Rối loạn ăn uống ở trẻ em và thông tin cần biết

14 mins read
Rối loạn ăn uống ở trẻ em và thông tin cần biết

Rối loạn ăn uống ở trẻ em là mối quan tâm lớn của nhiều gia đình với việc kén ăn, bỏ bữa, ăn uống không kiểm soát dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn về sức khỏe. Do đó, nhận diện và hiểu đúng về rối loạn này là điều cần thiết để giúp trẻ duy trì một thói quen ăn uống lành mạnh.

Rối loạn ăn uống ở trẻ em là gì?

Rối loạn ăn uống ở trẻ em là tình trạng các em gặp khó khăn về thói quen và khẩu vị ăn uống liên quan đến cảm xúc, tâm lý hơn là do thức ăn. Trẻ có thể không kiểm soát được việc ăn uống, khó dừng lại ngay cả khi đã no hoặc cảm thấy cơ thể khó chịu.

phân tích rối loạn ăn uống ở trẻ em
Tình trạng trẻ em mắc rối loạn ăn uống ngày càng trở nên phổ biến

Tình trạng này phổ biến hơn ở trẻ vị thành niên, nhưng số liệu gần đây cho thấy tỷ lệ trẻ dưới 12 tuổi mắc bệnh cũng đang gia tăng đáng kể. Đây là vấn đề không thể xem nhẹ vì nó có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển về thể chất và trí tuệ của bé.

Trong xã hội hiện đại, trẻ em đang phải đối mặt với áp lực lớn về cân nặng và hình thể do những ý kiến trái chiều về chế độ ăn uống cũng như luyện tập. Nghiên cứu cho thấy, nhiều trẻ em tiểu học ở Úc muốn giảm cân và 80% bé gái 10 tuổi ở Mỹ bắt đầu kiêng ăn, tập luyện để kiểm soát cân nặng. Những hành vi và thái độ này có thể xuất phát từ việc bị trêu chọc, bắt nạt, lạm dụng hoặc trầm cảm.

Các hình thức rối loạn ăn uống ở trẻ em cần nắm bắt

Rối loạn ăn uống ở trẻ em thường được phân loại thành 2 hình thức chính, bao gồm chứng biếng ăn và chứng cuồng ăn, mỗi loại đều có những đặc điểm và ảnh hưởng riêng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

1. Chứng biếng ăn

Chứng biếng ăn xảy ra là khi trẻ ăn rất ít, dẫn đến thiếu hụt cân nặng và suy dinh dưỡng trầm trọng. Nhiều trẻ vì sợ tăng cân nên đã cố ép bản thân nhịn ăn quá mức, dẫn tới hậu quả thiếu dinh dưỡng, cơ thể gầy yếu và sức khỏe tổng thể bị suy giảm.

Nếu chứng biếng ăn kéo dài mà không có biện pháp khắc phục, bé có thể gặp nhiều vấn đề sức khỏe như dễ bị tụt huyết áp, nhịp tim không ổn định, thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt và thậm chí ngất xỉu. Ngoài ra, biếng ăn còn gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, tiêu hóa và dẫn đến dậy thì muộn. Lúc này tâm lý trẻ cũng bị ảnh hưởng nặng nề, dễ lo lắng, sợ hãi về cân nặng và có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân.

các loại rối loạn ăn uống ở trẻ em
Trẻ mắc phải chứng biếng ăn dẫn đến suy dinh dưỡng trầm trọng

2. Chứng cuồng ăn

Trái ngược với biếng ăn, chứng cuồng ăn khiến trẻ ăn quá nhiều và mất kiểm soát. Trẻ thường ăn nhiều đồ ăn nhanh, ăn cả khi không đói và không thể dừng lại dù đã no và còn tự gây nôn để tiếp tục ăn.

Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần khi trẻ mắc chứng cuồng ăn dễ tăng cân quá mức, dẫn đến thừa cân và béo phì. Nhịp tim của trẻ không ổn định, dễ mệt mỏi, ngất xỉu, có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về tiêu hóa như buồn nôn, nôn ra máu. Đồng thời, gặp các vấn đề về răng miệng như sâu răng, viêm tuyến nước bọt. Chứng cuồng ăn cũng ảnh hưởng đến gan và tăng nồng độ cholesterol trong máu. Về tâm lý, trẻ dễ bị lo lắng, trầm cảm, khó kiểm soát cảm xúc và dễ trở nên tức giận.

Nguyên nhân gây rối loạn ăn uống ở trẻ em

Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn ăn uống ở trẻ em vẫn chưa được xác định một cách cụ thể, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố tiềm ẩn cho căn bệnh này:

  • Áp lực về ngoại hình: Trẻ em, đặc biệt là ở độ tuổi dậy thì, thường đề cao vấn đề về cân nặng và ngoại hình. Việc bị ảnh hưởng bởi các hình mẫu lý tưởng trong xã hội khiến trẻ muốn điều chỉnh chế độ ăn để có cơ thể lý tưởng.
  • Vấn đề về tâm lý: Trẻ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, tăng động giảm chú ý có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn ăn uống.
  • Di truyền: Khi trong gia đình có người từng mắc rối loạn ăn uống hoặc rối loạn tâm lý, trẻ có nguy cơ cao hơn phát triển chứng rối loạn này do yếu tố di truyền.
  • Yếu tố môi trường và xã hội: Chuẩn mực cái đẹp của xã hội, áp lực từ bạn bè và quảng cáo về các loại thực phẩm, đồ uống có thể ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi ăn uống của trẻ.
  • Hoạt động thể thao đòi hỏi cân nặng: Trẻ tham gia các bộ môn thể thao yêu cầu vóc dáng và cân nặng như múa ba lê, thể dục dụng cụ, trượt băng, đấu vật thường phải duy trì chế độ ăn uống nghiêm ngặt, dễ dẫn đến rối loạn ăn uống.
nguyên nhân rối loạn ăn uống ở trẻ em
Các vấn đề sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến cách trẻ ăn uống

Làm thế nào để xử lý rối loạn ăn uống ở trẻ em?

Đối với các trường hợp rối loạn ăn uống ở trẻ em, quá trình điều trị tốt nhất cần có sự kết hợp giữa bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và nhà trị liệu tâm lý.

1. Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để điều trị rối loạn ăn uống ở trẻ em. Thông qua cách này, trẻ có thể dần thay đổi suy nghĩ và thói quen ăn uống chưa lành mạnh. Các chuyên gia tâm lý sẽ hỗ trợ trẻ ổn định cảm xúc, cải thiện nhận thức và hành vi liên quan đến vấn đề cân nặng.

Thông thường, các liệu pháp như liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), liệu pháp tương tác cá nhân (IPT) và liệu pháp gia đình được ưu tiên áp dụng để trẻ và gia đình hiểu rõ nguyên nhân của rối loạn ăn uống, từ đó phát triển các chiến lược để vượt qua.

2. Can thiệp dinh dưỡng

Chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp xây dựng một chế độ ăn uống cân đối, đảm bảo trẻ nhận đủ dưỡng chất cần thiết cho quá trình phát triển. Đối với trẻ có xu hướng ăn quá nhiều, việc kiểm soát lượng thức ăn và giới hạn các thực phẩm không lành mạnh là rất quan trọng.

Ngược lại, với trẻ biếng ăn, cần tạo ra không gian ăn uống thoải mái và khuyến khích trẻ ăn đủ một lượng cần thiết hàng ngày. Can thiệp dinh dưỡng không chỉ giúp cải thiện tình trạng rối loạn ăn uống mà còn đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ.

3. Sử dụng thuốc

Trong một số trường hợp, các loại thuốc chống trầm cảm và chống lo âu có thể được sử dụng để giảm bớt các triệu chứng lo lắng, buồn phiền và bất an ở trẻ nhỏ. Điều này giúp trẻ dễ tuân thủ các phương pháp điều trị khác như trị liệu tâm lý và can thiệp dinh dưỡng.

