Nếu nghi phạm bắt cóc, sát hại bé gái 2 tuổi đã chết, liệu …

11 mins read
Nếu nghi phạm bắt cóc, sát hại bé gái 2 tuổi đã chết, liệu …

Trong những ngày gần đây, cả nước đang nóng lên trước vụ bắt cóc trẻ em tống tiền mà nạn nhân là cháu bé chỉ mới 21 tháng tuổi, đối tượng gây án được biết từng là người giúp việc cho gia đình, sau khi nghỉ việc, người nhà vẫn thuê người phụ nữ này đưa đón cháu bé đi nhà trẻ.

Nghi phạm được xác định tên Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, trú huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) là giúp việc được gia đình cháu bé thuê đưa đón đi học, đã bắt cóc, sát hại, sau đó thi thể được phát hiện tại một ao cá ở Hưng Yên.

Nếu nghi phạm bắt cóc, sát hại bé gái 2 tuổi đã chết, liệu có hết trách nhiệm pháp lý? - Ảnh 1.

Nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang được nghi đã tử vong

Vụ việc trên lại một lần nữa cho thấy trẻ em có thể bị bắt cóc, bị xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ bất kỳ lúc nào, bởi bất kỳ đối tượng nào. Vụ việc là hồi chuông cảnh tỉnh đối với việc phải bảo vệ, đảm bảo cho trẻ em được an toàn.

Hiện nay, nhiều thông tin cho rằng nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang đã nhảy sông Đuống tự tử, tuy nhiên thông tin này chưa được xác minh, kiểm chứng. Cùng với thông tin trên, khoảng 18h50 ngày 21/9, lực lượng chức năng vớt được thi thể một phụ nữ trên dòng sông Đuống, đoạn qua Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nhận định có thể là nghi phạm Trang đã bắt cóc bé 2 tuổi ở Hà Nội. Tuy nhiên, thi thể có phải là nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang hay không thì phải giám định ADN và chờ cơ quan công an điều tra, công bố.

Nếu nghi phạm bắt cóc, sát hại bé gái 2 tuổi đã chết, liệu có hết trách nhiệm pháp lý? - Ảnh 2.

Luật sư Trần Hoàng Vũ (Giám đốc công ty luật TNHH AEC, Đoàn luật sư TP. Hà Nội)

Trước những thông tin trên, dư luật đặt ra dấu chấm hỏi liệu nghi phạm Trang đã chết, vụ án sẽ được tiến hành xử lý như thế nào, có hết trách nhiệm pháp lý?

Liên quan đến sự việc, luật sư Trần Hoàng Vũ (Giám đốc công ty luật TNHH AEC, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nhận định, hành vi bắt cóc trẻ em đang diễn ra khó lường với sự gia tăng nhanh chóng về số vụ, thủ đoạn gây án tinh vi, tính chất liều lĩnh, táo tợn. Hành vi có thể xảy ra ở bất cứ đâu với bất cứ gia đình nào.

“Hành vi bắt cóc trẻ em để yêu cầu người thân đưa tiền chuộc được coi là hành vi đã được cấu thành tội. Theo đó, chỉ cần thực hiện hành vi bắt nạn nhân để yêu cầu người khác phải đưa tiền, tài sản là đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm mà không phụ thuộc vào việc đã chiếm đoạt được một phần hoặc toàn bộ tài sản của nạn nhân hay chưa”, Luật sư Vũ khẳng định.

Theo vị luật sư, kết quả xác minh bước đầu vụ việc cho thấy, đối tượng đã có hành vi bắt cóc trẻ em để tống tiền còn việc cố ý hay vô ý gây ra cái chết vẫn chưa được xác minh làm rõ. Nếu đối tượng gây án bắt cóc và cố ý giết cháu bé thì sẽ phải chịu khung hình phạt cao nhất là tử hình. Nếu đối tượng gây án bắt cóc tống tiền và vô ý gây tử vong cho cháu bé thì đối mặt với mức án chung thân.

Trước thông tin hung thủ gây án đã chết. Như vậy, trường hợp nghi phạm duy nhất của vụ án chết, căn cứ Điều 157, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vụ án sẽ không được khởi tố. Đồng thời, Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định tại khoản 1, Điều 230, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Trường hợp hung thủ gây án đã chết nhưng vụ án xác định còn đồng phạm bao gồm người tổ chức, xúi giục, giúp sức thì vụ án vẫn sẽ được điều tra, khởi tố và xử lý theo quy định của pháp luật.

“Nếu người vi phạm đã chết, vụ án hình sự có thể bị đình chỉ điều tra và không khởi tố. Tuy nhiên, theo Điều 615, Bộ luật Dân sự 2015, những người hưởng thừa kế của họ vẫn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong phạm vi tài sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác”, Luật sư thông tin.

Theo đó, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại Điều 591, Bộ luật Dân sự bao gồm:

– Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

– Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

– Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

– Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Tuy nhiên, nếu đối tượng còn sống, sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 169 Bộ luật hình sự được sửa đổi bởi khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi năm 2017 quy định như sau:

Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

A) Có tổ chức;

B) Có tính chất chuyên nghiệp;

C) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

D) Đối với người dưới 16 tuổi;

Đ) Đối với 02 người trở lên;

E) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

G) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

H) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

I) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:

A) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

B) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

A) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

B) Làm chết người;

C) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo đó, người thực hiện hành vi bắt cóc bé 21 tháng tuổi nhằm chiếm đoạt tài sản mà làm chết người thì khung hình phạt đặt ra là 15 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

– Đối với hành vi giết người, căn cứ theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, người giết người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Nếu người bắt cóc trẻ 21 tháng tuổi có hành vi giết người với lỗi cố ý thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 nêu trên và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Vị luật sư cho biết thêm, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc trên. Qua vụ việc trên, cần phải kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những hành động có thể hoặc có dấu hiệu xâm phạm đến quyền trẻ em.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog