Khi nhắc đến Mẫn Tiên, nhiều người sẽ nhớ ngay tới hot girl Hà Nội – thành viên “Bộ ba sát thủ” nổi đình đám. Nhưng đó đã là câu chuyện của 10 năm trước đây. Hiện tại, cô gái có ngoại hình nhỏ nhắn, gương mặt dễ thương này đã trở thành mẹ bỉm sữa chính hiệu.
Sau khi chính thức về chung nhà với Key (Võ Trần Thái Trung, SN 1996), cặp đôi đã chào đón con trai đầu lòng vào tháng 3 năm nay. Em bé được gọi với tên thân mật là Noah, đã hơn 5 tháng tuổi.
Theo dõi Mẫn Tiên từ mang bầu đến sinh em bé, nhiều người “xin vía” vì trông cô nàng lúc nào cũng nhẹ nhàng, vui vẻ. Thế nhưng để có một em bé dễ thương và cũng để bố mẹ “dễ thở” khi nuôi con thì đó vẫn là một hành trình dài mà chỉ khi nghe người trong cuộc tiết lộ mới có thể hiểu hết!
Gia đình Mẫn Tiên – Key và em bé Noah
Có những lúc tủi thân, cảm thấy như “người thừa” trong gia đình
Chào Mẫn Tiên,
Đã 5 tháng Noah chào đời, Mẫn Tiên còn bỡ ngỡ với việc mình trở thành “mẹ trẻ con” không?
Khi mang bầu, lúc đó mình thấy bình thường lắm, chưa có gì thay đổi vì cuộc sống vẫn diễn ra như vậy. Tiên đã đọc nhiều sách, tranh thủ tìm hiểu nhiều kiến thức từ lúc bắt đầu biết mình mang thai. Những công việc của một người mẹ, mình tự tin là mình có thể làm được hết. Nhưng lúc mới đầu, con còn quá nhỏ nên đôi khi mình bị nhát, không dám làm cho con như tắm rửa, thay bỉm,… vì không biết con có đau không.
Còn hiện tại thì thành thạo hơn rất nhiều rồi. Mình có thể tự chăm con một mình. Không những thế, mình còn là một người kỹ tính, nhất là trong việc chăm con nên mọi kiến thức trong từng bước phát triển của con, mình đều đã chuẩn bị đầy đủ.
Nhiều người vẫn bảo nhìn Mẫn Tiên từ lúc mang bầu đến khi sinh con đều nhẹ nhàng, cụ thể hành trình này của bạn thế nào?
Nhìn vậy thôi chứ thực tế mình cũng trải qua nhiều lo lắng giống như các mẹ lần đầu sinh con. Minh chứng là dù bác sĩ có dặn 3 tuần hoặc 1 tháng đi siêu âm 1 lần là được nhưng hầu như tuần nào mình cũng đi. Đến những tháng cuối khi bụng to hơn, cảm nhận được em bé đạp đều rồi mình mới dãn theo lịch của bác sĩ. Còn trước đấy khi chưa thấy thai máy, mình rất lo, lúc nào cũng bảo chồng đưa đi siêu âm. Mình còn mua máy nghe tim thai để tự nghe ở nhà cho yên tâm.
Trong suốt quá trình bầu, em bé của mình hơi bị nhỏ dù bản thân vẫn ăn uống đều đặn. Mình chỉ tăng 7kg trong 9 tháng mang thai, như vậy là hơi ít so với các mẹ bầu cũng như với chiều cao cân nặng của mình. Lúc đó vì lo nên gần như ai mách phương pháp nào mình đều áp dụng theo vậy. Nào là ăn yến, trứng vịt lộn và uống đủ loại sữa bầu khác nhau,… nhưng em bé vẫn không tăng cân thêm.
Những ngày cuối, mình mới biết động mạch tử cung hẹp nên em bé khó nhận được đầy đủ dưỡng chất. Và đó cũng chính là lý do khiến mình quyết định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và em bé. Còn những ngày sau sinh có lẽ mình cũng giống như nhiều bà mẹ khác khi trải qua những cơn đau do vết mổ.
