Những lưu ý khi chăm sóc bà mẹ sau sinh

9 mins read
Những lưu ý khi chăm sóc bà mẹ sau sinh

Vai trò của chăm sóc bà mẹ sau sinh

Theo kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Y tế, mặc dù trẻ sơ sinh ở Việt Nam có cơ hội sống sót tốt hơn bao giờ hết, phần lớn các trường hợp tử vong dưới 5 tuổi vẫn xảy ra trong năm đầu đời (82%) và tháng đầu tiên (61%). Vì giai đoạn mang thai và sinh nở là một cơ hội quan trọng để ngăn chặn và kiểm soát những biến chứng của bà mẹ và trẻ sơ sinh, việc chăm sóc đúng cách mẹ và bé là vô cùng quan trọng.

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, chăm sóc bà mẹ sau sinh đúng cách là giúp đỡ bà mẹ đặt trẻ da kề da với mẹ trong vòng 90 phút đầu sau sinh và cho trẻ bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Sau khi sinh, bà mẹ cần được nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Trong ngày đầu, cần vệ sinh sạch sẽ vùng sinh dục, thay băng vệ sinh và theo dõi phát hiện dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ sau sinh. Nếu có bất cứ dấu hiệu nào thì báo ngay cho cán bộ y tế hoặc đưa ngay bà mẹ đến cơ sở y tế.

Những lưu ý khi chăm sóc bà mẹ sau sinh - Ảnh 2.

Sau sinh, bà mẹ cần được chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng đúng cách.

Đưa ngay bà mẹ sau sinh đến cơ sở y tế khi thấy có dấu hiệu nguy hiểm để được cứu chữa kịp thời. Đừng vì sợ dịch bệnh mà chậm đưa bà mẹ đến cơ sở y tế vì có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Trong thời kỳ thời kỳ sau sinh (42 ngày, tương đương 6 tuần sau sinh), bà mẹ cần được nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, ăn uống theo chế độ dinh dưỡng hợp lý (đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột, chấtđạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), uống đủ nước, uống viên sắt, vitamin A theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Ngay khi kết thúc thời kỳ sau sinh, nếu đã có quan hệ tình dục trở lại, bà mẹ và người chồng cần áp dụng biện pháp tránh thai thích hợp để phòng mang thai ngoài ý muốn. Người chồng và gia đình cần quan tâm chăm sóc bà mẹ sau sinh, động viên tinh thần, làm bớt công việc để bà mẹ phục hồi sức khỏe và đủ sữa cho con bú.

Ngày đầu tiên sau sinh, bà mẹ mệt và cũng rất dễ xảy ra tai biến. Vì vậy, cần được chăm sóc đặc biệt. Các việc cần làm là để bà mẹ nằm nơi yên tĩnh nghỉ ngơi hoặc ngủ để lấy lại sức. Có thể xoa nhẹ vùng bụng dưới để tử cung co tốt, giúp tránh chảy máu. Cho trẻ bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Trẻ bú sớm sẽ kích thích tử cung co hồi tránh chảy máu, giúp sớm tiết sữa, đồng thời mẹ cho trẻ bú có tác dụng giữ ấm cho trẻ, giúp trẻ tránh bị giảm thân nhiệt, trẻđược bú sữa non do đó giảm nguy cơ viêm đường hô hấp trên ở trẻ sau này. Cho trẻ bú mẹ làm tăng thêm tình cảm mẹ con. Bà mẹ cần được chăm sóc tại cơ sở y tế ít nhất 24 giờ sau sinh.

Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý

Bà mẹ nên ăn các thức ăn mềm, đủ chất dinh dưỡng để lấy lại sức và có sữa cho con bú. Theo dõi sản dịch để sớm phát hiện chảy máu sau sinh, nếu thấy ra máu đỏ tươi hoặc có máu cục cần báo ngay cho cán bộ y tế hoặc đưa ngay đến cơ sở y tế.

Thời kỳ sau sinh là giai đoạn 42 ngày sau sinh, tương đương 6 tuần. Lúc này, bà mẹ sau sinh cần ăn uống đầy đủ, ăn nhiều loại thức ăn, uống đủ nước, khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày, tiếp tục uống viên sắt đến hết tháng đầu sau sinh. Uống 1 viên Vitamin A 200.000 đơn vị theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Vệ sinh vùng kín ít nhất 3 lần mỗi ngày khi còn sản dịch,thay băng vệ sinh (khố). Tắm nhanh bằng nước ấm, trong phòng kín gió. Không sử dụng bất cứ loại thuốc nào khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế. Ngủ đủ giấc, ít nhất 8 giờ một ngày. Nghỉ ngơi ít nhất 6 tuần sau sinh.

Bà mẹ sau sinh và người thân cần theo dõi và phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ sau sinh. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào thì cần báo ngay cho cán bộ y tế hoặc đưa ngay đến cơ sở y tế.

Các dấu hiệu nguy hiểm trong thời kỳ sau sinh bao gồm: Ra máu tăng dần hoặc có máu cục; Sốt; Đau bụng âm ỉ kéo dài hoặc dịch chảy ra từ cửa mình có mùi hôi; Phù mặt, chân, tay hoặc nhìn mờ, đau đầu nhiều; Ngất hoặc co giật.

Bà mẹ sau sinh và gia đình cần theo dõi và phát hiện các rối loạn cảm xúc như mất ngủ, lo lắng, mệt mỏi, buồn chán… Đó có thể là những biểu hiện của bệnh lý trầm cảm sau sinh. Nếu có những dấu hiệu này thì bà mẹ cần chia sẻ với chồng người thân trong gia đình và xin ý kiến của cán bộ y tế.

Không sinh hoạt tình dục trong 42 ngày đầu (6 tuần) sau sinh. Bà mẹ có thể có thai ngay sau khi kết thúc thời kỳ sau sinh. Nếu có thai sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của bà mẹ, trẻ sơ sinh và của cả thai nhi. Vì vậy, nếu có quan hệ tình dục trở lại, bà mẹ và người chồng cần tham vấn cán bộ y tế để lựa chọn và áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp. Có nhiều biện pháp tránh thai phù hợp cho bà mẹ sau sinh như dụng cụ tử cung, bao cao su, viên uống tránh thai dành cho bà mẹ đang cho con bú, thuốc tiêm hoặc thuốc cấy tránh thai… Nếu có thai ngoài ý muốn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và lựa chọn giải pháp phù hợp.

Người chồng và gia đình chăm sóc, giúp đỡ bà mẹ sau sinh bằng cách hỗ trợ bà mẹ cho con bú ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh và cho trẻ bú mẹ hoàn toàn cả ngày lẫn đêm. Giúp đỡ bà mẹ giảm cương tức vú bằng cách xoa nhẹ làm mềm, tư vấn cán bộ y tế để được giúp đỡ. Hỗ trợ bà mẹ khi gặp khó khăn trong việc cho con bú, tư vấn cán bộ y tế để được giúp đỡ. Chuẩn bị thức ăn giàu dinh dưỡng, ấm nóng cho bà mẹ để tăng tiết sữa. Nhắc bà mẹ uống viên sắt – axít folic đều đặn hàng ngày. Biết các dấu hiệu nguy hiểm của bà mẹ sau sinh để đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Động viên tinh thần, giúp cho bà mẹ thoải mái về tâm lý, phục hồi sức khỏe và yên tâm chăm sóc trẻ sơ sinh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Xót Xa Cô Bé Mất Cả Gia Đình Sau Vụ Cháy, Hiểu Chuyện Đến Đau Lòng: “Ông Bà Ơi Còn Có Con Nữa” |SKĐS

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog