Mỗi người mẹ yêu con theo cách của riêng mình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu thực sự có thể chịu đựng được ba điểm này khi giáo dục con thì về cơ bản bạn là một người mẹ thành công, con cái lớn lên hạnh phúc.
1. Chịu kiềm chế cảm xúc để bớt sử dụng ngôn ngữ không tốt với con
Một cư dân mạng chia sẻ trên diễn đàn mạng câu chuyện của mình. Anh nói hồi nhỏ anh làm bài thi tệ nên rất sợ mẹ mắng. Tuy nhiên, khi anh mang bài về cho mẹ xem, bà nói: “Bài làm của con chưa tốt nhưng chữ viết đã có tiến bộ hơn rất nhiều”. Lời mẹ nói khiến anh hết sợ hãi, thậm chí có thêm động lực cho bài kiểm tra sau đó. Cho đến khi trưởng thành, anh vẫn luôn cảm thấy biết ơn mẹ vì những lời nói động viên.
Ngôn ngữ có sức mạnh đặc biệt, cũng có sức công phá đặc biệt. Những lời công kích có sức phá hủy đáng kinh ngạc, làm hỏng sự hòa thuận của gia đình. Nhưng thực tế trong cuộc sống, rất nhiều phụ nữ không thể kiềm chế được những lời nói gây tổn thương con cái do áp lực về mọi mặt.
Họ có thể cũng chỉ mắng cho bõ tức, nói những lời cay độc để con vì thế mà sửa chữa khuyết điểm. Họ không biết rằng những đứa con được giáo dục bằng chửi rủa, đánh đập thường khó phát triển tâm lý, tình cảm và cả trí tuệ một cách toàn diện. Chúng luôn mang trong mình một sự mặc cảm ghê gớm khi ngay từ nhỏ đã bị chỉ mặt đặt tên là đứa trẻ “ngu ngốc“, “mất dậy“, “hư hỏng“.
Vì vậy, những bà mẹ khôn ngoan sẽ hạn chế lời nói tiêu cực với con, đồng thời dạy con cách trút bỏ cảm xúc một cách hợp lý.
2. Chịu “học cách lười biếng”
Trong cuốn sách “Những bà mẹ lười còn hơn những bà mẹ tốt” của Trung Quốc, tác giả viết: “Trạng thái cao nhất của việc làm mẹ là học cách lười biếng”. Tác giả lý giải, người mẹ quá cảm tính, quá yêu thương chồng con thường trở nên lo toan vun vén, thậm chí làm mọi việc cho chồng con. Điều này vô tình khiến chồng con trở nên ích kỷ, lười biếng và vô ơn.
Người mẹ tốt là người mẹ biết dùng lý trí để buông bỏ công việc gia đình một cách hợp lý. Điều đó có thể giúp kích thích sự chủ động của các thành viên khác trong gia đình.
3. Chịu đựng cơn nóng giận để không đánh đòn trẻ
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy khó kiềm chế cảm xúc khi giáo dục con cái, chỉ cần nói vài lời không nghe lời là nổi cơn thịnh nộ, mắng mỏ, đánh đập con cái. Nếu gặp đứa trẻ có cá tính mạnh sẽ tìm mọi cách chống đối cha mẹ, gây ảnh hưởng đến thể chất tinh thần của trẻ cũng như mối quan hệ gia đình. Vì vậy, khi giáo dục con cái, cha mẹ phải kiềm chế tính nóng nảy, trước tiên phải bình tĩnh nhận định và cùng con giải quyết vấn đề.
Trong quá trình trưởng thành, trẻ không tránh khỏi việc mắc sai lầm. Ở độ tuổi quá nhỏ, trẻ chưa thực sự có ý thức đúng sai cũng như chưa phân biệt được điều này. Nếu trẻ vô tình làm sai điều gì đó mà cha mẹ vội vàng đánh mắng thì trẻ sẽ thấy rất khó chịu, oan ức.
Lâu dần, những đứa trẻ thường bị mẹ đánh đòn mỗi khi mắc lỗi sẽ nảy sinh tâm lý tự ti, mặc cảm. Khi lớn lên, trẻ thường nhút nhát, không muốn và không dám làm gì vì sợ nếu sai sẽ lại bị cha mẹ trách mắng. Nỗi sợ này khiến trẻ khó tự làm được một điều gì đó và gặp trở ngại trong việc hòa nhập với môi trường xã hội.