. Đấy là còn tính xe đạp. 1 nghìn chắc có lẽ mua được 3 trái ớt. Tôi đoán vậy, bởi hôm trước tôi mới mua 5 nghìn ớt mà cũng chỉ được ngót gần chục trái.
1 nghìn quá nhỏ bé để đóng vai chính trong bất cứ cuộc mua bán nào, nhưng nhờ vậy lại đầy sức nặng khi đặt lên bàn cân của phẩm giá. 1 nghìn thách thức định nghĩa về đúng – sai. Nó không đủ để gửi xe ở trước cửa Vincom, càng không đủ để mua ly trà đá (bây giờ khéo cũng phải 3 nghìn), nhưng lại có lý lẽ riêng để khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về sự chính trực và lòng người.
1 nghìn của chính trực
Câu chuyện của anh shipper và cô gái nhận hàng cũng chỉ xoay quanh 1 nghìn đồng ấy. Vì không có tiền lẻ trả lại, anh shipper tự động làm tròn 1 nghìn khi thanh toán với khách. Cô gái cho rằng đấy là hành động không thành thật. Cả hai tranh cãi qua lại và kết thúc bằng việc cô gái thông báo cho app giao hàng, người shipper bị khóa tài khoản.
Dưới góc nhìn của người shipper, hành động làm tròn 1 nghìn chẳng qua chỉ là… làm tròn. Không chỉ ship hàng đến địa điểm mà còn phải leo cầu thang nhiều tầng để giao hàng, có lẽ anh nghĩ một chút extra nho nhỏ vừa nhanh, vừa chẳng làm phiền đến ai, vừa bù được chút thời gian và sức lực mình bỏ thêm vào cuộc giao hàng này.
Dưới góc nhìn của cô gái, 1 nghìn là tiền bạc. Là thứ không thể nhập nhằng. Là rõ ràng như trắng – đen. Cùng là đồng tiền, có người chọn quý trọng và khắt khe với những gì mình bỏ ra – dù ít hay nhiều – về cơ bản là không có gì đáng bị lên án.
Vì 1 nghìn, anh shipper có đáng bị gọi là thiếu thành thật không? Tôi nghĩ là không. Thêm 1 nghìn cũng không làm công sức leo cầu thang trở nên đỡ mệt hơn, không khiến việc lao ra ngoài đường mưu sinh dễ chịu hơn, càng không đủ nhiều để được tính là một hành vi ăn gian sai trái.
Vì 1 nghìn, cô gái có đáng bị gọi là bủn xỉn không? Tôi cũng nghĩ là không. Ta hiểu rằng mỗi người có một thái độ khác nhau về tiền bạc. Đối với người này, việc thoải mái tặc lưỡi cho qua 1 nghìn có thể dễ dàng. Đối với người khác, họ cần sự minh bạch và rõ ràng – bởi với họ, tiền bạc dù lớn hay nhỏ, cũng đều đáng được quý trọng như nhau.
1 nghìn đứng ở trong câu chuyện này như một mồi lửa kích thích sự tự ái của cả hai phía. Người thì không chấp nhận vì 1 nghìn mà bị coi như kẻ gian dối. Người lại không chấp nhận việc mình đúng nhưng bị coi là kẹt xỉn. Đứng giữa lằn ranh lý – tình, 1 nghìn quá nhỏ để phân định đúng – sai, nhưng lại quá lớn để làm tổn thương đến lòng tự trọng của mỗi người.
1 nghìn của lòng trắc ẩn
Tôi sẽ không kết luận rằng ai đúng, ai sai, ai nên làm gì và không nên làm gì ở câu chuyện này. Nhìn về cả hai phía, ta hiểu rằng mỗi người đều có lý lẽ của riêng mình để hành xử như vậy. Và nguồn cơn của sự việc đáng buồn sau đó chỉ đến khi cả hai đều buông những lời chỉ trích đầy cay độc về phía nhau.
Thạch Lam có một truyện ngắn rất nổi tiếng có tên “Một cơn giận”. Tôi thích truyện ngắn này đến mức đã dùng nó làm kịch bản cho bài tốt nghiệp đại học của mình. Chuyện xảy ra vào một chiều đông rét mướt, một người đàn ông nọ tên Thanh – sau một ngày làm việc với tâm trạng chán nản – bắt một chuyến xe kéo để về nhà. Đang cáu bẳn thì chớ, anh Thanh còn khó chịu hơn vì gặp một người phu xe cứ làu bàu vì anh này đã đi xa lại còn… mặc cả. Lên xe rồi vẫn chưa thấy yên ổn bởi chiếc xe cực kỳ tồi tàn và xập xệ. Anh Thanh nọ phát hiện ngay đây đích thị là một chiếc xe từ ngoại ô đánh vào để kéo khách trộm. Thời ấy xe ngoại ô không được vào thành phố, nếu bị cảnh sát bắt được sẽ phải chịu phạt rất nặng.
