Theo TS.BS Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM chia sẻ tại Hội thảo khoa học về vai trò của vi chất dinh dưỡng trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản, có 50% trẻ dưới 2 tháng tuổi và 60-70% trẻ từ 3-4 tháng tuổi bị trào ngược dạ dày thực quản. Đến 12 tháng tuổi, số trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản chỉ còn khoảng 5%. Bé trai bị trào ngược nhiều hơn bé gái. Trẻ sinh non bị trào ngược dạ dày thực quản nhiều hơn trẻ sinh đủ tháng.
Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em (GERD) là tình trạng axit và thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Đây là một tình trạng phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, khi bị trào ngược trẻ nôn ra lượng thức ăn hoặc sữa nhiều hơn cả những gì trẻ đã ăn vào.
Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ
TS.BS Nguyễn Thanh Danh cho rằng, 2 yếu tố tác động trực tiếp đến trào ngược dạ dày ở trẻ là lực khép kín của cơ thắt thực quản dưới và áp lực co bóp của dạ dày. “Khi cơ vòng thực quản quá yếu hoặc không khép kín, cộng thêm áp lực co bóp dạ dày nhiều sẽ làm trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản”, TS.BS Nguyễn Thanh Danh nói.
Có rất nhiều nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản, có thể chia làm 2 nhóm nguyên nhân là nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý:
Nguyên nhân sinh lý gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ:
-Cơ quan tiêu hóa của trẻ chưa hoàn chỉnh, trương lực các cơ thắt thực quản yếu.
-Men tiêu hóa chưa hoàn thiện.
-Cho trẻ ăn các thực phẩm lỏng, dễ đi qua khe mềm của cơ vòng.
-Dùng sữa ngoài, quá ngọt làm bé uống nhiều, tiêu hóa chậm, ở lại lâu trong dạ dày dễ gây kích thích trào ngược.
– Tư thế cho bú sai, như mẹ cho bé nằm ngang bú cũng gây trào ngược.
Nguyên nhân bệnh lý gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ:
-Do thiếu vi chất như magie, kẽm, sắt, vitamin nhóm B, canxi gây còi xương, thiếu kẽm gây rối loạn giấc ngủ, cơ thể dễ bị kích thích.
-Thiếu các enzym tổng hợp protein.
-Trẻ bị một số bệnh bẩm sinh như hẹp môn vị, thoát vị hoành, sa dạ dày, viêm thực quản, dị ứng thức ăn, bất dung nạp thực phẩm…
-Trẻ mắc một số bệnh nội khoa như viêm dạ dày, viêm phổi, viêm đường tiểu, hội chứng tăng ure huyết.
– Trẻ bị mềm sụn thanh quản nặng, gây còi xương.
Theo TS.BS Nguyễn Thanh Danh, trào ngược do sinh lý thường có xu hướng tự khỏi khi trẻ lớn dần, trong khi đó trào ngược dạ dày do nguyên nhân bệnh lý thì bác sĩ phải là người tìm ra bệnh lý để điều trị cho trẻ.
Dấu hiệu của trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em
Không chỉ cha mẹ khó phân biệt triệu chứng trào ngược dạ dày và nôn ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ nhũ nhi, sơ sinh.
Một số triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhũ nhi:
- Trẻ nôn ói nhiều sữa qua đường miệng hoặc vừa mũi vừa miệng, tái đi tái lại.
- Trẻ biếng ăn, giảm ăn.
- Trẻ bứt rứt, uốn éo, quấy khóc sau khi ăn.
- Trẻ rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, quấy khóc.
- Trẻ chậm lớn, sụt cân, suy dinh dưỡng.
- Trẻ có da xanh, ưỡn cong lưng khi bú.
Triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ lớn:
- Nóng rát sau xương ức, ợ nóng, nấc, hôi miệng, mòn răng.
- Khó nuốt hoặc bỏ ăn.
- Cơn ngừng thở.
- Đau bụng.
- Viêm phổi tái diễn, khò khè, khó thở.
- Ho dai dẳng.
Cách chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em:
- Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của trẻ.
- Bác sĩ sẽ khám thực thể cho trẻ.
- Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm như xét nghiệm máu xem trẻ có thiếu máu, thiếu vi chất không, siêu âm ổ bụng, nội soi thực quản dạ dày, chụp X quang để tìm các dị tật bẩm sinh…
Cách điều trị trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em:
- Thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt.
- Sử dụng thuốc.
- Phẫu thuật…
Ngoài ra cha mẹ cần thực hiện một số thay đổi giúp trẻ giảm tình trạng trào ngược dạ dày thực quản như:
-Cho trẻ bú đúng cách, ăn thức ăn phù hợp với độ tuổi, tránh cho trẻ ăn quá no
-Giữ cho trẻ ở tư thế thẳng đứng sau khi ăn.
-Không cho trẻ mặc quần áo quá chật.
-Giúp trẻ giảm cân nếu trẻ thừa cân.
Nếu bạn nghi ngờ con mình bị trào ngược dạ dày thực quản, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.