Một phụ huynh ở Trung Quốc mới đây chia sẻ câu chuyện gây chú ý:
“Trưa hôm qua, khi tôi đến tiệm giày mua đồ thì gặp phải cảnh tượng này: Một người mẹ đưa con gái vừa tan học đến cửa hàng thử giày. Nữ sinh khập khiễng bước vào, vừa cởi giày ra đã thấy bàn chân đỏ bừng. Nhân viên bán hàng xót xa hỏi: “Ồ, chân sưng quá, sao còn đi đôi giày nhỏ thế này hả em?”. Cô bé trả lời: “Mẹ bảo em mang”.
Ngay lúc mọi người đang bối rối thì người mẹ vội vàng giải thích: “Tuần trước tôi mới mua hai đôi giày mới, nhưng nó nhất định không mang. Đôi giày mới to hơn chân con bé 2 cỡ, rõ ràng rất thoải mái nhưng vẫn nhất quyết đi đôi giày nhỏ đó, không chịu nghe khuyên bảo gì, tôi phải làm sao đây?”.
Khi đang nói chuyện, người mẹ nhìn thấy một đôi giày thể thao màu trắng mà con gái đã chọn liền lớn tiếng chỉ trích: “Sao lại mua giày trắng như vậy? Đánh răng còn lười, giày bẩn cũng không biết giặt. Chẳng phải con đang tìm phiền phức cho mẹ sao? Không được mua”.
Sau đó, bà chỉ vào một đôi giày màu đen trên giá và nói: “Con cầm lấy và thử đi”. Cô con gái không cam lòng, bĩu môi: “Con không muốn, vậy thì quên đi, con sẽ không mua”. Nói xong, bé vẫn tiếp tục đi đôi giày cỡ nhỏ quá chật so với chân.
Nhìn thấy cảnh này, người phụ nữ tức giận: “Con cố tình làm vậy? Con nhất định phải làm cho người ta nghĩ rằng mẹ thậm chí còn không mua nổi một đôi giày cho con đúng không?”. Cô bé kia thì cứ lê đôi chân khập khiễng rồi bỏ đi một mình, người mẹ vẫn hét từ phía sau: “Tính cách bướng bỉnh như vậy, về sau không thể mong con hiếu thảo. Thà lúc trước không đẻ ra còn tốt hơn”.
Câu chuyện của hai mẹ con khiến nhiều người nhận ra tầm quan trọng của việc giao tiếp. Có thể chúng ta luôn phàn nàn rằng con mình ngốc nghếch, không biết ơn, thực ra việc trẻ có biết biết ơn hay không có liên quan trực tiếp đến cách cha mẹ đối xử. Đặc biệt là những đứa trẻ lớn lên thờ ơ với cha mẹ về mặt tình cảm thường phải chịu đựng một số trải nghiệm không mấy tốt đẹp khi còn nhỏ.
Ví dụ, trẻ lớn lên trong môi trường sau có thể khi lớn lên sẽ không biết lòng biết ơn là gì:
01. Khi trẻ đưa ra quyết định, cha mẹ luôn thích can thiệp quá nhiều
Nghiên cứu về tâm lý thanh thiếu niên cho thấy: “Nếu cha mẹ không chịu buông tay sớm, con cái sẽ không thể đạt được hạnh phúc thực sự và sau này chúng sẽ tiếp tục chối bỏ bản thân vì lòng tự trọng thấp”.
Khi giáo dục con cái, một số cha mẹ luôn thích coi con như phần đính kèm của mình, can thiệp mọi lĩnh vực để mong con xuất sắc. Tuy nhiên, trẻ là một cá thể hoàn toàn độc lập, khi còn nhỏ, ý thức về bản thân của trẻ chưa mạnh mẽ, dù cha mẹ có nói gì thì trẻ vẫn có thể nghe và làm theo. Nhưng sau khi con cái lớn lên, nếu cha mẹ tiếp tục hạn chế, kiểm soát thì mọi giận dữ tích tụ trong đứa trẻ cuối cùng sẽ lần lượt quay trở lại. Khi đó, người hứng chịu hậu quả sẽ là cha mẹ.
02. Khi một đứa trẻ cần tình yêu, cha mẹ không ở bên cạnh
Con cái có biết ơn hay không phụ thuộc phần lớn vào việc cha mẹ có đồng hành cùng con đồng hành hay không. Nhiều bậc cha mẹ luôn nghĩ: Đứa trẻ còn nhỏ, bây giờ cái gì cũng chưa hiểu, mình có thể ra ngoài kiếm tiền, sau đó con vào tiểu học hãy dành thời gian bên con.