Khó chịu cực độ, anh liên tiếp chê bai và gắt gỏng với người phu xe. Người phu xe cũng chẳng vừa, cứ bị chê một câu là trả treo lại một câu, nhất quyết chẳng chịu thua miếng nào. Ngày ấy mà mà có chấm sao, chắc chắn anh Thanh rate ngay 1 sao cho người phu xe và gọi ngay lên tổng đài chứ chẳng vừa. Nhưng thời ấy thì không có, mà chỉ có cảnh sát đi tuần bắt phu xe táp vô lề để kiểm tra.
Người phu xe lúc này thay đổi thái độ, quay lại khẩn cầu anh Thanh đừng tiết lộ việc anh bắt xe dọc đường. Nhưng lời van xin ấy chỉ làm Thanh khó chịu hơn, anh dửng dưng nói sự thật với người cảnh sát và lặng lẽ xuống xe để họ tiến đến dẫn phu xe đi. Đi một đoạn rồi, Thanh nhận ra cơn giận trong lòng mình đã tan biến từ khi nào, nhưng trong lòng anh lại dấy lên một nỗi ân hận tồi tệ. Tiền đâu để người phu xe kia trả phạt cho cảnh sát? Nếu phải vay tiền để trả, rồi anh ta sẽ phải làm sao với số tiền lớn như thế? Phải nhịn đói, phải chịu đòn, phải chịu hành hạ vì nợ nần?
Nghĩ đến vậy rồi, Thanh tự thấy hổ thẹn và khinh bỉ bản thân. Nhiều ngày sau đó, anh không yên lòng mà cứ thấp thỏm nghĩ về một số phận đã bị mình vô tình đẩy vào cảnh khốn cùng. Anh tìm mọi cách để lần ra địa chỉ của người phu xe nọ. Một túp lều xập xệ, nghèo nàn và khổ sở. Một gia đình với một người mẹ già nua, một người vợ và một đứa con nhỏ còn đỏ hỏn đang ốm nặng. Hỏi han mới biết, anh phu xe hôm đó bị đánh một trận thừa sống thiếu chết mà không có tiền nộp phạt. Sợ quá, anh bỏ đi biền biệt từ hôm đó đến giờ không biết sống chết ở đâu.
Thanh bước ra khỏi túp lều với nỗi ân hận tột độ. Nhưng mới chỉ bước sang bên đường, Thanh đã nghe thấy tiếng khóc của hai người đàn bà vang lên. Đứa bé đã qua đời.
Thạch Lam kết thúc truyện ngắn bằng một lời tự sự của nhân vật Thanh, câu nói vẫn luôn in dấu trong đầu tôi cho mãi đến tận sau này: “Sự đó nhắc cho tôi nhớ rằng người ta có thể tàn ác một cách dễ dàng. Và mỗi lần tôi nghĩ đến anh phu xe ngoại ô kia, lại thấy đau đớn trong lòng, như có một vết thương chưa khỏi”.
Tôi kể lại câu chuyện rất dài đấy của Thạch Lam ở đây, không nhằm cố gắng dùng lý do hoàn cảnh khó khăn để biện hộ cho một hành động về cơ bản là không đúng. Chỉ là tôi nghĩ, chúng ta hoàn toàn có thể cư xử một cách nhẹ nhàng hơn với nhau, từ cả hai phía. Thay vì ném vào nhau những lời hơn thua để xát muối và làm dấy lên cơn giận xấu xí bên trong, mọi chuyện có thể được giải quyết rất nhẹ nhàng bằng những từ ngữ giản đơn và thấu cảm.
1 nghìn quá nhỏ để định nghĩa phẩm giá của ai đó, quá nhỏ để kết tội cho bất cứ ai, và cũng quá nhỏ để vì nó mà đẩy ai đó vào đường cùng. Và dù một nghìn có thể không mua được một quả chanh hay mười trái ớt, nhưng chắc chắn trong nhiều trường hợp, nó có thể là một dấu hiệu của sự cảm thông và lòng trắc ẩn của con người với con người. Một thứ khái niệm vô hình mà đôi khi chúng ta chẳng thể phân định bằng đúng – sai.