Cách đây không lâu, đoạn video về một người cha đón con gái đi học về lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Ông bố này mặc áo ngắn tay cũ, thỉnh thoảng lại lấy khăn ra lau mồ hôi trên mặt. Chắc hẳn đi cả quãng đường dài để đón con cũng không phải dễ dàng gì.
Nhưng sau khi con gái lên xe bố, cô bé vội vàng lấy đồng phục đi học che mặt thật chặt vì sợ các bạn cùng lớp đi ngang qua nhận ra. Người cha nhìn con, chỉ có thể cười ngượng ngùng. Hành vi của cô gái rõ ràng đã khiến cha cô “chết tâm”, nhưng không ngờ, cư dân mạng lại bình luận bày tỏ sự thông cảm.
Về mặt tâm lý, trẻ bắt đầu quan tâm đến dư luận bên ngoài từ khi 5 tuổi, đặc biệt là hình ảnh của mình trong tâm trí người khác và có thể nhận thức được tầm quan trọng của địa vị xã hội. Khi cảm nhận được sự khác biệt giữa mình và các bạn cùng lớp, chắc chắn trẻ sẽ hình thành sự so sánh hoặc trở nên tự ti.
Ứng xử ra sao khi con so sánh giàu nghèo?
Một bà mẹ chia sẻ: Cách đây một thời gian, chị đã trải qua một tình huống tương tự.
“Khi đón con đi học về ngày hôm đó, nó không vui vẻ chạy đến chỗ tôi như thường lệ mà khoác tay tôi rồi rời đi với vẻ mặt cô đơn. Tôi đang thắc mắc thì đứa trẻ chợt ngẩng đầu lên hỏi: “Mẹ ơi, nhà chúng mình nghèo lắm phải không? Tại sao các bạn khác đi học bằng xe ô tô còn con lại đi xe đạp điện?”. Tim tôi lỡ nhịp, tôi nhanh chóng đổi chủ đề với lý do mua cho con thứ gì đó ngon lành.
Nhưng nhìn lại, rõ ràng vấn đề này không thể bị đánh trống lảng bằng cách né tránh hoặc thay đổi chủ đề. Khi lớn lên, trẻ sẽ có quan điểm về tiền bạc và cũng sẽ trải qua “giai đoạn nhạy cảm về vật chất” , lúc này chắc chắn sẽ có những so sánh về nhà cửa, xe cộ, thương hiệu nổi tiếng, hóa đơn”.
“Người khác có ba căn hộ, còn chúng ta thì sao?”; “Người khác có thể bay hạng nhất khi đi du lịch, tại sao chúng ta lại không thể?”. Những giá trị của một đứa trẻ thường được hình thành một cách âm thầm thông qua sự quan sát và so sánh trong cuộc sống. Cách trả lời những câu hỏi của trẻ không chỉ thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của cha mẹ mà còn ảnh hưởng đến giá trị tương lai của trẻ.
Là cha mẹ, chúng ta phải hiểu rằng việc truyền lại những giá trị và lối sống đúng đắn là câu trả lời tốt nhất cho con cái mình. Chúng ta cũng cần trẻ hiểu rằng: Nghèo khó hay giàu có không bao giờ là tất cả những thước đo để đánh giá một con người. Người duy nhất có thể định nghĩa chúng ta là chính chúng ta.
Bà mẹ này cho rằng, nếu con bạn cũng nhạy cảm với tiền bạc và hoang mang về vật chất thì đừng lo lắng mà hãy nhìn vào mặt tích cực trước: Trẻ đã bắt đầu quan sát và suy nghĩ về cuộc sống. Hãy cũng ngồi xuống và trao đổi thẳng thắn với con về “khoảng cách giàu nghèo”.
Đây là 3 điều chị đã làm sau đó:
1. Cho trẻ nhìn rõ sự thật cuộc sống
Có câu chuyện từng được một cư dân mạng chia sẻ: Có lần con trai bà đòi mua một chiếc điện thoại di động với giá 3.000 nhân dân tệ. Bà không đồng ý, đứa trẻ vứt đồ, tuyệt thực, thậm chí còn cho rằng mẹ vô lương tâm.
Lúc đó bà không trả lời, sáng sớm hôm sau dẫn con trai ra ngoài, đứng trên lề đường nhìn dòng người qua lại và nói: “Con thấy đấy, 3.000 nhân dân tệ có thể không nhiều đối với những người lái xe sang hoặc điều hành công ty, nhưng đối với những nhân viên văn phòng đi sớm về muộn này thì số tiền đó đã hơn nửa tháng lương. Đối với những công nhân vệ sinh thức dậy lúc 4 giờ sáng mỗi ngày và dọn dẹp hơn 10 giờ, họ phải làm việc cật lực suốt một tháng để kiếm được 3.000 nhân dân tệ.
Con phải biết rằng thế giới này vốn không công bằng. Có người sinh ra đã có nhiều tài sản, không cần lo lắng về sinh kế, trong khi có người sinh ra ở vùng nghèo khó, thậm chí có thể không có đủ cơm ăn áo mặc. Những gì con có là điều tốt nhất mà cha mẹ có thể cho trong khả năng của mình”.
Từ đó cậu con trai không bao giờ nói những lời như vậy nữa, cháu trở nên chín chắn hơn rất nhiều trong cuộc sống và ngày càng chăm chỉ hơn trong học tập.
Là cha mẹ, chúng ta phải nói cho con cái biết sự thật về cuộc sống càng sớm càng tốt và để chúng hiểu thực trạng gia đình, từ đó có thể giúp định vị bản thân tốt hơn và tìm ra hướng đi đúng đắn.
2. Hãy cho con bạn của cải tinh thần hơn là của cải vật chất
Có người hỏi trên Zhihu: Làm sao có thể nuôi dạy con cái giàu có nếu điều kiện gia đình không tốt? Câu trả lời sau gây ấn tượng mạnh: “Điều quan trọng nhất của một gia đình không phải là họ có bao nhiêu tiền mà là con cái trong đó có thể cảm nhận được bao nhiêu tình yêu thương”. Đúng vậy, nghèo hay giàu chưa bao giờ là tiêu chuẩn để nuôi dạy con cái, tình yêu và tình bạn cũng vậy.
Kích thước của ngôi nhà không phải là điều quan trọng nhất, một gia đình khỏe mạnh, đầy tình yêu là nơi ấm áp nhất. Loại xe không phải là quan trọng nhất, mà là kỷ niệm đẹp nhất của trẻ được đồng hành cùng bố mẹ trên đường về nhà. Mang lại cho trẻ sự giàu có về tinh thần và sự phong phú bên trong là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của chúng.
3. Nói với con rằng tương lai của bạn nằm trong tay con
Có người đã nói: “Chúng ta không thể chọn nơi mình sinh ra nhưng có thể chọn cuộc sống của mình”. Đúng, cuộc sống mỗi người ngay từ đầu không giống nhau, nhưng chúng ta có thể quyết định cuộc sống của chính mình bằng tất cả sức lực để thay đổi hướng đi của số phận.
Bằng ví dụ và so sánh, hãy nói với trẻ rằng gia đình chúng có thể không giàu hiện tại, nhưng tương lai thì không chắc chắn. Bạn có thể so sánh điều kiện gia đình trong quá khứ và hiện tại. Ngay cả khi không có câu chuyện thực tế, tại sao không tạo ra một câu chuyện? Chẳng hạn, một người bạn ngày xưa nghèo lắm, ăn không đủ ăn, sau bao năm làm lụng vất vả giờ đã giàu có. Câu chuyện không quan trọng, miễn là truyền tải được thông điệp. Nghèo không đáng sợ, đáng sợ nhất là khi nghĩ rằng mình sẽ luôn nghèo.
Cho con biết, điều đáng quý nhất trong cuộc sống không phải là hiện tại bạn tài giỏi ra sao mà bạn chăm chỉ mỗi ngày và nhờ vậy trở nên tốt hơn. Tốt nhất cha mẹ không nên nói với con rằng nhà mình nghèo, mà chỉ cần cho trẻ thấy rằng việc kiếm tiền không dễ dàng, để trẻ cảm nhận được sự vất vả của việc kiếm tiền, như thế trẻ sẽ biết cách sử dụng đồng tiền cho hợp lý, thay vì vòi vĩnh, đòi hỏi.