Thuốc tăng cường sự thèm ăn, thuốc ức chế sự thèm ăn cũng có thể được sử dụng tùy theo tình trạng cụ thể của trẻ. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Đồng thời việc kết hợp giữa thuốc và các phương pháp trị liệu khác sẽ mang lại kết quả tốt hơn trong quá trình điều trị rối loạn ăn uống ở trẻ em.

cách khắc phục rối loạn ăn uống ở trẻ em
Thuốc có thể được dùng để điều trị rối loạn ăn uống ở trẻ em

4. Điều trị y tế

Đối với những trường hợp rối loạn ăn uống nghiêm trọng, can thiệp y tế cần được cân nhắc đầu tiên. Trẻ sẽ cần được theo dõi sức khỏe tổng quát bao gồm nhịp tim, huyết áp và cân nặng để đảm bảo rằng không có biến chứng nguy hiểm xảy ra. Quan trọng hơn cả là điều trị các vấn đề y tế liên quan như mất cân bằng điện giải, suy dinh dưỡng và rối loạn tiêu hóa.

Trong một số trường hợp khác, trẻ cần được nhập viện để thuận tiện cho việc theo dõi và điều trị. Tại bệnh viện, các bé sẽ nhận được sự chăm sóc y tế toàn diện từ các chuyên gia bao gồm bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và nhà trị liệu tâm lý. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia sẽ giúp trẻ nhanh chóng phục hồi và phát triển một cách lành mạnh.

Giải pháp ngăn ngừa rối loạn ăn uống ở trẻ em

Rối loạn ăn uống ở trẻ em không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý và sự phát triển toàn diện của trẻ. Để phòng ngừa tình trạng này, cha mẹ cần hiểu rõ và áp dụng những biện pháp hỗ trợ đơn giản và thiết thực sau đây:

giải pháp vượt qua rối loạn ăn uống ở trẻ em
Trẻ cần được hướng dẫn tuân thủ lịch trình và chế độ ăn uống cân bằng
  • Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất hàng ngày như đá bóng, tập thể dục, chạy bộ, bơi lội,… để tăng cường sức khỏe và duy trì cân nặng ổn định
  • Trao đổi với giáo viên và nhà trường để tạo ra môi trường học tập không có áp lực về ngoại hình và cân nặng
  • Tránh sử dụng thức ăn để thưởng hay trừng phạt trẻ để con có cái nhìn tích cực với thực phẩm
  • Xây dựng và tuân thủ lịch trình cho các bữa ăn trong ngày như ăn đủ 3 bữa, ăn nhẹ để trẻ điều chỉnh thói quen ăn uống
  • Thực hành ăn uống có nhận thức bằng cách giải thích cho trẻ biết lợi ích của các món ăn và vì sao chúng quan trọng cho sức khỏe
  • Dành thời gian nói chuyện và lắng nghe để trẻ cởi mở cũng như chia sẻ những vấn đề mà bản thân đang gặp phải
  • Dạy trẻ biết cách yêu thương và tự tin vào chính mình, không đánh giá bản thân hay người khác qua ngoại hình
  • Hướng dẫn trẻ thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng như thở sâu, thiền và yoga để thư giãn cũng như giảm áp lực

Rối loạn ăn uống ở trẻ em là vấn đề không thể xem nhẹ. Vậy nên, việc nhận diện và xử lý kịp thời sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và tự tin hơn trong cuộc sống. Cha mẹ và người chăm sóc cần tạo điều kiện tốt nhất để trẻ xây dựng những thói quen ăn uống lành mạnh và cân bằng.

Có thể bạn quan tâm:

  • Rối loạn hành vi ở trẻ em: Biểu hiện và Cách can thiệp
  • Trẻ bị rối loạn xử lý các cảm giác: Dấu hiệu và cách khắc phục
  • Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ: Nguyên nhân, Biểu hiện, Cách khắc phục

Latest from Blog