Tranh cãi nữ sinh mặc váy cắt xẻ và trang điểm đậm trong prom cuối cấp
Những năm gần đây, rất nhiều trường cấp 3 ở Việt Nam đã tổ chức ngày lễ prom dành cho học sinh lớp 12.
- Prom cuối cấp “trường người ta”: Ai nấy đều lên đồ như hoàng tử công chúa, ái nữ nhà NSƯT Chiều Xuân lột xác táo bạo
- Chất chơi như Prom THPT FPT: Chìm đắm trong tình khúc ballad của Erik, thi Bước nhảy hoàn vũ để tìm ra King – Queen
- Prom “trường người ta”: Nguyên bộ ảnh toàn trai xinh gái đẹp lấy cảm hứng từ loạt MV đình đám V-Pop
Nếu như đã từng xem qua các bộ phim học đường nước ngoài, nhiều người không còn xa lạ với những bữa tiệc prom hoàng tráng. Prom (hay còn gọi là prom night), được hiểu nôm na là buổi tiệc sang trọng tổ chức vào thời điểm kết thúc năm học, có sự tham gia của đông đảo đội ngũ giáo viên và học sinh.
Nhiều năm trở lại đây, có khá đông trường phổ thông trong nước đã “bắt nhịp” xu thế tổ chức các buổi prom cho học sinh cuối cấp. Với nhiều cô cậu học trò lớp 12, prom quan trọng không kém ngày bế giảng hay khai giảng. Bởi đây là dịp hiếm hoi mà họ được rời bỏ màu áo trắng quen thuộc, khoác lên mình trang phục dạ hội lộng lẫy và đánh dấu thời khắc trưởng thành.
Tuy nhiên mới đây, khi loạt hình ảnh chụp nữ sinh trong ngày prom tại một trường cấp 3 trên địa bàn Hà Nội được chia sẻ lên mạng xã hội, cư dân mạng đã không khỏi chia ra thành nhiều luồng ý kiến trái chiều. Có người khen prom quả thật là dịp để học sinh thể hiện cá tính với các bộ trang phục lộng lẫy. Tuy nhiên, số đông khác lại cho rằng những chiếc váy dạ hội cắt xẻ, đi cùng lối trang điểm đậm không phù hợp với lứa tuổi học trò.
Với trang phục dạ hội của học sinh cuối cấp, cộng đồng mạng chia thành luồng ý kiến trái chiều (Ảnh minh họa)
Người chê trách: Trang phục lễ prom đẹp nhưng không đúng với lứa tuổi học sinh
Liên quan đến bộ ảnh của những nữ sinh trong ngày lễ prom đang nhận được nhiều quan tâm, một bộ phận cho rằng họ diện trang phục và trang điểm còn khá “bạo”. Điều này không chỉ khiến nữ sinh trông đứng tuổi hơn mà còn làm mất đi sự trong sáng của lứa tuổi học trò.
– Vẫn biết prom thì mặc váy dạ hội là quá đẹp và phù hợp. Nhưng một số bạn nữ giờ mặc bạo quá, mặc váy mà để hở bụng, hở chân thế này thì cha mẹ ở nhà còn tức giận, chứ không cần người bên ngoài nhìn vào.
– Nhìn bộ ảnh prom thời nay, mình mới biết bây giờ các bạn nữ ăn mặc “bạo” thật. Mình vẫn xem các bộ phim học đường của Mỹ, Anh, Trung Quốc, nhưng mình thấy họ ăn mặc tiết chế hơn. Họ không trang điểm đậm, mặc váy cắt xẻ quá như mình đâu.
– Nhìn trang phục prom khiến mình thấy các bạn ấy đang đánh mất đi nét hồn nhiên của lứa tuổi học sinh.
– Mình thấy các bạn nữ cấp 3 giờ diện trang phục trong ngày lễ prom hơi “lố”. Với các bạn có gia cảnh bình thường, thậm chí khó khăn thì sẽ phải vất vả lắm mới đủ tiền mặc theo những bạn cùng lớp.
– Mình chỉ góp ý thế này, prom các bạn nữ mặc xinh, diện đồ lộng lẫy đến đâu cũng tùy các bạn. Miễn sao các bạn thấy tự tin. Thế nhưng, các bạn cũng cần để ý đến cái nhìn của người xung quanh chứ. Khuôn mặt trang điểm quá đậm, diện váy cắt xẻ quá nhiều, đeo bộ móng tay dài không chỉ khiến bạn già đi cả chục tuổi mà còn làm mất đi hình ảnh học sinh nữa.
