Một video lan truyền gần đây ở Trung Quốc thu hút sự chú ý. Trước khi ra ngoài, người chồng gửi tin nhắn cho vợ thông báo: “Bảo bối, tối nay anh ra ngoài ăn cơm với các bạn cùng lớp nhé”. Người vợ đáp vui: “Được rồi thưa ông, đây là lời nhắc nhở thân thiện, ông phải trả tiền để mở cửa sau 10 giờ tối nhé”.
Nghe có vẻ giống một cặp vợ chồng mới cưới. Trên thực tế, họ đã kết hôn được gần 20 năm và có ba người con. Đoạn đối đáp tình cảm như vậy không khỏi khơi dậy sự ghen tỵ của nhiều cư dân mạng: “Ba đứa con! Đã nhiều năm như vậy! Chồng vẫn gọi vợ là bảo bối”; “Không khí gia đình tốt như vậy, khó trách con cái họ đều xuất sắc, thành tích tốt, nhân cách tốt, trí tuệ cảm xúc cao”.
Được biết, cô con gái lớn của cặp vợ chồng luôn học hành giỏi giang, cuối năm học nào cũng mang về cả xấp giấy khen. Cô con gái thứ luôn chủ động giúp đỡ em trai làm bài tập về nhà. Cậu út còn đang học mẫu giáo luôn vui vẻ phụ mẹ việc nhà.
Một bầu không khí gia đình tốt đẹp là điều may mắn cho con cái. Cho dù bạn có cho con mình bao nhiêu đồ ăn ngon, quần áo đẹp hay nhiều bất động sản thì cũng không bằng cho con một ngôi nhà hòa thuận và yêu thương.
Cha mẹ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, người bị tổn thương nhiều nhất luôn là những đứa trẻ
Từng có video một cô bé gọi điện để thuyết phục bố đừng cãi nhau với mẹ: “Bố luôn nhìn thấy thái độ cáu kỉnh của mẹ nhưng lại không nhìn thấy mặt tích cực khác. Hàng ngày mẹ phải làm rất nhiều việc nhà, ngoài ra còn phải chăm sóc và đưa đón con đi học. Chính vì mệt mỏi nên mẹ mới hay tức giận”.
Hai người lớn không hiểu được nhau, nhưng một đứa trẻ lại hiểu chuyện đến mức khiến người ta cảm thấy xót xa.
Nói về cảm xúc của mình khi bố mẹ cãi nhau, cô bé thẳng thắn nói: “Thật sự rất khó khăn, rất buồn và rất đau đớn”. Trong mắt trẻ thơ, những trận cãi vã của cha mẹ giống như những trận động đất khó lường và những bộ phim kinh dị khó quên.
Trong khi các bậc cha mẹ vẫn đang tự mãn vì đã thắng cuộc tranh cãi thì ít ai biết rằng những đứa trẻ đang chứng kiến mọi chuyện chỉ có thể im lặng gặm nhấm nỗi đau của chính mình và dần rơi vào tuyệt vọng.
Các nhà nghiên cứu của Mỹ đã tiến hành một khảo sát trên 100 gia đình và nhận thấy: Khi bố mẹ cãi nhau, 60% trẻ em sẽ nghĩ rằng mâu thuẫn giữa bố mẹ là do mình và tự trách bản thân về điều đó. Nếu một đứa trẻ luôn tự trách mình, sẽ hình thành tính cách tự ti khi lớn lên. Nếu không dám nhận những điều tốt đẹp của người khác, không dám đấu tranh cho điều mình thích thì bạn sẽ sống trong sợ hãi cả đời.
Khi gia đình xảy ra tranh chấp, người bị tổn thương nhiều nhất luôn là con cái.
“Nhiệt độ” gia đình hình thành tính cách của trẻ
Nhà tâm lý học người Mỹ Bandura cho biết: “Khi cha mẹ mất kiểm soát cảm xúc, đó cũng là lúc trẻ có khả năng bắt chước mạnh mẽ nhất”. Nếu cha mẹ luôn gây gổ với nhau và có mối quan hệ lạnh nhạt, trẻ sẽ cho rằng giao tiếp bạo lực là đúng đắn và không có “tình yêu” giữa con người với nhau. Quan điểm xã hội ban đầu của một đứa trẻ thường phụ thuộc vào cách cha mẹ hòa hợp với nhau. Muốn nuôi dạy một đứa trẻ yêu thương, trước tiên bạn phải cho nó thấy được tình yêu thương ở ngôi nhà mình.
Đằng sau đứa con hiếu thảo là một mái nhà ấm áp và yêu thương.
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con và là người mà con tiếp xúc lâu nhất. Nếu một đứa trẻ luôn đóng vai trò là “thùng rác” cảm xúc, tính cách sẽ bắt đầu biến đổi và dần dần trở thành một con người “trống rỗng”.
Một nghiên cứu của Giáo sư Tâm lý học người Mỹ Robert Emerson cho thấy: Những đứa trẻ đến từ những gia đình ấm áp sẽ vượt xa những đứa trẻ có cha mẹ không hòa hợp về sự thân mật, kỹ năng xã hội và khả năng chịu đựng căng thẳng.
“Nhiệt độ” của ngôi nhà quyết định tính cách của trẻ. Một đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương và lớn lên sẽ tự tin, tự chủ, không nóng nảy và có thể dũng cảm, bình tĩnh đối mặt với mọi việc dù đi đâu, gặp ai.
Để tạo không khí gia đình tốt đẹp, cha mẹ phải tuân thủ ba nguyên tắc này.
√ Nguyên tắc 1: Trong cuộc sống hằng ngày không nói xấu nhau
Trong bộ phim “The Son Trapped in the Mind”, mẹ của nhân vật chính Nicholas thường mắng chồng trước mặt conh. Nicholas luôn giữ im lặng về điều này, nhưng thực tế anh muốn bác bỏ nó. Trong mắt anh, bố là người thành đạt trong sự nghiệp và quyết đoán trong mọi việc nên anh rất ngưỡng mộ ông. Nhưng một người cha xuất sắc như vậy hóa ra lại là một kẻ hèn hạ trong mắt mẹ.
Về vấn đề này, Nicholas phàn nàn: “Tôi cảm thấy như mình bị chia thành hai nửa”.
Nhà tâm lý học Li Zixun cho biết: “Đứa trẻ một nửa của cha và một nửa của mẹ. Nếu một bên cha/mẹ phủ nhận người kia, người đó vô tình phủ nhận nửa còn lại của đứa trẻ”. Nếu bạn nói xấu người kia trước mặt con cái, con bạn sẽ cảm thấy mất kết nối và nghĩ rằng bạn cũng đang nói về chúng, và chúng sẽ coi thường chính mình. Muốn làm cha mẹ tốt, trước tiên bạn phải trở thành một cặp vợ chồng tốt. Chỉ khi cha mẹ quý trọng nhau và tôn trọng vợ/chồng thì họ mới có thể mang lại cho con cái cảm giác an toàn và yêu thương.
√ Nguyên tắc 2: Nếu có tranh chấp thì phải trực tiếp giải quyết
Thực ra, cha mẹ xảy ra mâu thuẫn không có gì đáng sợ, điều đáng sợ là bày tỏ tình cảm của mình trước mặt con cái rồi giả vờ như không có chuyện gì xảy ra.
Một chuyên gia giáo dục từng khuyên các bậc phụ huynh: “Các cặp vợ chồng không thể ngăn chặn xung đột nhưng họ có thể lựa chọn cách giải quyết. Đây cũng là cơ hội để giáo dục con cái”. Cách tốt nhất là trực tiếp đối thoại và làm lành. Cha mẹ có thể nhân cơ hội này để dạy con cách thể hiện cảm xúc một cách không gây tổn thương và cách hòa giải sau một cuộc tranh cãi.
√ Nguyên tắc 3: Nếu đã ly hôn thì lựa chọn tốt nhất là chung sống hòa bình
Sau khi một cặp vợ chồng ly hôn, có thể khó tiếp tục là bạn bè nhưng ít nhất họ phải thiết lập mối quan hệ hợp tác: Tôn trọng lẫn nhau và cùng nhau bảo vệ trẻ em. Hãy để con bạn biết rằng mặc dù mối quan hệ giữa mẹ và bố đã tan vỡ nhưng mối quan hệ cha mẹ con cái không hề rạn nứt và cả hai vẫn yêu con.
Bố và mẹ là hai mái chèo trong thế giới của trẻ thơ. Nếu hai mái chèo này luôn bất đồng quan điểm và thích buộc tội nhau chèo chậm thì sự trưởng thành của đứa trẻ sẽ chỉ toàn những khúc khuỷu.
Nền giáo dục tốt nhất cho trẻ là sự thấu hiểu lẫn nhau giữa cha mẹ. Một ngôi nhà hài hòa và ấm áp là tài sản cả đời của một đứa trẻ.