Mẫn Tiên có từng stress vì chăm con?
Mình may mắn vì có chồng, gia đình 2 bên và hiện tại có cả bác giúp việc để hỗ trợ việc chăm con nên mọi thứ cũng diễn ra khá suôn sẻ.
Tuy nhiên, mình vẫn trải qua những giai đoạn tâm trạng không ổn định sau sinh. Hồi mới sinh được khoảng 2 – 3 tháng thì cả hai vợ chồng bị covid. Sau đó chồng khỏi trước, có thể lên thăm em bé còn mình vẫn phải cách ly ở dưới. Vài ngày không gặp nên mình rất lo lắng và nhớ con nên quyết định đi tắm gội, rửa tay, đeo khẩu trang và xịt khuẩn để lên nhìn con một chút.
Nhưng khi đó chồng đang mải bế em bé, vô tình thôi và cũng một phần lo cho sức khỏe của con nên không đưa con ra gần mình. Chỉ một hành động nhỏ thôi nhưng nếu xảy ra ở tình huống bình thường, mình cũng cảm thấy điều đó tốt cho con và không thấy xúc động hay tủi thân gì. Tuy nhiên vào thời điểm nhạy cảm sau sinh, mình lại cảm thấy rất buồn.
Cộng thêm nhiều áp lực khác trong quá trình nuôi con nên hôm đó mình bỏ nhà đi ra ngoài đường. Mình cảm thấy bản thân như người thừa trong nhà khi mọi người đều ở trên phòng với em bé, mình phải ở dưới nhà, thậm chí lên đến nơi mọi người cũng không cho mình nhìn con. Chả nghĩ được gì nhiều, mình đi thẳng ra ngoài đường, cứ đi loanh quanh thôi.
Bản thân mình cũng không lý giải được tại sao lại có những lúc tâm trạng mình như vậy. Rất nhiều lần mình ôm con khóc, kiểu như cảm thấy không ai hiểu mình dù được gia đình yêu thương, hỗ trợ đến đâu. Nên mình thấy việc quan tâm đến tinh thần của mẹ bỉm thật sự quan trọng.
Gần đây Mẫn Tiên chia sẻ thức khuya liên tục để chăm con, điều đó có khiến bạn căng thẳng trở lại?
Thực ra đây không phải lần đầu Tiên thức trắng đêm để chăm con nhưng gần đây có vẻ là thời điểm khủng hoảng wonder week kéo dài nhất của con. Những ngày này, em bé ăn rất ít dường như không ăn, ngủ không sâu và liên tục quấy khóc.
Mình có bác giúp việc hỗ trợ nhưng không thể nào 100% được, hai vợ chồng vẫn là người chăm con buổi đêm. Có những ngày em bé rất khó vào giấc, mẹ bế cỡ nào cũng khó chịu. Thậm chí có hôm còn trớ nên 11h đêm, hai mẹ con vẫn lại cùng nhau lóc cóc thay đồ. 4 đêm liên tục của mình cứ diễn ra như vậy, giờ thì trộm vía hơn rồi.
Từ ngày có em bé Noah, cuộc sống của vợ chồng Mẫn Tiên có nhiều thay đổi
Dồn toàn bộ kinh tế cho việc nuôi con, chịu “đầu tư” những gì đắt nhất và xịn nhất
Nói về việc chào đón em bé, ngoài cơn đau khi sinh con thì người ta vẫn hay bảo là “đau ví”, Mẫn Tiên đã tốn các khoản phí như thế nào?
Mình sinh con ở bệnh viện Phụ sản Trung ương, tổng tiền đi sinh khoảng gần 30 triệu. Chi phí này bao gồm cả tiền phòng dịch vụ, chiếu tia plasma, tiền tắm cho em bé,… nói chung rất nhiều chi phí nhỏ lẻ khác lúc sinh con trong viện.
Trước đó thời điểm mang bầu thì mình chi khoảng 5 – 6 triệu làm xét nghiệm nipt. Mỗi lần siêu âm từ 180k – 600k tùy vào hình thức siêu âm 2D hay 6D. Còn rất nhiều khoản chi khác mà mình nghĩ không thể nào kể chi tiết được mà chỉ nhớ là khá nhiều thôi. Bởi một phần mình cũng là người kỹ tính, luôn muốn chọn những dịch vụ, sản phẩm tốt nhất cho con.
