Lisa – Leon nhà Hà Hồ là những nhóc tỳ nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng. Càng lớn Lisa – Leon càng có nhiều sự thay đổi trong tính cách thế nhưng một thói quen của hai bé luôn được duy trì chính là không rời con thú bông của mình ở bất kì hoàn cảnh nào.
Trong rất nhiều hình ảnh của cặp sinh đôi được đăng tải, netizen dễ dàng phát hiện cả hai có một thói quen rất dễ thương, đó là ôm thú bông theo bên người. Từ những buổi sinh hoạt tại nhà, di dạo chơi, đi khai giảng năm học mới hay vi vu trời Tây, Lisa và Leon đều mang theo thú bông làm người bạn đồng hành với mình.
Vì sao đứa trẻ nào cũng thích thú bông?
Thành thật mà nói, đứa trẻ nào cũng sẽ có một món đồ chơi yêu thích nhất của mình. Có thể là một chú gấu bông, một con búp bê hay một mô hình siêu nhân… Và dù cho có bao nhiêu đồ chơi mới khác đi nữa, con vẫn muốn gắn bó với món đồ chơi “tủ” đó dù nó đã cũ kỹ, thậm chí còn xem nó như báu vật không để ai có thể động vào.
Theo như các nhà tâm lý, những món đồ chơi này không chỉ đơn giản là món đồ vật thông thường, mà còn là “tri kỉ” mà trẻ đã nảy sinh mối quan hệ tình cảm. Đây được xem là hiện tượng “hiệu ứng sở hữu”.
Hiệu ứng này miêu tả xu hướng tình trạng con người thường trân trọng những thứ họ sở hữu hơn là những thứ họ không sở hữu. Nói cách khác, khi họ sử dụng một món đồ nào đó một thời gian thì sẽ nảy sinh ra một sự liên kết giữa bản thân người sở hữu với những thứ được họ xem là của mình. Qua sự tương tác hàng ngày từ lúc nhỏ của trẻ đã tạo nên những kỷ niệm đặc biệt của con đối với món đồ chơi đã giữ bên mình hồi thuở nhỏ.
Con gấu bông cũ mà con hay ôm không chỉ đơn thuần là món đồ chơi bình thường, mà còn là vật để gợi nhớ về cha mẹ hay những người thân khác. Sự tương tác với gấu bông như chơi đùa, ôm ấp sẽ mang đến cho trẻ sự ấm áp, an toàn như khi có người thân bên cạnh. Những món đồ này chứa đầy kỷ niệm đẹp và tồn tại quá lâu trong cuộc sống chúng ta, giống như là một người thân vậy.
Theo Tiến sĩ Kiara Timpano – giáo sư tâm lý học công tác tại trường Đại học Miami (Mỹ), khi lớn có thể chúng ta không cần gấu bông nữa, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc sự gắn bó với chúng mất đi. Cũng chính vì thế, bất kỳ đứa trẻ nào cũng đều thích đặt tên cho đồ chơi, gấu bông cũ của mình và xem nó như một người bạn có cảm xúc, suy nghĩ, cần được lo lắng, quan tâm và chăm sóc. Việc này giúp cho trẻ cảm thấy mình cần có trách nhiệm với những món đồ vật này.
Tổng hợp