Những lưu ý cho thí sinh trúng tuyển sớm
Nhiều trường đại học trên cả nước bắt đầu công bố điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) đối với các phương thức xét tuyển sớm. Tuy nhiên, với việc thay đổi về kỹ thuật xét tuyển từ Bộ GD-ĐT, những thí sinh trúng tuyển sớm cần hết sức thận trọng và theo dõi kỹ hướng dẫn, lưu ý từ các trường mình đã trúng tuyển.
- Đại học Bách khoa TP.HCM công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm
- Điểm chuẩn xét tuyển sớm Học viện Ngoại giao cao nhất 29 điểm
- Điểm chuẩn xét tuyển sớm Đại học Ngoại Thương cao nhất 30,5
Sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) trong giờ học thực hành
Đồng loạt công bố điểm chuẩn
Đến nay, các trường thành viên của Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM đã công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm. Với phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh giỏi, tài năng của ĐH Quốc gia TPHCM (phương thức 1b), Trường ĐH Kinh tế – Luật nhận được 159 hồ sơ từ 159 trường THPT. Ngành có điểm chuẩn cao nhất theo phương thức này là Toán Kinh tế với 28,6 điểm (thang điểm 30).
Đối với phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TPHCM (149 trường THPT trên cả nước), có 4.242 hồ sơ đăng ký xét tuyển với điểm chuẩn từ 80 điểm trở lên (thang điểm 90). Những ngành được nhiều thí sinh đăng ký nhất, có điểm chuẩn cao nhất là: Kinh doanh quốc tế, Kinh tế quốc tế, Thương mại điện tử và Digital Marketing – ngành tuyển sinh mới nhất năm nay.
Trường ĐH Quốc tế có điểm chuẩn vào các ngành theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực dao động từ 600-870 điểm (ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có điểm chuẩn cao nhất). Những ngành còn lại có số điểm chuẩn cao là: Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu và Công nghệ thông tin (điểm chuẩn 850 điểm), ngành Ngôn ngữ Anh (điểm chuẩn 835) và ngành Quản trị kinh doanh (điểm chuẩn 810). Với phương thức xét tuyển học sinh giỏi các trường THPT, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, ngành Ngôn ngữ Anh có điểm chuẩn cao nhất là 28 điểm…
Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế TPHCM có mặt bằng điểm chuẩn tăng so với năm 2022. Các chương trình đào tạo mới, gắn liền công nghệ đều có lượng hồ sơ đăng ký đông. Điểm chuẩn của 51 chương trình đào tạo tuyển sinh tại cơ sở TPHCM dao động từ 47-77 điểm đối với phương thức xét tuyển học sinh giỏi và từ 800-985 đối với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực.
Còn Trường ĐH Luật TPHCM có điểm theo phương thức xét tuyển điểm học bạ THPT và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế từ 22 đến 28 điểm; với phương thức xét tuyển học bạ THPT, điểm chuẩn các ngành từ 24,5-28 điểm; xét điểm trung bình 5 học kỳ của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển có điểm chuẩn là 24,5 điểm cho tất cả các ngành…
Thí sinh cần chú ý các mốc thời gian
Theo ThS Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sẽ được các trường cập nhật lên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT. Thí sinh trúng tuyển phải theo dõi thông báo hướng dẫn của các trường (được gửi qua tin nhắn SMS theo số điện thoại thí sinh đã đăng ký trong hồ sơ xét tuyển), thực hiện đăng ký và sắp xếp nguyện vọng đúng theo quy chế tuyển sinh của bộ để được công nhận trúng tuyển chính thức.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, lưu ý: Tất cả các thí sinh dù trúng tuyển nhiều phương thức khác nhau cũng đều phải khai báo thông tin, điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, trong thời gian từ ngày 10 đến 17 giờ ngày 30-7.
Đối với thí sinh tự do (tốt nghiệp từ năm 2022 trở về trước), cần về các sở GD-ĐT để được cấp tài khoản đăng nhập vào hệ thống của bộ (từ ngày 15-6 đến ngày 20-7). Thí sinh có thể đăng ký thêm các nguyện vọng bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT trong thời gian này.
Tiếp đến là thí sinh tiến hành nộp lệ phí xét tuyển từ 31-7 đến ngày 6-8. Ngày 22-8, các cơ sở đào tạo sẽ thông báo trúng tuyển chính thức. Sau đó, các thí sinh trúng tuyển vào các trường đều phải xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT và tiến hành làm thủ tục nhập học tại các trường trước ngày 6-9.