Còn các chi phí riêng cho em bé Noah, một tháng sẽ khoảng bao nhiêu tiền?
Nếu tính tổng tất cả có lẽ chi phí cho em bé còn nhiều hơn gấp mấy lần tiền mình đi sinh con. Vì Tiên đầu tư làm hẳn 1 phòng riêng cho em bé tại nhà dù con còn nhỏ xíu. Nhưng mình xác định sử dụng lâu dài nên đã chọn nội thất chất lượng, làm hoàn chỉnh như phòng người lớn.
Còn về bỉm, sữa, tã, vitamin, đi tiêm chủng,… trung bình 1 tháng sẽ khoảng từ 10 – 15 triệu. So với thu nhập của gia đình mình thì con số này không quá nhiều nhưng với mặt bằng chung, nhiều người sẽ nhận xét là cao.
Nhưng như mình có nói tính mình khá kĩ và luôn thích những gì xịn nhất cho con nên mình sẵn sàng đầu tư. Cái này là do quan điểm, sở thích của mẹ thôi. Kiểu như 1 món đồ mình sẽ muốn mua nhiều màu sắc, hình dáng khác nhau cho con, để biết con thích cái gì, hợp với cái gì nên giai đoạn đầu khá tốn tiền vì vậy. Còn những món đồ đều sẽ dùng được khá lâu nên mình thấy cũng ổn.
Tốn khá nhiều tiền như vậy, Mẫn Tiên và Key đã cùng nhau chuẩn bị về kinh tế như thế nào? Hai bạn có đồng quan điểm trong vấn đề tài chính hôn nhân?
Cả Tiên và Key đều đã đi làm từ rất lâu nhưng trước đây tiền kiếm được chỉ tự tiêu cho bản thân nên khi về chung nhà cũng phải suy tính khá nhiều.
Chúng mình không quá quan trọng chuyện tiền chung, tiền riêng. Hồi đầu cũng có luân phiên lúc thì mình cầm, lúc thì chồng cầm chi tiêu trong nhà nhưng như vậy hơi phiền nên lại tách ra. Mỗi người đều có những ngưỡng tự do tiêu tiền riêng, nhưng chúng mình có chia sẻ cho nhau kiểu như hôm nay mua gì, sắm gì. Còn vào những dịp đặc biệt, cả hai đều tự bỏ tiền mua quà tặng cho đối phương.
Nói chung hai vợ chồng trẻ, việc bầu, sinh con khiến công việc của mình cũng bị chậm lại. Do đó thực sự cũng có lúc khó khăn, hai vợ chồng cãi cọ nhau về việc chi tiêu trong gia đình. Vợ chồng mình làm tự do nên không có mức lương cố định mỗi tháng nên thu nhập dựa vào mức độ làm việc.
Quan điểm của mình và chồng hơi khác nhau một chút. Có lẽ mình là phụ nữ nên cẩn thận và chỉn chu hơn trong việc mua đồ cho con. Còn chồng mình là người dễ thích nghi nên đôi khi cảm thấy những món đồ trung bình tốt trở lên là con đã có thể sử dụng được rồi. Cũng không cần phải mua quá nhiều quần áo vì chồng mình biết em bé ở độ tuổi này sẽ lớn rất nhanh. Tuy nhiên Tiên thích điệu và diện cho con nên cả hai sẽ có lúc bất đồng quan điểm vì vợ muốn chi nhiều tiền vào những thứ hơi phù phiếm, đem lại niềm vui cho gia đình còn chồng sẽ thấy nếu như không chi cũng không ảnh hưởng đến em bé.
Bản thân mình là người đã tự lập và kiếm ra tiền từ lâu nhưng khi kết hôn, mình cũng muốn một phần nào đó dựa dẫm vào người đàn ông của mình. Nên Tiên nghĩ chuyện chi tiêu của bất kỳ gia đình nào, rất khó để sòng phẳng 50 – 50 được và cũng không nghiêng hết về phía ai. Nhưng có lẽ người phụ nữ nào cũng sẽ vui vẻ hơn khi chồng mình tự chủ về tài chính và có thể chăm sóc, cưng chiều vợ con vào những dịp đặc biệt.
Mọi người vẫn nói vật chất không quan trọng nhưng mình lại thấy việc đàn ông có thể cáng đáng chi tiêu trong gia đình, lo được cho vợ con những điều kiện tốt trở lên là điều cần trong mối quan hệ hiện đại. Vì 1 người phụ nữ đã hy sinh quá nhiều thứ, chồng không bao giờ hiểu được chỉ ở bên vỗ về thôi. Do vậy đổi lại, họ có thể nhận trách nhiệm lao ra ngoài và kiếm tiền để cho gia đình không phải suy nghĩ kiểu: “Ôi tháng này kiếm đâu ra tiền”.
Hai vợ chồng mình thì khá may mắn, trộm vía chưa đến mức móc không ra tiền. Nhưng cũng có lúc sắp tới cần 1 khoản lớn nào đó mà thấy chồng vẫn ung dung, bản thân mình lại thấy sốt ruột, lo lắng. Nhìn chung, phụ nữ có thể làm tất cả mọi thứ nhưng mình đừng nên, mà hãy để cho chồng mình được thể hiện.
Dẫu vậy, Mẫn Tiên có thay đổi chi tiêu ra sao từ khi có con?
Từ rất lâu rồi Tiên không mua đồ hiệu. Với cả thường những chiếc túi hiệu mà mình có thì đều thuộc dạng classic để dùng được lâu chứ mình không phải kiểu người thích sưu tập. Trước đây khi chưa có con thì 50% là đồ cho thú cưng, 50% là đồ cho mình. Còn bây giờ thì 100% mua đồ là cho con. Nói chung mình hay tiêu tiền theo sở thích cá nhân. Tùy giai đoạn, có một niềm đam mê nào đó mình sẽ tìm mua thật nhiều và thật xịn.
Với lại, Tiên nghĩ mình là người theo chủ nghĩa cố gắng kiếm nhiều tiền thay vì hạ tiêu chuẩn sống xuống. Ví dụ tháng này mình đã chi tiêu hơi quá mức mình mong muốn thì mình phải cố gắng làm cách nào đó để kiếm bù lại số đấy. Mình thì khá đa dạng thu nhập: kinh doanh, quảng cáo,… nên mình tự đặt chỉ tiêu cho công việc để tăng thu nhập.
Vì tiêu chuẩn sống của mình như vậy, mình không nghĩ mọi người nên hạ tiêu chuẩn mà mọi thứ lúc nào cũng nên nâng lên. Do đó mình luôn cố gắng làm sao để kiếm được tiền để đáp ứng được nhu cầu, tiêu chuẩn sống của bản thân.
Ngẫm lại cho đến hiện tại, đâu là khoản chi đắt nhất và đáng chi nhất từ khi có em bé?
Chắc là làm phòng cho em bé. Mình mua giường, tủ từ Hàn Quốc gửi về. Mình đầu tư vào phòng dù nó đắt nhưng con có thể dùng được đến khoảng 5 – 7 tuổi. Mình rất ưng ý với sự mua sắm của mình trong căn phòng của con.
Còn sau này, mình nghĩ khoản tiền đắt hơn sẽ là tiền học cho con. Mình không đến mức sính ngoại nhưng mình cũng muốn hướng con đến việc tiếp thu được 2 ngôn ngữ. Sau này mình dự định cho con học trường quốc tế hoặc trường song ngữ.
Đây là kế hoạch quá dài hơi mà mình nghĩ hai vợ chồng cần phải tính toán trước 1 năm khi con đi học. Thậm chí bây giờ, đôi khi chúng mình cũng đã ngồi nói chuyện với nhau về vấn đề này để nhìn nhận đó sẽ là một con số lớn, cần duy trì nguồn tài chính đều đặn vì đây là việc “đầu tư” vào cả một con người mà.
Cảm ơn những chia sẻ của Mẫn Tiên!