Thủng màng nhĩ ở trẻ: 3 lưu ý để phòng tránh

9 mins read
Thủng màng nhĩ ở trẻ: 3 lưu ý để phòng tránh

Thủng màng nhĩ là xuất hiện một lỗ thủng hoặc một vết rách trên màng nhĩ, nơi phân cách giữa ống tai và tai giữa của trẻ. Bởi vậy, khi màng nhĩ thủng thì khả năng nghe của trẻ sẽ bị ảnh hưởng, gây nên tình trạng mất thính lực tạm thời. Bên cạnh đó, thủng màng nhĩ cũng khiến cho tai giữa của trẻ dễ gặp phải chấn thương hoặc nhiễm trùng hơn.

Đối với trẻ em, nếu như thủng màng nhĩ ở mức độ nhẹ thì có thể tự lành trong khoảng thời gian vài tuần cho tới vài tháng mà không cần can thiệp điều trị. Khi đó, bố mẹ chỉ cần vệ sinh đúng cách để vết thương ở màng nhĩ sạch sẽ, khô thoáng, không gây viêm nhiễm và lây sang các vùng lân cận.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ bị thủng màng nhĩ cần phải được sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, kết hợp với vệ sinh đúng cách để quá trình điều trị nhanh hơn. Nếu nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ phải phẫu thuật màng nhĩ cho trẻ.

Có nhiều nguyên nhân gây thủng màng nhĩ ở trẻ, trong đó thường gặp do nguyên nhân sau:

– Do viêm tai giữa

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, viêm tai giữa thường xuất hiện bởi cấu trúc phần tai giữa chưa kín hết lại như người trưởng thành. Theo đó, khi bố mẹ cho trẻ ăn uống, nếu không cẩn thận có thể khiến cho các chất lỏng chảy vào phần hở tai giữa. Điều này có thể dẫn tới tình trạng viêm nhiễm các vùng lân cận tai giữa như mũi và họng, gây ra dịch mủ tích tụ lại trong hòm nhĩ và làm rách màng nhĩ từ bên trong tai.

– Do chấn thương bởi vật nhọn

Trẻ em vốn rất hiếu động. Vì thế, bố mẹ phải luôn theo dõi sát sao để tránh trường hợp trẻ cầm que nhọn chơi rồi không may chọc vào tai và gây thủng màng nhĩ. Các vật dụng bao gồm tăm, đũa, bút… đều có khả năng gây ra tình trạng thủng màng nhĩ ở trẻ.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp bố mẹ vệ sinh tai cho trẻ bằng tăm bông hoặc vật dụng lấy ráy tai, nếu không cẩn thận cũng có thể vô tình khiến cho trẻ bị thủng màng nhĩ.

– Do chấn thương bởi chênh lệch áp suất

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đi máy bay rất dễ gây tổn thương tai giữa, đặc biệt là thời điểm máy bay cất cánh và hạ cánh tạo nên áp suất chênh lệch lớn. Ngoài ra, lặn biển, sử dụng túi khí ô tô cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng thủng màng nhĩ ở trẻ em.

– Do âm thanh quá lớn

Tai của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường rất dễ bị tổn thương. Nếu như phải nghe âm thanh quá lớn như tiếng pháo hoa, tiếng nổ hoặc tiếng súng từ khoảng cách gần, có thể gây ra tình trạng thủng màng nhĩ ở trẻ.

– Do chấn thương vùng đầu

Những chấn thương nghiêm trọng ở vùng đầu có thể khiến cho cấu trúc tai giữa và tai trong của trẻ bị ảnh hưởng. Theo đó, màng nhĩ là nơi phân cách giữa ống tai và tai giữa cũng có thể bị ảnh hưởng, cụ thể là thủng màng nhĩ.

Bé 5 tuổi bị thủng màng nhĩ do lấy ráy tai tại nhà, 3 lưu ý để phòng tránh - Ảnh 2.

Khi vệ sinh tai cho trẻ bằng tăm bông hoặc vật dụng lấy ráy tai nếu không cẩn thận cũng có thể vô tình khiến cho trẻ bị thủng màng nhĩ.

Dấu hiệu thủng màng nhĩ ở trẻ

Trên thực tế, sẽ không quá khó để nhận thấy trẻ có vấn đề về tai và màng nhĩ nếu như bố mẹ thường xuyên quan sát. Nếu phát hiện trẻ nhà mình đang có một hoặc nhiều các dấu hiệu được liệt kê dưới đây, thì khả năng trẻ bị thủng màng nhĩ là rất lớn:

– Trẻ bị đau tai: Những cơn đau do thủng màng nhĩ gây ra có thể diễn ra thường xuyên hoặc ngắt quãng, phụ thuộc vào tình trạng nặng hay nhẹ. Đối với trẻ lớn đã biết nói thì bố mẹ có thể dễ dàng nhận ra hơn. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết nói thì phải dựa vào biểu hiện trẻ quấy khóc và giữ lấy tai khi khóc.

– Trong tai có dịch hoặc bị chảy máu: Nếu như trẻ bị viêm tai giữa rồi dẫn đến thủng màng nhĩ thì tai sẽ xuất hiện tình trạng chảy dịch và máu. Đây là cách để giảm áp lực cho tai, giúp trẻ bớt cảm giác đau nhức hơn.

– Trẻ bị sốt: Trong trường hợp màng nhĩ bị thủng kèm với viêm nhiễm thì có thể xuất hiện cả triệu chứng sốt. Bên cạnh đó, trẻ bị thủng màng nhĩ sẽ có một số triệu chứng khác bao gồm đau nhức tai, ù tai, chán ăn, buồn nôn và chóng mặt.

– Trẻ phản ứng chậm với âm thanh: Thủng màng nhĩ khiến cho khả năng nghe của trẻ kém hơn. Khi đó, trẻ sẽ không nghe thấy hoặc phản ứng chậm với tiếng nói chuyện, tiếng nhạc hoặc âm thanh từ ti vi.

– Trẻ luôn cảm thấy khó chịu và thường xuyên dùng tay ấn vào tai để có thể nghe rõ hơn cũng như giảm cảm giác đau nhức.

Nếu như phát hiện trẻ có một trong số những dấu hiệu thủng màng nhĩ kể trên, bố mẹ hãy lập tức đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán sớm nhất.

Phòng thủng màng nhĩ cho trẻ thế nào?

Để phòng thủng màng nhĩ ở trẻ cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:

– Cần vệ sinh tai mũi họng sạch sẽ đúng cách cho trẻ. Sử dụng khăn mềm hoặc tăm bông nhúng vào nước ấm, sau đó lau vùng tai, các vùng có nếp gấp. Nên thực hiện 2 lần mỗi ngày.

– Không nên sử dụng vật dụng lấy ráy tai cho trẻ. Tuyệt đối không cho trẻ tự ngoáy tai, không cầm các vật dụng sắc nhọn cho vào trong tai. Lau khô tai cho trẻ sau mỗi lần tắm. Tránh để nước vào tai, vì điều này sẽ tạo môi trường ẩm ướt cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.

– Khi đi bơi hoặc tắm vòi sen, làm việc hoặc ở nơi có tiếng ồn lớn, hãy bịt tai bằng nút chặn tai bảo vệ hoặc mũ che tai.

– Một trong các nguyên nhân thường gặp gây thủng màng nhĩ ở trẻ em là viêm tai giữa. Vì vậy, khi có viêm nhiễm cần điều trị triệt để theo chỉ định của các bác sĩ. Phòng ngừa viêm tai giữa bằng cách không tắm ở nơi có nguồn nước không sạch, chọn lựa hồ bơi có hệ thống khử trùng hoạt động thường xuyên và nên sử dụng nút bảo vệ tai chắn nước khi bơi lội.

Ngoài ra, cha mẹ cần sử dụng thuốc kháng sinh với liều lượng theo đơn của bác sĩ và đưa trẻ đi kiểm tra định kỳ để đảm bảo khả năng về thính lực đang được hồi phục hiệu quả.

Mời độc giả xem thêm video:

Trẻ 5 Tuổi Thủng Màng Nhĩ Vì Thói Quen Nhiều Người Mắc Phải | SKĐS

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog