Nhiều bố mẹ đau đầu chuyện tìm trường mầm non khi con mới chỉ 1 tuổi

12 mins read
Nhiều bố mẹ đau đầu chuyện tìm trường mầm non khi con mới chỉ 1 tuổi

Đau đầu chuyện tìm trường cho con

Khi con bắt chuẩn bị bước sang độ tuổi đi học mẫu giáo, nhiều bậc phụ huynh cảm thấy băn khoăn không biết nên chọn trường mầm non cho bé như thế nào. Tùy vào điều kiện tài chính, quan điểm nuôi dạy con mà mỗi gia đình lại có những lựa chọn riêng. 

“Mình muốn con được học nhẹ nhàng, không áp lực thi cử, được học kỹ năng mềm nhiều hơn là chỉ ngồi đọc viết, thế nên mình đã lựa chọn trường học tư liên cấp ngay từ khi con mới 3 tuổi”, chị Hà (30 tuổi, sống tại Hà Nội) bày tỏ. 

Khác với chị Hà, gia đình chị Liên lại đặt nặng yếu tố học hành. Chị cho biết hiện này ngành nghề nào cũng yêu cầu bằng cấp, chị mong con được tập trung vào kiến thức, học thuật ngay từ nhỏ để có thể bắt kịp với các trường chuyên, lớp chọn. 

Cũng giống chị Hà, chị Liên, anh Thắng (40 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết gia đình đã tìm xong trường mầm non cho con từ khi bé mới ở… trong bụng mẹ. Lý do là bởi việc tìm hiểu trước sẽ giúp gia đình không bị bỡ ngỡ. “Môi trường học của con sau này cực kỳ quan trọng, đặc biệt là giai đoạn mầm non. Bé như một tờ giấy trắng, cần có môi trường phù hợp thì con mới phát triển tính cách tốt được. 

Bước vào độ tuổi mầm non, bé ở bên gia đình không nhiều nữa, thay vào đó là học tập, vui chơi với thầy cô, bạn bè. Mình cho rằng giai đoạn này không thể cho qua vì nó là tiền đề phát triển cho những năm tháng về sau. Thế mới mới có chuyện đau đầu vì chọn trường tư – trường công đó”, anh Thằng bày tỏ. 

Tiêu chí lựa chọn trường mầm non

– Phương pháp giáo dục: Một phương pháp giáo dục hiện đại, phù hợp với trẻ là khi mang tới cho các bạn nhỏ cơ hội phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và tinh thần theo cá tính của bản thân, khơi dậy tiềm năng sẵn có và nuôi dưỡng tình yêu học tập suốt đời. Một số phương pháp giáo dục trẻ mầm non hiện đại nổi tiếng trên thế giới phải kể đến Montessori, Steiner, Reggio Emilia, STEAM,…

– Vị trí: Trường gần nhà là lựa chọn ưu tiên số 1. Cho dù là trường mầm non có chất lượng tốt nhưng ở cách xa nhà thì cũng không nên chọn, vì thời gian đưa đón, sự di chuyển đi lại giữa nhà và trường sẽ có những bất tiện đối với cả cha mẹ và trẻ nhỏ. Nhất là có những ngày trẻ chỉ học có 2, 3 tiếng thì lại càng bất tiện. Và hầu như các bà mẹ đều có kế hoạch tận dụng lúc con đi học để đi chợ, dọn dẹp nhà hay đi công chuyện thì sẽ rất khó để sắp xếp thời gian nếu trẻ học xa nhà.

– Học phí: Học phí ở mỗi trường mẫu giáo là khác nhau. Trường dân lập thì khác trường công lập, trường nội thành thì học phí khác trường ngoại thành. Nhưng cha mẹ nên xem xét điều kiện kinh tế của gia đình, cũng như với mức học phí như thế thì con bạn được nhận lại những gì.

Nhiều bố mẹ đau đầu chuyện tìm trường mầm non khi con mới chỉ 1 tuổi - Ảnh 1.

– Chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng cũng là một trong những cách chọn trường mầm non cho bé mà các bậc phụ huynh nên lưu ý. Trẻ ở độ tuổi này có sự phát triển vô cùng ấn tượng, do đó một chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ chất dinh dưỡng chính là nền tảng vững chắc để bé có sự phát triển cân đối, toàn diện về cả trí não và thể chất sau này.

– Hoạt động ngoại khóa: Bên cạnh những giờ học trong lớp, để đảm bảo sự phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và tinh thần, các bạn nhỏ rất cần được tham gia trải nghiệm thực tế ngoài lớp học.

– Tham khảo cha mẹ khác: Hỏi han và chia sẻ kinh nghiệm cũng như những nhận định về các trường mẫu giáo từ những người xung quanh cũng sẽ giúp cho cha mẹ có cái nhìn bao quát hơn về các trường, từ đó đưa ra sự lựa chọn đúng đắn.

Giai đoạn thơ ấu là thời kỳ quan trọng trong sự phát triển của con

Dù quyết định học trường gì thì có thể thấy hiện nay các phụ huynh có xu hướng quan tâm việc học hành của các bé ngay từ khi con còn nhỏ. Từ giai đoạn trẻ học mầm non, con đã hình thành tính cách, từng bước tạo lập thói quen, cá tính cho chặng đường sau này. 

GS Tâm lý học Agnes Florin France cho biết: “Giai đoạn thơ ấu là thời kỳ quan trọng trong sự phát triển của một cá nhân. Theo UNICEF và WHO, giai đoạn này bắt đầu từ khi chưa sinh đến 7-8 tuổi. Đây là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển thể chất và tâm lý của trẻ. Trong giai đoạn này, sự phát triển não và sự linh hoạt của các tế bào thần kinh là rất quan trọng. Đây cũng là thời kỳ dễ bị tổn thương, những trải nghiệm tiêu cực có thể gây rủi ro hoặc làm chậm sự phát triển của trẻ.

Người lớn, bao gồm cả cha mẹ và các chuyên gia giáo dục, đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển của trẻ nhỏ. Họ phải xây dựng các liên kết đầu tiên của sự gắn bó, chia sẻ cảm xúc và cung cấp sự an toàn tâm lý để đảm bảo rằng trẻ học được các kỹ năng xã hội, nhận thức và ngôn ngữ, và phát triển các kỹ năng khác trong mọi lĩnh vực.

Để tạo ra một mối quan hệ đặc biệt giữa bố mẹ và con cái, cha mẹ cần hiểu và cảm thông với cảm xúc của trẻ, đồng thời giáo dục và hỗ trợ trẻ trong quá trình phát triển. Cha mẹ có thể cần sự hỗ trợ và chỉ dẫn trong quá trình làm cha mẹ, đặc biệt là trong việc đối phó với những thách thức bằng sự đoàn kết với hàng xóm, hỗ trợ từ xa, việc cải thiện giấc ngủ, chế độ ăn uống và hành vi của trẻ.

Cha mẹ cũng cần biết cách đối phó với sự kích động, không khoan dung với sự thất vọng, thiếu chú ý và sự nghiện các thiết bị điện tử. Trong hai mươi lăm năm qua, thời gian ngủ của trẻ đã giảm đi đáng kể, và cha mẹ cần nhớ tầm quan trọng của giấc ngủ để giúp trẻ học tập và đảm bảo chất lượng giấc ngủ của trẻ không bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng màn hình. Nếu không, điều này có thể dẫn đến các vấn đề khó khăn khác như trầm cảm, hiếu động, béo phì và nhiều vấn đề khác.

Ngoài bố mẹ, thầy cô cần làm gì để giúp trẻ phát triển trong giai đoạn mầm non này. Về vấn đề này, bà Agnes Florin France chia sẻ thêm: “Trường mẫu giáo đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ em, đóng góp vào việc giáo dục và rèn luyện kỹ năng xã hội cho trẻ, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch ảnh hưởng tới khoảng 1,5 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên (theo Unicef). Tuy nhiên, việc đóng cửa trường học và chuyển sang học tập trực tuyến đã tác động mạnh mẽ đến quá trình học tập của trẻ em, đặc biệt là ở những quốc gia có thu nhập thấp, khi chỉ có 30% trong số đó có thể tiếp cận được các phương pháp học tập trực tuyến. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc truy cập vào các công cụ kỹ thuật số và thiếu kỹ năng kỹ thuật số. Hơn nữa, những yếu tố khác cũng góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng, như nghèo đói, gia đình đơn thân và cha mẹ trẻ tuổi.

Vì vậy, việc xây dựng mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh có chất lượng tốt là rất quan trọng đối với việc phát triển học tập, đặc biệt là trong việc giúp trẻ em phát triển các kỹ năng tâm lý xã hội hoặc học tập cảm xúc xã hội (SEL). SEL là một phần của chương trình giảng dạy ở nhiều quốc gia và được xác nhận bởi một số phân tích tổng hợp. Ngoài ra, việc cung cấp không gian chơi cho trẻ cũng là rất cần thiết, giáo viên cần đáp ứng nhu cầu của trẻ bằng cách cung cấp nhiều loại trò chơi khác nhau như trò chơi chuyển động thể chất, trò chơi thao tác, trò chơi nhập vai và trò chơi có luật lệ. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện cho trẻ được tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật như vẽ, sách và ngôn ngữ của sách sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng đọc và viết đa dạng hơn hàng ngày, và sẽ tạo điều kiện cho việc học đọc và viết”.

Như vậy có thể thấy, giai đoạn mầm non rất quan trọng, bố mẹ cần đồng hành với trẻ, giúp con tìm ra môi trường phù hợp và phát huy khả năng của mình. 

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog