Chọn thi đại học khối A.
Từng theo học Bách khoa ngành Thiết bị điện tử.
Nhìn qua những thông tin này, chắc hẳn ai cũng nghĩ đây là profile của một kỹ sư làm trong lĩnh vực điện – điện tử nào đó. Nhưng trái ngược lại so với suy nghĩ của đa phần, thành tích này là của thầy Luyện Quang Kiên (31 tuổi, Hưng Yên) – một trong những người đạt IELTS 9.0 tại Việt Nam.
Đạt điểm IELTS “chạm trần” hiện nay không còn là chuyện hiếm, nhưng đạt IELTS 9.0 ở cả 4 kỹ năng: Listening (nghe); Speaking (nói); Reading (đọc); Writing (viết) như thầy Kiên thì không phải là điều ai cũng có thể làm được. Thậm chí, thầy Kiên còn được coi là người đầu tiên ở Việt Nam đạt được thành tích ấn tượng này.
Từng thi IELTS đến hơn 40 lần!
Là một thầy giáo dạy tiếng Anh, nhưng thầy Kiên lại không xuất thân từ bất kỳ ngôi trường đào tạo chuyên sâu về ngoại ngữ nào. Thay vào đó, thầy từng là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST), ngành Thiết bị điện tử. Chia sẻ về lý do chọn Bách khoa vào năm 18 tuổi, thầy thật thà cho hay, nguyên nhân đơn giản vì đó là ngành cao điểm nhất của trường. Ngoài ra, bản thân thầy cũng nghĩ mình chẳng hợp với ngành nghề nào ngoài hơn mảng kỹ thuật vào thời điểm bấy giờ.
Trong quá trình học tập tại Bách Khoa, thầy còn dành thời gian tham gia nhiều CLB, trong đó có CLB tiếng Anh. Và cũng chính nhờ khoảng thời gian đó, niềm say mê với ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới này nảy nở trong thầy.
“Trong CLB tiếng Anh có rất nhiều bạn giỏi, đó chính là động lực để mình chăm chỉ học tiếng Anh. Trước đó, mình hay nghe nhạc Âu – Mỹ nên khả năng cảm âm tiếng Anh của mình không tệ, phát âm nghe cũng ‘tây tây’ khiến nhiều bạn nhầm tưởng mình học giỏi ngoại ngữ nhưng thực ra mọi thứ chỉ dừng lại có vậy thôi, chứ từ vựng, ngữ pháp của mình không có nhiều.
CLB mình tham gia thường xuyên tạo thành các nhóm nhỏ để dạy tiếng Anh cho các thành viên và có một vài lần mình được chọn làm leader (người lãnh đạo). Từ đó, mình nhận thấy việc được truyền đạt kiến thức, được làm việc với con người mới là điều mình yêu thích nhất”, thầy Kiên chia sẻ.
Hơn 1 năm sau, thầy đăng ký làm trợ giảng tại một trung tâm. Tuy đã chập chững đi dạy nhưng cảm thấy cần trau dồi thêm kiến thức để có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, thầy Kiên quyết định học và thi IELTS. Thầy Kiên không nhớ nổi mình đã thi lấy chứng chỉ này bao nhiêu lần, chỉ có thể áng chừng vào khoảng 30 – 40 lần. Và ngay từ lần thi đầu tiên, thầy đã đạt IELTS 7.5:
“Mình tham gia thi nhiều lắm, bắt đầu từ năm 2014 đến thời điểm hiện tại. Khi mình đi thi mình lại có động lực để học, để trau dồi kiến thức hơn từng ngày. Thành ra đã có thời điểm, cứ cách 2-3 tháng mình lại tham gia thi 1 lần để nắm bắt được format đề cũng như kiểm chứng được phương pháp tiếp cận kiến thức của mình”.
Một điều khá bất ngờ là trong toàn bộ quá trình ôn thi và lấy chứng chỉ IELTS, thầy Kiên chưa từng đến một trung tâm nào để ôn luyện đúng nghĩa, nếu có chắc chỉ là những khóa học miễn phí được tạo ra nhằm cải thiện tiếng Anh cho sinh viên. Chính điều này khiến thầy Kiên dễ dàng hơn trong viên “bắt bệnh” và “chữa bệnh” những lỗ hổng kiến thức cho học trò của mình như ở thời điểm hiện tại.
Thầy chia sẻ: “Mình tự học qua tất cả các trình độ từ vỡ lòng, xây nền đến củng cố nền kiến thức tiếng Anh, do đó mọi khó khăn trong từng giai đoạn học, mình đều nắm rõ và biết cách vượt qua. Do đó trong quá trình đi dạy, mình có thể biết được những khó khăn của học trò”.
Suýt… khóc khi đạt 9.0 IELTS tất cả kỹ năng
Tính cả lần đạt điểm 9.0 mới đây nhất, thầy Kiên đã 5 lần đạt điểm IELTS tối đa. Dẫu vậy ở các lần trước, thầy chỉ được làm tròn điểm lên theo quy định chứ không đạt tuyệt đối ở tất cả kỹ năng. Dù bản thân thầy rất vui, nhưng ở đâu đó vẫn cảm thấy hụt hẫng vì chưa hoàn thành được mục tiêu đã đề ra. Vậy nên lần này khi đạt 9.0 IELTS ở cả 4 kỹ năng, cảm xúc của thầy như vỡ òa.
“Hôm thi chính thức, mình định không đi đâu. Nhưng được vợ động viên, nên may sao mình vẫn quyết định tham dự. Sau khi biết mình đạt IELTS 9.0 ở cả 4 kỹ năng, mình đã ôm chầm lấy vợ và suýt khóc”, thầy Kiên kể lại.
Đạt điểm IELTS cao hiện nay không phải là chuyện hiếm, nhưng đạt IELTS 9.0 ở cả 4 kỹ năng, đặc biệt là Writing (viết) lại không hề dễ dàng. Nhớ lại phần thi viết hôm đó, chủ đề bài luận 2 của thầy là về Homeshcooling (giáo dục tại nhà). Thầy đã sử dụng kỹ thuật Counter Argument (lập luận phản đề) – một phương pháp được thầy giảng dạy cho học viên, để viết bài. Thầy đưa ra 3 luận điểm chính trong bài, nhưng trong từng luận điểm lại có một vài ý để phản biện lại chính quan điểm mà bản thân đưa ra từ trước.
Ngoài ra, không giống như mọi người nghĩ, trong bài thi đạt 9.0 IELTS ở cả 4 kỹ năng này, thầy Kiên không sử dụng quá nhiều những từ “đao to búa lớn”, mọi thứ đều vô cùng tự nhiên, vừa vặn. Nó hoàn toàn là những từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, collocation (cụm từ cố định)… mà giám khảo có thể thường xuyên nghe thấy trong cuộc sống hàng ngày.
“Trong phần task 2 của phần thi viết, mình còn thừa tới 20 phút. Trong thời gian đó, mình có đủ thời gian để xem lại 2 lượt và chắc chắn rằng, mọi từ vựng của mình sử dụng đều đúng với ngữ cảnh”, thầy nhớ lại.
Không có “thần dược” trong việc học ngôn ngữ!
Chia sẻ về cách học ngoại ngữ, thầy Kiên tâm sự không có phương pháp nào gọi là “thần dược” để giúp các bạn giỏi lên trong ngày một ngày hai. Học ngôn ngữ bản chất là cả một quá trình dài tích lũy, nếu có những cái phương pháp nào cao siêu như vậy, các bạn phải đặt dấu chấm hỏi, sử dụng khả năng tư duy phản biện (critical thinking) của mình để phân tích đánh giá đúng sai, trái phải.
Việc chọn lọc tài liệu học tập cũng tương tự, trên mạng hiện nay tràn lan rất nhiều tài liệu nhưng không phải cái nào cũng “chuẩn”, cũng phù hợp với bạn. Do đó, việc sử dụng critical thinking lúc này là cần thiết hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, các bạn nên nghĩ “học ngôn ngữ không phải là học ngôn ngữ”, thay vào đó, bản thân phải tìm kiếm môi trường để bản thân được “tắm” trong ngôn ngữ bằng cách đọc nhiều sách báo tài liệu, xem những video bằng tiếng Anh… Biết rằng sẽ thật khó, nhưng cứ cố gắng xây nền kiến thức thật vững, kiểu gì các bạn cũng sẽ chinh phục được.
Còn về việc “thần thánh hóa” chứng chỉ ngoại ngữ, thầy Kiên nói: “IELTS là bài thi đánh giá khả năng ngôn ngữ, nhưng ở trình độ cao hơn vào khoảng 8.0, 9.0 ở phần nói và viết sẽ đánh giá thêm đôi chút về tư duy của người học. Bởi lập luận trong bài viết, phần nói của mình mà không đanh thép, xác đáng thì sẽ không thể thuyết phục được người chấm. Tuy nhiên, chúng ta không thể coi IELTS là ‘chuẩn mực’ để đánh giá mọi người được”.
Ở một diễn biến khác, thầy Kiên cũng đưa ra những quan điểm cá nhân về những sai lầm trong việc giảng dạy IELTS hiện nay: “Mình nghĩ vấn đề lớn nhất là nhồi nhét từ vựng khi nói và viết. Điều này dẫn đến việc học sinh lúng túng trong việc phát triển ý, vì phải cố gắng lái ý tưởng theo từ vựng. Hãy luôn để ý tưởng quyết định từ vựng và ngữ pháp thì sẽ tốt hơn”.
Ảnh: NVCC