Trầm cảm trước sinh là chứng trầm cảm mà phụ nữ có thể gặp phải trong thời kỳ mang thai. Nguyên nhân có thể là do thay đổi nội tiết tố, di truyền và các yếu tố môi trường… Điều trị có thể giúp giảm các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng khi mang thai.
Trầm cảm trước sinh khá phổ biến, có thể xảy ra ở 7 – 20% trường hợp trong mỗi ba tháng của thai kỳ. Trầm cảm trước khi sinh có thể ảnh hưởng đến 15 – 65% ở thai phụ trên khắp thế giới.
1. Dấu hiệu và triệu chứng
Các triệu chứng trầm cảm trước khi sinh có thể xuất hiện từ từ theo thời gian hoặc xảy ra đột ngột. Các triệu chứng trầm cảm bao gồm buồn chán kéo dài, lo lắng, mệt mỏi, cáu giận, hay khóc, muốn ở một mình, thay đổi thói quen ngủ và ăn uống, mất hứng thú với tình dục, có cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, có ý nghĩ tự làm hại bản thân hoặc tự tử. Trong những trường hợp nghiêm trọng, có ý nghĩ làm hại bản thân hoặc thai nhi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể gặp tất cả các triệu chứng này.
Cũng cần lưu ý rằng một số triệu chứng, chẳng hạn như giảm ham muốn tình dục và cảm thấy dễ xúc động hơn bình thường, có thể là những dấu hiệu bình thường của thai kỳ.
2. Điều trị và ngăn ngừa trầm cảm trước khi sinh
Chứng trầm cảm trước khi sinh nếu không được điều trị, có thể góp phần làm tăng nguy cơ như trẻ cân nặng thấp, hạn chế tăng trưởng trong tử cung, trong đó thai nhi không phát triển đến kích thước mong đợi trong thai kỳ.
Ngoài ra còn có nguy cơ sinh non, biến chứng thai kỳ, các hành vi có thể gây hại khi mang thai, chẳng hạn như lạm dụng các chất kích thích hoặc không tuân theo các hướng dẫn chăm sóc sức khỏe. Trong hầu hết các trường hợp, điều trị thích hợp có thể giúp giảm các triệu chứng trầm cảm và giúp mọi người cảm thấy tốt hơn.
Điều trị trầm cảm trước khi sinh càng sớm càng tốt là rất quan trọng để giúp ngăn ngừa bất kỳ biến chứng sức khỏe nào cho phụ nữ mang thai hoặc thai nhi.
Nếu đã từng bị trầm cảm hoặc lo lắng hoặc có tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn tâm trạng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý trị liệu về các dấu hiệu của trầm cảm.
Các bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý điều trị chứng trầm cảm trước khi sinh bằng các phương pháp trị liệu tâm lý, trị liệu hành vi nhận thức theo hướng ích cực hoặc cho uống thuốc điều trị trầm cảm trong trường hợp cần thiết. Đối với hầu hết mọi người, các triệu chứng trầm cảm trước khi sinh trở nên tốt hơn khi được điều trị. Thuốc men và thay đổi lối sống có thể cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, có thể cần kết hợp thuốc và liệu pháp để các triệu chứng được cải thiện.
Nếu không được điều trị, trầm cảm có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Trầm cảm trước khi sinh có thể khiến khó chăm sóc bản thân đúng cách khi mang thai. Thai phụ sẽ đưa ra những lựa chọn không tốt, chẳng hạn như uống rượu, hút thuốc hoặc không tập thể dục. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, những người bị trầm cảm trước khi sinh có thể gây hại cho chính họ hoặc con của họ. Điều cần thiết là phải được giúp đỡ ngay lập tức nếu người phụ nữ có dấu hiệu trầm cảm khi mang thai.
3. Phòng tránh trầm cảm trước sinh
Để phòng tránh trầm cảm trước sinh, phụ nữ trước khi mang thai cần tìm hiểu về thai sản, có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt, tập luyện khoa học, luôn suy nghĩ tích cực, biết kiểm soát tốt cảm xúc, duy trì chất lượng giấc ngủ,…
Ngoài ra, khi mang thai cần dành thời gian để nghỉ ngơi, kết nối với người thân, bạn bè để ngăn ngừa rối loạn cảm xúc, tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ có thể giúp sản sinh nhiều hormone hạnh phúc. Luôn chia sẻ với chồng và người chồng cần luôn quan tâm đến vợ để mẹ bầu luôn yên tâm, không cảm thấy bị bỏ rơi trong suốt thai kỳ giúp ngăn chặn sớm nguy cơ trầm cảm của người vợ trong quá trình mang thai và sau sinh con.
Bà bầu viêm phổi nặng và thai nhi 34 tuần tuổi được cứu sống I SKĐS
BS. Nguyễn Tuấn Anh