Trên thực tế, dù ở giai đoạn nào, vai trò của cha mẹ cũng vô cùng quan trọng. Mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái luôn tồn tại, đồng hành là sợi dây gắn kết tình cảm thiết yếu. Những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm từ nhỏ thường có suy nghĩ chín chắn hơn so với các bạn cùng trang lứa. Lâu dần, trẻ sẽ hình thành tâm lý và suy nghĩ: “Tôi không cần ai cả, dù chỉ có một mình tôi vẫn sống tốt”.
Bề ngoài bé tỏ ra là người độc lập, có năng lực, chuyên nghiệp nhưng thực chất bên trong lại vô cùng bất an. Có thể thấy, những đứa trẻ thiếu tình yêu thương từ nhỏ sẽ có mối quan hệ thờ ơ với cha mẹ khi lớn lên, đó cũng là một kết quả tất yếu.
Suy cho cùng, tình yêu thương của cha mẹ sẽ mang lại một nền tảng ấm áp cho cuộc sống của con cái, để chúng lớn lên đầy tự tin và mạnh mẽ. Do đó hãy dành thời gian cho con trẻ được phát triển và trưởng thành trong vòng tay của cha mẹ.
03. Ép con học mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi con ốm bệnh
Từng có một chủ đề nóng trên mạng xã hội Trung Quốc thu hút sự chú ý: Vào cao điểm mùa lạnh, phòng truyền dịch của bệnh viện chật kín, giữa không gian đông đúc có một vị trí đặc biệt. Cạnh tường có bàn viết, trẻ có thể nằm trên đó và làm bài tập trong khi truyền dịch.
Đã có rất nhiều cuộc thảo luận trong một thời gian. Một số người cho rằng việc để trẻ làm bài tập về nhà trong khi bệnh tật có ích gì? Điều này có thể dễ dàng khiến trẻ mệt mỏi và gây bất lợi cho quá trình phục hồi. Nhưng một số cha mẹ cho rằng nếu không cho con học thì trẻ sẽ chơi điện thoại di động không ngừng nghỉ.
Hàng năm khi mùa lạnh đến, học sinh trong nhiều trường lần lượt bị cảm lạnh. Các bậc phụ huynh cũng lo lắng cho tình trạng của con mình, nhưng đến lúc xin nghỉ phép, họ bắt đầu phân vân “liệu con có bị tụt hậu trong lớp và liệu sau đó có theo kịp việc học hay không…”.
Một bà mẹ cho biết, chị đã cân nhắc vấn đề này khi con gái bị cảm nặng, lúc đó chị đã kìm nén sự lo lắng và thuyết phục con chịu khó đi học. Kết quả là giáo viên đã đăng một thông báo trong nhóm với nội dung:
“Các em không chỉ học kiến thức trong một, hai buổi học. Mỗi buổi sáng trong lớp có vài em nằm trên bàn, khó chịu đến mức không thể nghe cô giảng, không nói chuyện mà chỉ im lặng cố gắng. Chỉ khi khỏe mạnh và trong tình trạng tốt, các em mới có thể thực sự nâng cao hiệu quả học tập của mình”.
Trong thời gian bị bệnh, trẻ ở trạng thái suy nhược, tinh thần cũng vậy, giai đoạn này cần được chăm sóc nhiều hơn bình thường. Là cha mẹ, chúng ta có thể cho phép con mình thỉnh thoảng “lười biếng”, sau đó có thể dạy kèm, ôn tập cùng con. So với thành tích học tập, sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ là ưu tiên hàng đầu, nếu cha mẹ đi sai hướng, con cái đương nhiên sẽ càng ngày càng chán nản.
Tình yêu mà cha mẹ có thể dành cho con cái là ở bên con khi còn nhỏ cần tình yêu thương, khi con lớn lên có thể buông tay và cho con làm những gì mình muốn trong giới hạn cho phép.
Khi con cần, chúng sẽ chủ động yêu cầu giúp đỡ. Khi con có thể tự lập, cha mẹ nên nhường sân khấu cho con tỏa sáng. Hãy là những bậc cha mẹ vỗ tay cho con mình trên khán đài thay vì giành diễn “vai chính” năm này qua năm khác.