Trong một lần thuyết giảng, Giáo sư Tâm lý học nổi tiếng của Trung Quốc – bà Lý Mai Cẩn đã phân tích sự khác biệt giữa những đứa trẻ nói nhiều và những đứa trẻ nói ít. “Bạn sẽ thấy rằng, bất kỳ đứa trẻ nào biết ăn nói đều có thể kết bạn rất nhanh. Còn những đứa trẻ không giỏi nói sẽ chỉ đứng yên, cầm đồ chơi của mình và đứng từ xa nhìn các bạn vui đùa”, Giáo sư Lý nói.
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp hai kiểu trẻ sau: Một kiểu trẻ nói nhiều, thích chia sẻ suy nghĩ, kinh nghiệm của mình. Hai là trẻ nói ít, có xu hướng lắng nghe quan điểm của người khác. Hai kiểu trẻ em này có thể phân biệt rất dễ.
Vậy trong 20 năm sau, hai kiểu trẻ em này sẽ có cuộc sống như nào?
Đầu tiên, hãy đề cập tới “đứa trẻ nói nhiều”:
Những đứa trẻ nói nhiều hơn thường tương tác với người khác tốt hơn, có mối quan hệ xã hội rộng hơn và hay nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ người khác. Càng nói nhiều, đầu óc trẻ càng năng động, tò mò với những thứ mới mẻ. Điều này mang lại lợi thế cho trẻ trong học tập, công việc và cuộc sống.
Tuy nhiên, trẻ nói nhiều cũng thường gặp một số vấn đề. Các em có thể quá tập trung vào biểu hiện của chính mình đến mức phớt lờ cảm xúc của người khác. Ngoài ra, trẻ có thể quá năng động và khó tập trung vào nhiệm vụ.
Đối với những đứa trẻ như vậy, cha mẹ cần kịp thời dạy các em cách nói chuyện và biết lắng nghe quan điểm của người khác.
Tiếp theo là “đứa trẻ nói ít”:
Những đứa trẻ ít nói thường sống nội tâm hơn, thích ở một mình hoặc giao lưu với một số ít người. Suy nghĩ của trẻ có xu hướng sâu sắc hơn, cũng như kiên trì, nhẫn nại hơn trong học tập.
Nhà Khoa học Albert Einstein là một ví dụ về người ít nói. Nhiều lý thuyết vĩ đại của ông đã được nghĩ ra trong sự cô độc.
Giống như những đứa trẻ nói nhiều, những đứa trẻ nói ít cũng có thể gặp một số vấn đề. Các em có thể khó hòa nhập xã hội vì sống quá nội tâm, hoặc bị người khác hiểu lầm vì quá im lặng.
Đối với những đứa trẻ như vậy, cha mẹ cần dạy cách thể hiện bản thân một cách phù hợp và cách thiết lập mối quan hệ tốt với người khác.
Thời gian trôi qua, sự khác biệt giữa trẻ nói nhiều và trẻ nói ít sẽ ngày càng lớn. Vậy 20 năm sau, sự khác biệt giữa trẻ nói nhiều và trẻ nói ít sẽ là gì?
Điều này chủ yếu phụ thuộc vào đặc điểm tính cách, khả năng học tập, kỹ năng xã hội và thái độ của các em đối với cuộc sống. Nhìn chung, những đứa trẻ nói nhiều hơn có thể được lợi thế hơn trong sự nghiệp tương lai.
Kỹ năng giao tiếp cá nhân giúp trẻ dễ dàng thăng tiến và phát triển tại nơi làm việc. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được lời nói và việc làm của mình kịp thời, trẻ có thể đánh mất sự tôn trọng của người khác vì quá coi mình là trung tâm.
Ngược lại, những đứa trẻ ít nói có thể phải đối mặt với một số thách thức trong sự nghiệp. Sự hướng nội có thể khiến trẻ gặp khó khăn khi làm việc theo nhóm. Tuy nhiên, nếu biết sử dụng kỹ năng tư duy, các em có thể đạt những thành tựu đột phá trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác.
Nhìn chung, trẻ nói nhiều hay ít thì đều có những ưu nhược điểm riêng. Nhiệm vụ của cha mẹ là giúp con khám phá, phát huy những điểm mạnh của mình, đồng thời giúp con sửa chữa những khuyết điểm. Chỉ bằng cách này, trẻ mới có thể thành công trong cuộc sống tương lai.