Kẻ bênh vực: Đừng lấy quan điểm của thế hệ trước áp đặt lên học sinh
Ở diễn biến khác, số đông cho rằng không nên dùng quan điểm của thế hệ trước để áp đặt hoc sinh thời này. Ngày lễ prom còn là dấu mốc để đánh dấu thời khắc trưởng thành của đời học trò, do đó họ có quyền được khoác lên mình các bộ trang phục để tự do thể hiện cá tính.
Thay vì săm soi và chỉ trích những thứ học sinh mang trên mình trong dịp lễ đặc biệt này, người lớn nên hướng dẫn các bạn làm sao để lựa chọn trang phục và lối trang điểm đúng cách.
– Mình thấy trong hầu hết bộ ảnh, chỉ có số ít ăn mặc chưa phù hợp. Đúng là có những em mặc trang phục hở người, đứng với tư thế hơi nhạy cảm, song số còn lại diện đồ rất tinh tế. Nếu chỉ vì một vài tấm hình mà lên tiếng chỉ trích ngày lễ prom thì quá phiến diện rồi.
– 18 tuổi rồi, các bạn ấy nên được tự do lựa chọn trang phục và cách xuất hiện trước người khác. Các cô các chú bớt định kiến lại, để lớp trẻ có không gian phát triển.
– Kệ những bình luận tiêu cực các em lớp 12 nhé. Đừng áp đặt tư tưởng già nua hồi đó lên lớp trẻ nữa. Dù sao hết lớp 12 thì hầu hết đã đến tuổi trưởng thành rồi. Ngày chia tay ai chẳng muốn có một ấn tượng sâu sắc. Thay vì chỉ trích học sinh ăn mặc thế nào, người lớn nên có góp ý mang tính xây dựng hơn, để họ vừa nhận ra thiếu sót nhưng vẫn duy trì nét đẹp trong các ngày lễ prom.
– Đồng phục và áo dài ngày nào cũng mặc rồi. Cả đời học sinh có đúng một tiệc chia tay thì nên cho các em ăn mặc hoàng tránh hơn. Đây là trang phục dạ hội mà, thế này các bạn ăn mặc còn kín đáo chán. Chỉ có vài em ăn mặc hơi quá đà, nhưng dù sao họ cũng chỉ là đứa trẻ mới 17, 18 tuổi. Ngoài ra, lên tiếng săm soi một người chưa trưởng thành không phải là phương pháp giáo dục tốt.
Ảnh minh họa
Trao đổi với chúng tôi, cô Xuân Mai (một giáo viên trường chuyên trên địa bàn Hà Nội) đã nêu lên quan điểm về trang phục dạ hội của học sinh cuối cấp trong ngày prom.
Đầu tiên, cô Mai nhận định với riêng trường cô, giáo viên sẽ làm việc với học sinh để thảo luận các vấn đề chung chẳng hạn như dress code (quy tắc trang phục) trong ngày lễ, thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức… Sau đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ nhắc nhở các quy định chung trong ngày lễ prom và lưu ý nam sinh, nữ sinh chọn trang phục phù hợp.
“Hầu hết học sinh đều thích prom, bởi đó là những bữa tiệc đầy màu sắc và học sinh được tự do lựa chọn trang phục các em muốn. Tôi đã nhìn thấy những bức ảnh học sinh ăn mặc không phù hợp trên mạng. Theo kinh nghiệm của tôi, 1-2 trường hợp như vậy thường xuất hiện trong buổi họp prom cuối năm. Ngoài đời, trang phục của các em không ‘nhạy cảm’ đến vậy song lúc lên hình, có thể do hồi hộp nên mới xảy ra sự cố.
Để nữ sinh xuất hiện đẹp nhất và đúng với lứa tuổi học trò trong ngày prom, các em có thể trao đổi với thầy cô, anh chị khóa trước để hỏi kinh nghiệm, xin địa chỉ thuê trang phục và trang điểm. Ngoài ra, giáo viên cũng cần thường xuyên nhắc nhở các em về sự kín đáo trong phục trang ở ngày lễ này”, cô Mai bày tỏ.