Trên thực tế, suy cho cùng, cha mẹ Á Đông thường dành rất nhiều tình cảm cho con, cả đời không nỡ buông tay. Họ luôn sợ con cái sẽ có cuộc sống không tốt, lại càng sợ con không thân thiết, gần gũi với mình tuổi già nên cứ tất bật lo toan.
Tuy nhiên, khi bạn nhìn thế giới với một tâm thế khác, mọi thứ sẽ hiển hiện trong một khung cảnh khác. Chú Lý, 66 tuổi, người Trung Quốc, đã nghỉ hưu được 6 năm và ngày càng trẻ ra trông thấy. Dù không có con cái ở gần bên, ông vẫn hạnh phúc mỗi ngày.
Khi có người hỏi bí quyết, ông chỉ nói rằng: Những năm cuối đời, tôi muốn một lần được sống cho mình nên đã phũ phàng từ chối 3 yêu cầu của con trai. Nhờ vậy, tôi sống an hưởng tuổi già theo đúng mong muốn của bản thân.
01. Từ chối đưa đón cháu đi học tiểu học
”Nhiều người già mong có được khoảng thời gian vui vẻ bên cháu con những năm cuối đời, nhưng tôi khác mọi người. Tôi muốn trở về với cuộc sống một mình sau khi nghỉ hưu”, ông Lý cho biết.
Ban đầu, cháu của ông đến tuổi học mẫu giáo, vợ chồng con trai đều bận công việc nên muốn nhờ ông đưa đón cháu đi học hàng ngày. Ông Lý đồng ý và suốt 3 năm đó, ngày nào ông cũng tận tình đưa đón. Quan hệ của 2 ông cháu rất khăng khít.
Nhưng từ ngày cháu lên tiểu học, ông nói rõ với vợ chồng con trai rằng, từ nay ông sẽ không chịu trách nhiệm việc đưa đón nữa. Thỉnh thoảng, nếu có việc đột xuất nhỡ nhàng, ông có thể giúp đỡ. Nhưng nếu ngày ngày đều làm thì ông không đồng ý.
Thứ nhất, ông già rồi, không lái xe được, ngày nào 2 ông cháu cũng dầm mưa dãi nắng đi bộ hoặc chen chúc xe công cộng, vô cùng mệt. Ngoài ra, những đứa trẻ khác đều được bố mẹ đưa đón, chỉ có mình cháu trai không có, cháu cũng sẽ tủi thân.
Thứ hai, trình độ học vấn của tôi không cao. Cháu trai đã đến tuổi học hỏi mọi thứ xung quanh, nếu cứ theo ông quá nhiều thì rất dễ bị tư tưởng cũ kỹ của ông ảnh hưởng.
Thứ ba, ông thực sự muốn sống nốt nửa đời trong an nhàn. Ông đã làm việc chăm chỉ cả đời, cũng đã giúp đỡ chăm sóc cháu trai trong nhiều năm rồi. Bây giờ, khi đôi vợ chồng đã ổn định công việc, ông muốn nghỉ ngơi nhiều hơn.
Con trai ông Lý nghe xong thì cảm thấy có lý nên đồng ý.
02. Từ chối bán nhà để chuyển đến thành phố
Ông Lý có một ngôi nhà cũ trong làng và một ngôi nhà mới xây ở thị trấn. Cá nhân ông vẫn sống ở trong làng chứ không chuyển sang nhà mới. Nhưng vì ngôi nhà mới gần đường cái, được coi là có mặt tiền dễ kinh doanh, nhiều người liên hệ hỏi mua.
Con trai thấy ông ở quê một mình, sợ ông cô đơn và không có ai chăm sóc nên cứ khuyên ông bán cả 2 ngôi nhà đi. Số tiền đó có thể góp với con trai để mua một căn nhà lớn, có 4 phòng ngủ, trên thành phố. Như vậy, gia đình sẽ sống cùng nhau và có người chăm sóc.
Ông Lý trực tiếp từ chối đề nghị này. Ông chỉ lấy ra 100.000 NDT cho con, giúp con trả một phần tiền đặt cọc để mua căn hộ 3 phòng ngủ trong thành phố.
Hơn ai hết, ông hiểu rằng, tuy con trai là con mình, nhưng ở chung lâu ngày với con dâu thì không ổn. Ông sợ cách biệt thế hệ sẽ dẫn đến việc nảy sinh mâu thuẫn, ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người. Khi đó, con trai sẽ bị kẹt ở giữa, đứng về bên nào cũng không tốt.
Thứ hai, dù ở quê một mình, ông vẫn có nhiều bạn bè và hàng xóm thân thiết. Ngày nào cũng vui vẻ, không tốn nhiều tiền, chẳng hề cô đơn như các con lo nghĩ.
03. Từ chối đi thêm bước nữa
Từ khi về hưu, ông nhận thấy con trai có ý định giúp ông đi thêm bước nữa. Ý định này ngày càng mạnh mẽ sau khi ông từ chối lên thành phố ở cùng các con. Lúc nào họ cũng sợ ông cô đơn, không có ai chăm sóc nếu xảy ra chuyện.
Tuy nhiên, ông Lý thẳng thừng từ chối ý tốt này của các con.
Nguyên nhân cũng rất đơn giản. Tuổi già vốn là thời gian an nhàn hưởng phúc. Tôi cũng không muốn làm lãng phí thời gian của người khác để một lần nữa bắt đầu tìm hiểu, thử chung sống với nhau. Tuổi trẻ còn có nhiều thời gian để cãi vã rồi lại hòa hợp, nhưng ở tuổi trung niên, ông Lý không muốn như vậy. Ông giải thích với các con để họ hiểu rằng, ông không sợ ở một mình mà chỉ sợ cuộc sống không còn an bình. Hợp tan ly tán ở tuổi này là một điều rất khó chịu với ông.
Sau khi mạnh mẽ bác bỏ 3 yêu cầu này của con trai, ông Lý đã tận hưởng từng ngày hưu trí vô cùng mãn nguyện. Sáng sáng, ông tản bộ quanh làng, vừa đi chợ mua đồ ăn, vừa coi như tập thể dục cho khỏe người. Tới trưa, dùng bữa xong, ông chợp mắt một lúc rồi dậy đọc sách trong sân. Buổi chiều, khi thời tiết mát mẻ hơn, ông sẽ ra đình làng, tụ tập với những người bạn già để chơi cờ, tán gẫu. Ngày tháng cứ thế an nhàn trôi qua, ông trở thành người sung sướng nhất làng.