Một phụ huynh mới đây kể, đồng nghiệp của mình thời gian này rất lo lắng vì tính cách của con gái. Rõ ràng người bạn này tương đối hướng ngoại và vui vẻ, tuy nhiên con gái lại sống nội tâm, thích im lặng từ khi còn nhỏ.
Sau khi vào mẫu giáo, cô giáo luôn khen con ngoan, ít nói, không ồn ào, nhưng cũng cho rằng nếu bé vui vẻ một chút thì tốt hơn. Người mẹ cũng không để ý nhiều, nghĩ rằng con lớn hơn sẽ thay đổi.
Nhưng đến cấp tiểu học, cháu không những không vui vẻ mà còn trầm tính hơn, thậm chí khi nói chuyện với các bạn trong lớp và với giáo viên, cháu còn đỏ mặt, không dám giơ tay trả lời các câu hỏi. Nhìn những đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát khác, người mẹ rất lo lắng.
Mặc dù thành tích học tập của đứa trẻ không tệ nhưng tính cách lại dường như “có vấn đề”, phụ huynh lại không biết cách hướng dẫn và giáo dục con mình.
“Bạn tôi luôn phàn nàn với chồng: Tính cách hướng nội và giao tiếp kém của đứa trẻ thực sự là di truyền từ anh. Về phía người chồng lại cho rằng, tính cách ảnh hưởng bởi yếu tố bẩm sinh rất nhỏ, quan trọng là môi trường phát triển… Nếu ngày nào cũng la mắng con, liệu con có hướng ngoại được không?”, người này nói.
Vậy tính cách của trẻ là do di truyền từ cha mẹ hay do môi trường hình thành? Nếu nó được thừa hưởng từ gia đình thì sẽ từ bố hay mẹ? Trên thực tế, khoa học đã có câu trả lời cho vấn đề này.
01. Tính cách của trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi DNA
Chuyên gia di truyền học Robert Plomin cho rằng, tính cách của một đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi DNA của cha mẹ. Tất nhiên nó không phải là yếu tố duy nhất, nhưng DNA quan trọng hơn tất cả các yếu tố khác cộng lại. Có câu: Nhìn đứa trẻ 3 tuổi là nói đến khí chất bẩm sinh mà đứa trẻ mang trong bụng mẹ là vậy.
Các chuyên gia di truyền từng tiến hành nghiên cứu tính cách trên 850 cặp song sinh và phát hiện ra rằng tính cách của một đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi sự di truyền của cha mẹ chiếm khoảng 30%-60%. Nó không được di truyền từ một trong hai người mà có khả năng cao ảnh hưởng bởi tính cách của cả hai.
Theo nghiên cứu di truyền, khi con người già đi, ảnh hưởng của gen càng trở nên rõ ràng hơn.
02. Con sinh ra bị gen “xấu” thì phải làm sao?
Là cha mẹ, ai cũng mong con mình thông minh, vui vẻ, học tập giỏi, giao tiếp xã hội giỏi… Nhưng những người có tất cả những tổ hợp gen ưu việt này chắc chắn là không phổ biến. Đối mặt với những “gen xấu” ở con, nhiều bậc cha mẹ sẽ cố gắng thay đổi. Cũng giống như bà mẹ nói trên, chị luôn mong muốn thay đổi tính cách hướng nội bẩm sinh của con gái mình.
Một cuộc khảo sát ở Úc cho thấy nếu trẻ có tính cách hướng nội bẩm sinh bị cha mẹ ép hòa nhập với xã hội thay vì đưa ra sự hỗ trợ thì khi lớn lên, đứa trẻ vẫn sẽ nhút nhát, sống nội tâm, thậm chí ở mức độ cao hơn. Ngược lại, nếu cha mẹ dành cho con sự hỗ trợ và chăm sóc, giúp con làm quen với môi trường và tìm được những người bạn mà con tin tưởng, thì những đứa trẻ sẽ có kỹ năng xã hội tương đối tốt khi lớn lên.
Học giả người Mỹ Linda Silverman qua 30 năm nghiên cứu nhận thấy, chỉ số IQ càng cao thì tính cách hướng nội càng rõ ràng, khoảng 70% người thành công có tính cách hướng nội hơn.
Ví dụ, Steve Jobs được nhận làm con nuôi khi còn nhỏ, ông không chỉ sống nội tâm mà còn rất nhạy cảm và thu mình. Theo lời của ông, chính kiểu tính cách này đã cho phép ông nắm bắt sâu sắc nhu cầu chi tiết của người tiêu dùng và tạo ra một kỷ nguyên mới của điện thoại thông minh. Vì vậy, những đứa trẻ hướng nội là báu vật và cha mẹ phải dùng những phương pháp khoa học để hướng dẫn con.
① Hiểu nhiều hơn và ít chỉ trích trẻ hơn
Khi đối mặt với những đứa trẻ hướng nội, cha mẹ không nên lo lắng mà hãy lắng nghe nhiều hơn, hiểu và tôn trọng con mình hơn. Đồng thời để con hiểu rằng tính cách chỉ là một đặc điểm, không có gì tốt hay xấu. Từ đó làm giảm căng thẳng tâm lý của trẻ.
② Đừng ép trẻ hòa nhập xã hội, hãy tạo nhiều cơ hội để hướng dẫn trẻ
Hãy tạo nhiều cơ hội giao tiếp xã hội hơn cho con, đưa con đi chơi cùng bạn bè và học hỏi các kỹ năng xã hội từ các bạn cùng lứa tuổi.
③ Mở đường trước cho con chuẩn bị tinh thần
Khi đưa con đi gặp người lạ, địa điểm xa lạ, cha mẹ phải thông báo trước để con chuẩn bị tinh thần. Đồng thời, chúng ta cũng không bắt trẻ có thể hòa nhập ngay với người khác mà cần cho trẻ thêm thời gian để làm quen với những người lạ hoặc môi trường xa lạ.
④ Dạy trẻ cách tự bảo vệ
Ở trường học, những đứa trẻ hướng nội dễ bị gạt ra ngoài, cha mẹ phải dạy cho con khả năng tự tìm kiếm sự giúp đỡ và giải quyết vấn đề. Đồng thời, bạn cũng có thể trao đổi với giáo viên nhiều hơn về tính cách của trẻ để nhận được sự thấu hiểu và giúp đỡ.
Nói chung, tính cách của một đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi cả gen của cả cha lẫn mẹ và môi trường tiếp thu. Đồng thời, rụt rè, sống nội tâm chỉ là một đặc điểm tính cách của trẻ, không có sự phân biệt tốt xấu, cha mẹ nên tôn trọng và hiểu con nhiều hơn.