Nhịn ăn gián đoạn (IF) đang là phương pháp được nhiều người áp dụng để kiểm soát cân nặng và cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, việc hạn chế thời gian ăn uống có thể khiến cơ thể thiếu hụt một số vitamin, khoáng chất quan trọng, ảnh hưởng đến năng lượng, sức khỏe và tinh thần.
Bác sĩ Jesada Bunyawongwiroj (biệt danh “Bác sĩ Jade”), Phó Giám đốc Bệnh viện Maharat Nakhon Ratchasima (Thái Lan), đã chia sẻ kiến thức về việc bổ sung vitamin cần thiết khi thực hiện IF. Ông cho biết rất nhiều người đã tìm đến ông để được tư vấn về chế độ dinh dưỡng trong thời gian áp dụng IF. Theo bác sĩ Jade, chế độ ăn kiêng IF nếu không được lên kế hoạch kỹ lưỡng có thể dẫn đến sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng lượng, sức khoẻ và tinh thần của người thực hiện.
Vậy đâu là những vitamin quan trọng cần bổ sung khi thực hiện nhịn ăn gián đoạn?
Bác sĩ Jade đã đưa ra 5 loại vitamin cần thiết nhất, bao gồm vitamin B, vitamin D, sắt, magie và omega-3.
Đầu tiên phải kể đến vitamin B. Nhóm vitamin này đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa năng lượng từ carbohydrate, chất béo và protein thành năng lượng mà cơ thể có thể sử dụng. Thiếu hụt vitamin B có thể dẫn đến mệt mỏi, uể oải và căng thẳng. Trong thời gian ăn, người áp dụng IF nên chú trọng bổ sung các loại ngũ cốc nguyên hạt, thịt, trứng, rau lá xanh hoặc sử dụng vitamin B tổng hợp.
Tiếp đến là vitamin D, vitamin này giúp cơ thể hấp thụ canxi, hỗ trợ xương chắc khỏe, tăng cường hệ miễn dịch và cân bằng nội tiết tố. Người áp dụng IF thường ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và có thể không nạp đủ vitamin D từ thực phẩm. Bác sĩ Jade khuyến cáo nên bổ sung vitamin D từ các nguồn như cá hồi, cá ngừ, lòng đỏ trứng, tắm nắng 15-20 phút mỗi buổi sáng hoặc sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin D. Nếu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đau nhức cơ bắp hoặc dễ cáu gắt, hãy kiểm tra xem cơ thể đã được cung cấp đủ vitamin D hay chưa.
Một khoáng chất quan trọng khác là sắt. Sắt cần thiết cho việc sản xuất hồng cầu, vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Thiếu sắt có thể gây mệt mỏi, kém tập trung và suy nhược. Người áp dụng IF nên bổ sung sắt từ thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng, rau bina hoặc đậu lăng. Khi ăn nhiều rau, nên kết hợp với các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam hoặc cà chua để tăng cường hấp thụ sắt.
Magie cũng là một khoáng chất cần thiết giúp cơ bắp và hệ thần kinh hoạt động bình thường, điều hòa nhịp tim, giảm đau nhức cơ bắp, cải thiện giấc ngủ. Người áp dụng IF có thể thiếu magie nếu chế độ ăn không đa dạng, đặc biệt là thiếu các loại hạt, rau xanh và ngũ cốc. Hạt bí ngô, hạnh nhân, sô cô la đen (hàm lượng cacao cao) và rau bina là những nguồn cung cấp magie dồi dào. Nếu thường xuyên bị chuột rút, mất ngủ hoặc mệt mỏi kéo dài, hãy xem xét việc bổ sung magie.
Cuối cùng là omega-3, một loại axit béo có lợi cho việc giảm viêm, tăng cường chức năng não và bảo vệ tim mạch. Người áp dụng IF nếu không thường xuyên ăn cá hoặc hải sản có thể bị thiếu hụt omega-3, dẫn đến suy giảm trí nhớ và thay đổi tâm trạng. Các nguồn omega-3 tốt bao gồm cá hồi, cá ngừ, cá mòi, hạt lanh và hạt chia. Nếu gặp các vấn đề về trí nhớ, tâm trạng thất thường, hãy cân nhắc bổ sung omega-3 từ thực phẩm hoặc dầu cá.
Bác sĩ Jade nhấn mạnh rằng việc áp dụng IF không chỉ cần lên kế hoạch thời gian ăn uống mà còn phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Việc thiếu hụt vitamin và khoáng chất có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Ông khuyến khích mọi người nên kiểm tra lại chế độ ăn uống của mình, đặc biệt là 5 loại vitamin và khoáng chất kể trên, cân nhắc bổ sung bằng thực phẩm chức năng nếu cần thiết.
Nhịn ăn gián đoạn (Intermittent Fasting – IF) là một phương pháp ăn uống xoay vòng giữa các giai đoạn ăn và nhịn ăn theo chu kỳ. Thay vì tập trung vào những gì bạn ăn, IF tập trung vào khi nào bạn ăn.
Các phương pháp nhịn ăn gián đoạn phổ biến:
– Phương pháp 16/8: Đây là phương pháp phổ biến nhất. Bạn nhịn ăn trong 16 tiếng và ăn trong 8 tiếng còn lại. Ví dụ, bạn có thể ăn từ 12 giờ trưa đến 8 giờ tối, sau đó nhịn ăn cho đến 12 giờ trưa ngày hôm sau.
– Nhịn ăn xen kẽ ngày (Alternate-day fasting): Bạn ăn bình thường một ngày, sau đó nhịn ăn (hoặc ăn rất ít calo) vào ngày hôm sau, rồi lại ăn bình thường vào ngày kế tiếp.
– Nhịn ăn 5:2: Trong tuần, bạn ăn bình thường 5 ngày và hạn chế lượng calo (khoảng 500-600 calo) trong 2 ngày không liên tiếp.