Xuân Quỳnh (1942 – 1988), tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê ở làng La Khê, quận Hà Đông, là một nữ nhà thơ người Việt Nam. Bà nổi tiếng với nhiều bài thơ được nhiều người biết đến như Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa.
Về đời sống hôn nhân, bà từng kết hôn 2 lần. Lần đầu với nhạc công chơi đàn violon Lưu Tuấn. Xuân Quỳnh và Lưu Tuấn có một con trai tên là Lưu Tuấn Anh. Lần 2 kết hôn với nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ vào năm 1973 và có một con gái tên Lưu Quỳnh Thơ.
Năm 2014, Lưu Tuấn Anh viết cuốn “Những ô cửa gió lộng”, đây là tập hồi ức cảm động của anh về mẹ, cha dượng, cha ruột, về các em trai Minh Vũ, Quỳnh Thơ… Năm 2024, cuốn sách mới ra mắt độc giả.
Đọc những dòng hồi ức của anh Lưu Tuấn Anh, nhiều người ngỡ ngàng, thán phục trước tầm nhìn xa của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh trong việc học ngoại ngữ.
Từ năm 1977 đã nhìn ra tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ toàn cầu
Theo chia sẻ của anh Lưu Tuấn Anh, sau khi đất nước thống nhất, vào khoảng năm 1977, có lần mẹ bảo anh: “Tới thời của các con, không biết ngoại ngữ thì coi như mù chữ”. Lúc đó, anh Tuấn Anh biết tiếng Nga – ngoại ngữ phổ biến ở Việt Nam thời đó và rất lấy làm lạ trước lời nói của mẹ.
Tuy nhiên, thi sĩ Xuân Quỳnh cho rằng, ngoại ngữ tương lai của thế giới không phải tiếng Nga, cũng không phải tiếng Pháp chị đang học, mà là tiếng Anh. Tác giả “Sóng” cho rằng: “Nó là cánh cửa mở vào kho tri thức của nhân loại”, và các con mình cần phải học.
Chính vì suy nghĩ này nên năm 1978, thi sĩ Xuân Quỳnh đã tìm lớp tiếng Anh và bắt các con đi học. Theo chia sẻ của anh Lưu Tuấn Anh, lớp học được tổ chức trong khu tập thể Nguyễn Công Trứ gần Chợ Trời.
“Thầy giáo đã gần 70 tuổi, tóc bạc phơ và rất hay cười. Đám học trò toàn là tụi thiếu niên tuổi tôi và Kít, trong đó có con của mấy người bạn trong giới văn thơ của mẹ tôi. Ngay ngày đầu đến là tôi và Kít đã va chạm với mấy bạn học mới. Kít tí nữa nhảy vào đấm nhau với một đứa khiến tôi phải ngăn. Rồi sau đó là những giờ học buồn chán kéo dài. Tôi và Kít liên tiếp nhận những điểm 2, 3, mặc dù ông thầy rất dễ tính. Thỉnh thoảng may lắm bọn tôi được điểm 4, 5. Mẹ tôi buồn lắm nhưng vẫn không từ bỏ hy vọng vào việc học của chúng tôi”, anh Lưu Tuấn Anh viết.
Con trai nữ thi sĩ nhớ lại, đến khi lên cấp 3, mẹ vẫn tiếp tục thúc anh học tiếng Anh và tổ chức một lớp luyện tiếng Anh để định hướng con thi vào Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội). Năm 1983, Lưu Tuấn Anh đỗ đại học trong sự vui mừng khôn xiết của mẹ, nhưng trong kỳ học đầu tiên, anh học rất tệ và phải thi lại 2 môn.
Thi sĩ Xuân Quỳnh sau đó lại tổ chức một lớp học chuyên sâu nữa cho con trai và mấy người bạn cùng lớp đại học. Thầy giáo lúc đó là thầy Bùi Ý, một học giả khá nổi tiếng có công biên soạn cuốn từ điển Anh – Việt thời đó. Nhờ phương pháp dạy của thầy, Lưu Tuấn Anh đã thấy được cái hay, cái đẹp của tiếng Anh và say mê học, từ đó có thành tích học nổi trội trong lớp.
“Mẹ đã truyền được cho tôi lòng khát khao tri thức và từ đó tôi đã tìm ra được con đường tự học cho mình”, anh Lưu Tuấn Anh viết.
Những chia sẻ của con trai nữ thi sĩ nổi tiếng khiến phụ huynh ngày nay phải xuýt xoa, dành nhiều lời khen cho bà về cách dạy con, cũng như tầm nhìn xa của bà trong việc học ngoại ngữ.