Tiến sĩ ĐH Stanford Nguyễn Chí Hiếu chỉ ra: Bốn khung giờ quý nuôi dạy con đang bị cha mẹ lãng quên, bỏ lỡ sẽ rất tiếc nuối

13 mins read
Tiến sĩ ĐH Stanford Nguyễn Chí Hiếu chỉ ra: Bốn khung giờ quý nuôi dạy con đang bị cha mẹ lãng quên, bỏ lỡ sẽ rất tiếc nuối

Theo TS Đại học Stanford Nguyễn Chí Hiếu, tác giả sách “Thay đổi vì con”, nếu như ba khung thời gian chú tâm – ngủ nghỉ – chơi tự do đang bị đánh cắp kinh khủng, lọt ra khỏi quỹ đạo một ngày của lũ trẻ, thì có những khung thời gian thiết yếu khác còn lọt ra rất xa quỹ đạo nhận thức của nhiều cha mẹ trong hành trình “kiến trúc” tuổi thơ của con.

Tiến sĩ nổi tiếng chỉ ra: Bốn khung giờ quý nuôi dạy con đang bị cha mẹ lãng quên - Ảnh 1.

TS Nguyễn Chí Hiếu

4 khung giờ đó là: 

1. Giờ vận động

Vận động, thể dục thể thao là khung thời gian hiếm hoi diễn ra sự sản sinh đồng loạt của cả ba loại “tiên dược” Dopamine, Neropinephrine và Serotonin trong não. Đây như là ba chàng lính ngự lâm, giúp con người được tập trung, nhạy bén trực giác, cân bằng và bình tĩnh. Đó là chưa kể đến việc vận động sẽ sản xuất các chất protein BDNF | (Brain-Derived Neurotrophic Factor), là một trong những “phân bón” quan trọng, giúp não phát triển.

Ngoài ra, vận động thể dục còn giúp vận chuyển oxy và chất glucose đến não, kích thích sự phát triển của các tế bào não để bổ sung cho những tế bào thần kinh đã hy sinh trong quá trình học tập, làm việc. Vận động giúp cho việc suy nghĩ được tỏ tường hơn, vì nó kích thích và củng cố các chức năng của phần não phi công Prefrontal Cortex kiểm soát lý trí, logic.

Nhiều lúc tôi giả vờ hỏi lũ trẻ rằng một ngày chúng vận động, thể dục thể thao bao nhiêu tiếng, có đứa ngây thơ trả lời: “Hai tiếng, nhưng đó là hai tiếng cho cả một tuần thầy ạ”. Còn quẩn quanh một ngày, chúng lao từ nhà đến trường bằng xe, suốt ngày bị úm trong phòng học bốn bức vách. Về đến nhà thì y như rằng chúng bị đóng khung trong “khuê phòng”, ru rú với những thú vui tiêu khiển gắn liền với máy móc, thiết bị. Dần dà, cơ thể chúng như chảy xệ, ngày càng ì ạch, chây lười vận động, cuốc bộ tầm nửa tiếng là đã kêu than oai oái.

Thời đại mang tên Tiện Lợi ngày nay còn châm ngòi cho sự bành trướng của các cửa hàng thức ăn nhanh la liệt khoai tây chiên, gà rán, bánh mì kẹp thịt, nước uống có ga, trà sữa nhiều đường,… vốn là những thực phẩm kém lành mạnh cho bộ não và cơ thể. Bảo sao tụi nhỏ không tài nào đủ sức và đủ lực để có thể “đốt não” trong công cuộc học tập trường kỳ kháng chiến và lịch học càng lên lớp cao càng ngập mặt.

2. Giờ kết nối

Giờ kết nối là những khoảnh khắc tương tác giữa người với người, chứ không phải giữa người với… máy. Một bữa cơm gia đình, một cuộc trò chuyện của cha mẹ cùng con cái, một buổi ngồi tâm sự thân tình với bạn bè,… tất cả đều giúp trẻ con phát triển trí thông minh về mặt xã hội, cải thiện các mối quan hệ và gia tăng hạnh phúc về lâu dài.

Mấy chục năm qua, rất ít nghiên cứu khoa học ghi nhận tác dụng tích cực của công nghệ lên trên sự phát triển năng lực tư duy, sáng tạo của lũ trẻ, dẫu rằng công nghệ đã tràn lan và ăn sâu vào cuộc sống, nhiều khi như máu thịt. Thế nhưng, lại có vô vàn nghiên cứu chứng minh điều ngược lại. Giờ đây, dù cha mẹ nào cũng nói là muốn cho con được hạnh phúc, nhưng lại cho chúng nó “bám rễ” với máy móc, trò chơi, phần mềm – lắm cái được đóng tem “giáo dục” – còn nhiều hơn là tương tác với cha mẹ, anh chị em, ông bà, bạn bè, họ hàng, láng giềng.

Những tương tác và mối quan hệ giữa lũ trẻ và người trong gia đình, thậm chí là với cha mẹ, có phải vì lẽ đó mà cũng đang lơi lỏng, rạn nứt và ngày càng tan biến ở nhiều nơi?

3. Giờ phản tư

Giờ phản tư là khi chúng ta được lắng đọng suy nghĩ qua một trang sách hoặc trải lòng trên trang nhật ký. Khi đó, con người thường có tâm thế và xu hướng nghĩ về những gì đã diễn ra trong ngày, cố gắng soi rọi rõ hơn vào những rối rắm, vội vàng của một ngày vừa đi qua. Chúng ta vừa nhìn ra thế giới bên ngoài, vừa hướng vào thế giới bên trong.

Phản tư là ngồi suy nghĩ ngày hôm nay cảm xúc của mình thế nào, suy nghĩ của mình ra sao, mình có làm điều gì sai hay không, có nói gì lỡ lời hay không, có làm ai vui hay buồn lòng, học và sống như thế này có được hay không? Đó là lúc bộ não được tăng cường khả năng kiểm soát, kết nối ba “đồng chí” rất ít khi hợp cạ nhau: chú tâm, tư duy và cảm xúc. Đồng thời, khi ấy, năng lực thấu cảm ở mỗi người được tăng lên, với chính bản thân và cả người xung quanh.

Nhưng giờ đây, nhiều đứa nhỏ cứ “trẻ trâu tăng động, bạ đâu nói đó”, thích gì làm nấy, hứng lên là nói bậy, hoặc cứ chăm chăm chạy theo những thứ đã được người lớn sắp đặt, lập trình, bày ra dọn sẵn cho. Có vẻ như cái gì chúng cũng có nhưng chẳng có gì được sâu và chất. Nhiều khi chúng cũng không biết bản thân mình thích gì, muốn gì, ước mơ gì, hay mình là ai và giá trị con người của mình neo đậu nơi đâu. Vậy nên, lũ trẻ cứ như bong bóng biển hòa tan, chẳng lắng đọng gì nhiều, cứ mải đâm đầu chạy theo số đông, do nhiều khi cha mẹ chúng cũng đang như thế.

Người lớn thường bị cái bánh xe công việc và guồng máy xã hội mỗi ngày quay họ như chong chóng. Gần như họ ít khi có ý thức, không gian và thời gian để tĩnh tâm, phản tử. Đó cũng là nguồn cơn của nhiều nhân tố stress trong cuộc sống thời hiện đại, khi nhiều người không hiểu rõ được mình, dễ bị mất kiểm soát về tư duy, mặc cho cảm xúc chi phối quá thể khiến đầu óc nhập nhằng, u mê.

Con trẻ, nếu được rèn luyện những thói quen đơn giản như viết nhật ký, phản tư về những vấn đề quay quanh chúng mỗi ngày, thì chúng sẽ có cuộc sống nội tâm sâu sắc, chắc chắn và trọn vẹn hơn. Cha mẹ và cả thầy cô có thể gợi ý, tập cho lũ trẻ thói quen ghi lại những gì chúng cảm nhận về cơ thể và cảm xúc, những hình ảnh chúng bắt gặp và để ý những suy nghĩ về chính chúng, về con người và cuộc sống xung quanh.

Tiến sĩ nổi tiếng chỉ ra: Bốn khung giờ quý nuôi dạy con đang bị cha mẹ lãng quên - Ảnh 2.

Con trẻ, nếu được rèn luyện những thói quen đơn giản như viết nhật ký, phản tư về những vấn đề quay quanh chúng mỗi ngày, thì chúng sẽ có cuộc sống nội tâm sâu sắc, chắc chắn và trọn vẹn hơn.

Khi mọi thứ trở thành tự động, nhẹ nhàng và tự nhiên như hơi thở, thì không cần giở nhật ký, cũng chẳng cần dành hẳn khoảng thời gian riêng, lũ trẻ sẽ có được thói quen làm việc đó ở bất cứ đâu và khi nào có thể. Chúng nó cũng vì thế mà thấu hiểu bản thân và cuộc sống hơn, trưởng thành hơn nhiều đám trẻ loi choi trong ý thức về thời gian, gia đình, bản thân, tương lai, cuộc sống,… 

Đó chính là chìa khóa để con người làm việc tốt trong một thế giới ngày càng đa dạng, mỗi người một kiểu.

4. Giờ xả và mơ

Có lẽ nhiều người thường nghĩ rằng việc ngồi nhìn phố xá, ngắm người đi đường, hay mơ mộng giữa ban ngày chẳng chú tâm vào bất cứ một công việc gì cụ thể mà cứ để cho suy nghĩ đến rồi đi,… – có vẻ hơi dở hơi, vô công rỗi nghề “đớp không khí” cho qua ngày. Nhưng bạn biết không, chính những việc ngỡ là dở hơi này lại có tác dụng tích cực y chang đi du lịch nghỉ dưỡng.

Những giây phút tơ tưởng mông lung ấy là lúc phần não quá tải công suất được nghỉ ngơi và nạp pin, tránh đứt gánh giữa đường. Đó là lúc mà các ý tưởng đột phá, sáng kiến tuyệt vời dễ bất chợt bùng nổ từ không khí. Và quan trọng hơn cả, đó là lúc các nhiễm sắc thể được “hàn gắn” bởi chất Telomese, giúp phòng ngừa nguy cơ bệnh tật và gia tăng tuổi thọ.

Thế mà nhiều đứa trẻ không có giờ xả, hoặc thậm chí bị cướp đi quyền mơ giữa ban ngày, chỉ để người lớn nhồi nhét cho hàng tỷ kiến thức, kỹ năng. Không phải ai cũng hiểu là khi cứ cố bơm cho trái cây chín càng sớm thì nó thối rữa càng nhanh.

Thời gian mơ giữa ban ngày không phải là chơi video, lướt mạng xã hội, chat chit bạn bè hay là tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể thao, xã hội…

Đôi khi chỉ cần đơn giản hít vào thật sâu, thở ra nhẹ nhàng, để cho bộ não không tập trung vào một cái gì cứng nhắc. Cứ để mặc cho điều gì đến thì đến, điều gì đi thì đi như khách vãng lai. Đó là một trong những phép thuật kỳ diệu nhất mà chúng ta có thể tặng cho bộ não của mình và của những đứa trẻ, đặc biệt khi kết nối mạng Internet đang càng ngày càng tăng theo cấp số nhân trong một thế giới mỗi ngày một tăng tốc, quên đạp thắng.

Nhà tâm lý học lỗi lạc Jerome Singer đã viết trong cuốn sách Daydreaming (tạm dịch: Mơ giữa ban ngày) như thế này: “Mơ giữa ban ngày, tưởng tượng và sáng tạo là những nguyên vật liệu không thể thiếu của một cuộc sống tinh thần khỏe mạnh”.

Những điều này chính là chất xúc tác, gạch lót nền cho nhận thức bản thân, chiêm nghiệm và đúc kết ý nghĩa về đời mình, cân nhắc vấn đề đạo đức, giá trị của bản thân. Đó còn là khu vườn tuyệt vời cho những sáng kiến đột phá trong học tập, công việc, và cuộc sống của mỗi người. Có nhiều ý tưởng sáng tạo xuất thần, ngồi nát óc săm soi, moi móc mãi mà chúng vẫn không chịu hiện ra, nhưng lại tình nguyện phi thẳng vào đầu khi ta thả lỏng bộ não và cho nó được… bay.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog