TPHCM ghi nhận 2 ca mắc bệnh sởi đầu tiên

6 mins read
TPHCM ghi nhận 2 ca mắc bệnh sởi đầu tiên

27-05-2024 23:02 | Y tế

google news

SKĐS – TPHCM vừa ghi nhận hai trẻ 13 tháng tuổi và 15 tháng tuổi cùng ngụ tại quận Bình Tân mắc bệnh sởi. Đây là 2 ca bệnh sởi đầu tiên của năm 2024 và cả 2 đều chưa được tiêm phòng vaccine phòng bệnh sởi.

Tối 27/5, Sở Y tế TPHCM cho biết, TPHCM vừa ghi nhận 2 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh sởi. Theo đó, trong hai ngày 25 và 26/5, hệ thống giám sát sốt phát ban nghi sởi của TPHCM đã ghi nhận hai trường hợp trẻ mắc bệnh sởi cư trú tại 2 phường thuộc quận Bình Tân.

Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện chưa phát hiện mối liên hệ dịch tễ giữa 2 trường hợp này. Đáng lưu ý là cả 2 trẻ đều ở lứa tuổi 13 đến 15 tháng tuổi và cả 2 đều chưa được tiêm phòng vaccine phòng bệnh sởi.

Bệnh cảnh chính của cả 2 trẻ đều là sốt trước khi phát ban vài ngày kèm theo đó là các triệu chứng viêm hô hấp.

Cụ thể, trường hợp thứ nhất là bé gái 13 tháng tuổi, ngụ tại Phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Bệnh nhi nhập Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ngày 20/5 với triệu chứng sốt ngày thứ 6, sổ mũi, nổi ban rải rác toàn thân, kết mạc mắt đỏ, mi mắt sưng, đau họng.

Sau khi khám, xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán bệnh sởi biến chứng viêm phổi. Tình trạng hiện tại bé tỉnh, không sốt, ăn uống được, ho ít, ban rải rác còn ở trán và mặt, kết mạc mắt giảm sưng đỏ nhiều.

TPHCM ghi nhận 2 ca mắc bệnh sởi đầu tiên, đều chưa tiêm vaccine- Ảnh 1.

TPHCM ghi nhận 2 bệnh nhân sởi đầu tiên cùng ngụ tại quận Bình Tân. Ảnh minh họa

Trường hợp thứ hai là bé trai 15 tháng tuổi, ngụ tại Phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Bệnh nhi nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ngày 24/5 với triệu chứng sốt ngày thứ 4, sổ mũi, ho đàm, tiêu lỏng, xuất hiện hồng ban rải rác ở vùng tai, mắt, thân mình.

Bé được chẩn đoán là bệnh sởi, viêm phổi bội nhiễm, đang được theo dõi và điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Tình trạng hiện tại bé còn sốt cao, ho đàm tăng, thở oxy qua cannuyla.

Ngay sau khi ghi nhận thông tin về 2 ca bệnh này, Sở y tế TPHCM đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) phối hợp Trung tâm Y tế quận Bình Tân điều tra dịch tễ và triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng.

Theo kết quả điều tra dịch tễ ban đầu, chưa phát hiện mối liên quan giữa hai trường hợp này cũng như chưa phát hiện thêm ca bệnh mới tại nơi trẻ sinh sống và đi học.

Đồng thời, cả hai trẻ này đều chưa được tiêm chủng đầy đủ theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng và hoàn toàn chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Lý do được gia đình nêu ra là trẻ thường bị bệnh và do cha mẹ đi làm xa nên không đưa trẻ đi tiêm.

Trong ngày chủ nhật 26/5, Trung tâm Y tế quận Bình Tân đã tổ chức tiêm bù vaccine sởi tại phường Tân Tạo. Hoạt động tiêm bù này sẽ tiếp tục triển khai ở phường Bình Hưng Hòa B và các phường khác trong quận.

Theo báo cáo đến hết tháng 4 năm 2024, tỷ lệ trẻ đủ 18 tháng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đối với lứa trẻ sinh năm 2018, 2019, 2020, 2021 lần lượt là 93,2%; 90,1%; 91,7% và 93,6%. Mức bao phủ này đạt chỉ tiêu tối thiểu theo yêu cầu của Bộ Y tế, nhưng chưa đạt chỉ tiêu của TPHCM đề ra là trên 95%, đây là mức bao phủ cần thiết để có thể tạo miễn dịch cộng đồng ngăn ngừa bệnh bùng phát và tiến đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi (theo Tổ Chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ).

Sở Y tế kêu gọi phụ huynh đưa con đến các trạm y tế để tiêm vaccone. Tiêm vaccine là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh sởi. Hai liều vaccine phòng sởi mang lại hiệu quả ngăn ngừa bệnh sởi đến 97%.

Trẻ em sẽ được tiêm chủng miễn phí 2 mũi vaccine phòng bệnh sởi vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế. Bên cạnh đó, các đối tượng khác cũng nên đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn tiêm vaccine phòng sởi.

Ngoài tiêm vaccine phòng sởi, người dân cũng lưu ý thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh sởi như giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ; cung cấp chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng, duy trì chế độ vận động, luyện tập thể dục thể thao khoa học để nâng cao sức đề kháng; hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ sởi như sốt, phát ban và viêm long ho hấp (ho, chảy nước mũi, …); Khi có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời…

Phạm Thương

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog