Ngày nay, ngày càng có nhiều phụ huynh ủng hộ nền giáo dục hạnh phúc, đồng thời họ bài xích cách giáo dục đánh đòn, la mắng truyền thống.
Đòn roi không nên dùng để khiến trẻ nghe lời, điều này không sai. Tuy nhiên, không ít cha mẹ vin vào cớ này để chiều con thái quá. Chúng ta không hiếm thấy nhiều đứa trẻ nghịch ngợm ở nơi công cộng như chốn không người. Khi bị phản ánh, các bậc cha mẹ lấy lý do “con còn nhỏ” để bào chữa.
Bà Lý Mai Cẩn, một Giáo sư, chuyên gia rất nổi tiếng của Trung Quốc trong lĩnh vực Tâm lý tội phạm học và Tâm lý trẻ em cho rằng: “Trong quá trình trưởng thành của con người, cần phải hình thành một thứ gì đó. Ngoài tình yêu, còn phải có sự kính sợ. Nếu trẻ phạm lỗi sai, hình phạt thực chất là một loại bảo vệ, khiến trẻ biết hối hận và sửa sai”.
Hàm ý câu này nhấn mạnh rằng, trẻ em phải biết các quy tắc không thể bị vi phạm. Nếu trẻ mắc lỗi, chỉ có hình phạt mới khiến trẻ thức tỉnh.
Đây không phải là lần đầu tiên Giáo sư Lý Mai Cẩn nhấn mạnh đến vấn đề này. Trước đây bà đã đề cập nhiều lần khi phân tích hành vi tội phạm của trẻ vị thành niên rằng lý do khiến con người phạm tội là vì họ thiếu cảm giác kính sợ. Không có quy củ thì không có nền nếp, không có lòng tôn kính thì sẽ có tai họa.
Đòn roi không nên được khuyến khích. Nhưng mọi việc đều có ngoại lệ và có những tình huống đặc biệt phải được xử lý theo những cách đặc biệt. Nếu bạn không kịp thời khiến con ghi nhớ bài học và đảo ngược những quan niệm sai lầm của chúng thì rất có thể cuộc đời con sẽ bị hủy hoại.
Nếu trẻ có 2 kiểu hành vi này, hãy kiên quyết, đừng mềm lòng
Có đứa trẻ nghịch ngợm ném gạch từ một tòa nhà cao tầng xuống đường nhưng may mắn không ai bị thương. Sau khi nhân viên bảo vệ bắt được, cha mẹ của đứa trẻ nói: “Nó không đánh ai hay làm ai tổn thương cả. Có sao đâu”.
Nhiều khi chúng ta ghét những đứa trẻ nghịch ngợm, nhưng điều đáng ghét hơn nữa là những bậc cha mẹ từ nhỏ đã không kiểm soát chặt chẽ con mình. Nhiều bậc cha mẹ có con nghịch ngợm về cơ bản không hề biết đến: Kiểm soát có giới hạn là yêu, buông thả là có hại.
Bà Lý Mai Cẩn cho biết: “Tính cách được phát triển trước 6 tuổi. Nếu một số vấn đề không được giải quyết, sau này cha mẹ sẽ không thể kiểm soát được”. Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con, nếu “thầy” không có kỷ luật thì lấy tư cách gì mà mong con thành đạt, trưởng thành tử tế?
Những đứa trẻ ngoan là cha mẹ quản lý tốt, còn những đứa trẻ hư hỏng là do người lớn quá chiều chuộng chúng. Chỉ khi làm rõ hành vi nào nên khen thưởng và hành vi nào nên phạt thì trẻ mới biết được điều gì có thể và không thể làm được. Trên con đường trưởng thành của con cái, cha mẹ phải “nhẫn tâm” để sửa chữa những thói quen xấu của con. Có như vậy con cái mới có thể thuận lợi hơn phát triển.
Giáo sư thẳng thắn nói: Nếu trẻ có 2 hành vi sau đây, cha mẹ nên kịp thời kỷ luật. Đôi lúc đối với những trẻ lặp lại quá 3 lần sai phạm, phụ huynh cần cảnh báo bằng phạt roi. Nhưng là có phân tích cho trẻ hiểu đúng sai, đánh bao nhiêu roi rất cụ thể chứ không phải là kiểu đánh hết sức bình sinh hay động chuyện là “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.
1. Thường xuyên không tôn trọng người lớn tuổi và đe dọa cha mẹ
Nếu một đứa trẻ từ nhỏ không kính trọng người lớn tuổi, thậm chí có hành vi bạo lực, hỗn hào với cha mẹ thì khi lớn lên, không chỉ bị tẩy chay vì cách cư xử kém cỏi mà còn khó hòa nhập vào xã hội.
Một số trẻ khác được chiều chuộng nên khóc lóc, dọa cha mẹ để thỏa mãn mọi yêu cầu. Một khi cha mẹ thỏa hiệp, đứa trẻ sẽ càng lấn tới, tiếp tục đe dọa. Những lúc này, cha mẹ phải kiên quyết từ chối và có hình phạt cần thiết. Quan trọng hơn, hãy xem xét lại cách giáo dục của mình.
2. Ăn trộm nhiều lần
Có một sự khác biệt lớn giữa trẻ em dưới 6 tuổi lấy thứ gì đó, so với trẻ lớn hơn ăn trộm. Thực sự, trẻ nhỏ chưa có nhận thức rõ được đúng sai về vấn đề này. Bộ não của trẻ chưa phát triển đủ để suy nghĩ về hành vi của bản thân và về người khác.
Nếu con từ 9 tuổi trở lên, lấy đồ của bạn hoặc người khác, bạn nên xử lý vấn đề nghiêm túc hơn. Nếu con bạn không thể ngừng hành vi xấu, bạn cần tìm ra nguyên nhân khiến điều này lặp đi lặp lại. Nếu để những hành vi này phát triển thành thói quen, chúng sẽ trở thành kẻ trộm chuyên nghiệp, sau này chắc chắn sẽ phải trả giá rất đắt.
Khi nói chuyện với trẻ về hành vi ăn cắp, hãy tập trung vào sự mất mát, tổn hại của người bị mất cắp; tập trung vào những sự ưu phiền, buồn bã của bố mẹ, thầy cô và bạn bè trước hành vi này của trẻ.
Bà Lý cũng nhấn mạnh: “Trước hết, với tư cách là cha mẹ, bạn nên hiểu rằng đánh đòn là để điều chỉnh hành vi của trẻ và giúp trẻ thiết lập những quy tắc chứ không phải để giải tỏa cảm xúc. Thứ hai, không nên đánh trẻ quá mạnh, người lớn có thể dùng tay đánh vào mông hoặc lòng bàn tay của trẻ để không gây tổn hại.
Ngoài ra, cần phân biệt khi nào nên đánh và khi nào không nên đánh. Trẻ em đôi khi có những hành vi nhất định mà người lớn không thể hiểu được nhưng đó là những đặc điểm bình thường trong quá trình trưởng thành của trẻ. Khi trẻ gây rắc rối một cách vô lý, cha mẹ có thể chọn cách “lạnh lùng” với trẻ, làm bất cứ điều gì cần làm và chuyển hướng sự chú ý của trẻ. Đợi trẻ khóc một lúc và bình tĩnh lại rồi mới hướng dẫn”.
Bạn nghĩ gì về quan điểm của Giáo sư Lý Mai Cẩn? Bạn có đồng ý với phương pháp giáo dục khi cần thiết vẫn phải “đánh đòn” không?