Mới đây, đoạn video quay lại một tình huống ở thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội nước này. Tại một quảng trường gần một trường tiểu học, có một nữ sinh mặc đồ thú bông ếch màu xanh lá cây để kiếm tiền làm thêm. Cô gái này bán bóng bay và đứng nhún nhảy trên quảng trường. Đúng lúc này, có một nhóm bé trai đi đến. Nhưng thay vì mua đồ hay chơi đùa với chú ếch, các cậu bé đã hung hăng giật bóng bay trên tay nữ sinh xuống.
Nữ sinh mặc đồ thú và đi bán bóng bay kiếm thêm thu nhập
Chưa hết, cô còn bị một cậu bé có vóc dáng khá cao lớn dùng gậy gỗ đánh mạnh vào người liên tục, còn đám còn lại trong nhóm thì cổ vũ và cười đùa. Dù bị bắt nạt nhưng cô gái không thể kháng cự vì đang mang bộ đồ cồng kềnh.
Sau một thời gian bị đánh và trêu chọc vô cớ, cô phải chạy ra bồn hoa gần đó ngồi khóc và trấn tĩnh lại. Còn nhóm trẻ em thì cười cợt và tiếp tục chơi đùa với nhau. Dù có nhiều người chứng kiến xung quanh nhưng không ai ngăn cản lũ trẻ.
Cô gái bị nhóm học sinh tiểu học bắt nạt vô cớ
Theo một cư dân mạng, nhóm học sinh này đều là học sinh tiểu học của ngôi trường gần đó. Trên người các em vẫn đang mặc đồng phục học sinh, có vẻ như vừa tan học không lâu.
Điều đáng phẫn nộ là người quay đoạn clip tung lên mạng chính là phụ huynh của một em trong nhóm học sinh. Người này quay clip cảnh đùa giỡn của con với bạn và không cảm thấy có vấn đề gì với hành động hung hăng của chúng. Nhân vật này cho biết con của mình không có lỗi, đây đơn giản là đùa vui và không có ý xấu nào. Thậm chí trong phim hoạt hình, ếch thường là nhân vật phản diện nên khi thấy trẻ con tấn công cũng là chuyện dễ hiểu.
Câu chuyện này đã khiến nhiều người bất bình. Một phụ huynh bình luận: “Nếu đây là con tôi, tôi phải bắt nó xin lỗi rồi bồi thường cho cô gái và về nhà nó sẽ bị phạt nghiêm khắc”.
Hầu hết trẻ con đều là những tờ giấy trắng, ngây thơ và tốt bụng nhưng cũng rất dễ bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia nghiên cứu về giáo dục mầm non, nhà trường lẫn gia đình cần cung cấp sự giáo dục và hướng dẫn đúng đắn cho học sinh để các em có thể thiết lập tư tưởng đúng đắn ngay từ đầu. Thế nhưng hiện nay có không ít các bậc phụ huynh luôn bảo vệ con mình và có quan điểm “trẻ con đâu biết gì” như trường hợp kể trên.
Nguồn: Sohu