Trẻ sơ sinh cũng dễ mắc viêm màng não
Viêm màng não ở trẻ sơ sinh là tình trạng nhiễm trùng lớp màng bao bọc não và tủy sống. Các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào khoang dịch não tủy, làm tổn thương hệ thần kinh, gây ra những ảnh hưởng nặng nề về vận động, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng và tương lai của trẻ.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm màng não ở trẻ sơ sinh, thường gặp nhất là virus gây viêm não Nhật Bản và virus HIB. Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho thấy nguyên nhân viêm màng não sơ sinh là liên cầu beta tan huyết nhóm B. Khi mang thai hoặc gần thời điểm sinh, người mẹ có mang vi khuẩn liên cầu nhóm B và có thể lây truyền sang cho con, dẫn đến viêm màng não ở trẻ sơ sinh.
Viêm màng não sơ sinh cũng có thể gây ra bởi Escherichia Coli (E. Coli), trong một số ít trường hợp là Listeria Monocytogenes (Listeria). Phụ nữ mang thai nằm trong số những người có nguy cơ cao mắc bệnh Listeriosis – một bệnh nhiễm khuẩn Listeria từ thực phẩm. Khi mẹ bầu ăn các loại thực phẩm bị nhiễm Listeria như pho mát mềm, xúc xích và thịt… chưa được nấu chín kỹ có thể bị mắc bệnh. Listeria có thể được truyền qua nhau thai trong thai kỳ và gây nên bệnh Listeriosis cho trẻ sơ sinh, trong đó có viêm màng não sơ sinh.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đều đồng thuận cho rằng, viêm màng não ở trẻ sơ sinh do vi khuẩn là rất nghiêm trọng, dễ diễn tiến nặng và để lại nhiều di chứng, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ở trẻ sơ sinh trên 1 tháng tuổi, vi khuẩn gây bệnh viêm màng não phổ biến là: Não mô cầu khuẩn – chiếm tới 80%, Phế cầu khuẩn, Haemophilus Influenzae type B (Hib)… Đây đều là những vi khuẩn rất dễ lây lan qua đường hô hấp, dịch tiết mũi họng khi người bệnh hắt hơi, ho và gây bệnh cảnh nặng.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh cũng có thể mắc viêm màng não do nấm, tuy nhiên, đây là tình trạng hiếm gặp, vì thường chỉ ảnh hưởng đến những người miễn dịch kém. Trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân có nguy cơ bị nhiễm trùng máu từ nấm Candida trong bệnh viện sau khi sinh. Sau đó, nấm có thể di chuyển đến não và gây viêm màng não.
Câu hỏi đặt ra, tại sao trẻ sơ sinh lại có thể dễ mắc viêm màng não? Thực tế cho thấy khi mới chào đời, nhiều cơ quan ở trẻ sơ sinh vừa được hoàn thiện hoặc đang hoàn thiện, nên hệ miễn dịch còn non nớt, điều này khiến cho trẻ sơ sinh dễ bị lây nhiễm bởi các tác nhân môi trường. Nếu trẻ sơ sinh tiếp xúc nhiệt độ, độ ẩm, bụi, vi sinh vật, các virus từ xung quanh như: các thành viên trong gia đình mắc bệnh hoặc mang mầm bệnh sẽ khiến trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm cao.
Nếu virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trẻ trong những tháng đầu đời, trẻ có thể bị nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn, khiến trẻ có thể tử vong trong 24 giờ. Đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, với khả năng lây lan cao, dù được phát hiện sớm và điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong vẫn có thể lên đến 8 – 15%.
Triệu chứng viêm màng não ở trẻ sơ sinh
Viêm màng não ở trẻ sơ sinh không biểu hiện rõ rệt, thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác và thường xuất hiện thứ phát sau nhiễm trùng huyết.
Trẻ thường có các biểu hiện như: Bú kém, bỏ bú, nôn trớ, thở rên, thở không đều hoặc có cơn ngưng thở, giảm trương lực cơ, mất các phản xạ sơ sinh, co giật…
Trẻ có thể bị sốt cao từ từ hoặc đột ngột, trong cơn sốt có thể kèm theo co giật, động kinh. Trong diễn biến này nếu không được chữa trị kịp thời trẻ có thể bị tử vong. Một số trẻ khác mắc bệnh cũng có thể bị hạ thân nhiệt. Cha mẹ quan sát và sờ phần thóp ở đầu trẻ. Cần lưu ý dấu hiệu thóp phập phồng hoặc căng phồng, vì đây có thể là triệu chứng cảnh báo của viêm màng não.
Trẻ dễ bị kích thích, quấy khóc, khó chịu… hoặc ngủ li bì khó đánh thức, vận động kém, không thích bế…
Khi trẻ sơ sinh có biểu hiện bất thường hoặc cha mẹ nghi ngờ, cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế, thực hiện các xét nghiệm ngay, để tránh bỏ lỡ “thời gian vàng” điều trị.
Phòng ngừa viêm màng não ở trẻ sơ sinh
Để giúp trẻ sơ sinh không mắc viêm màng não và phòng ngừa hiệu quả, cha mẹ chú ý từ khi mang thai cần ngăn ngừa nguy cơ nhiễm liên cầu nhóm B. Khi mang thai cần khám thai định kỳ, nên thực hiện xét nghiệm liên cầu nhóm B trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Khi trẻ sinh ra cần tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ngoài ra, cần giữ vệ sinh sạch sẽ khi chăm sóc trẻ, phòng ở cần đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ.
Thường xuyên vệ sinh các vật dụng liên quan đến trẻ như bình sữa, bỉm, khăn… Đồng thời, giữ sạch sẽ môi trường xung quanh… để tránh nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn, virus.
Nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoàn toàn theo khuyến cáo để nâng cao sức đề kháng, bởi theo nghiên cứu sữa mẹ có đến hơn 200 hợp chất dinh dưỡng khác nhau. Các nhà khoa học cho rằng những hợp chất này không chỉ cung cấp dưỡng chất giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong đường ruột trẻ sơ sinh, mà còn giúp tiêu diệt liên cầu khuẩn nhóm B.
Tóm lại: Viêm màng não ở trẻ sơ sinh rất nghiêm trọng, bệnh chuyển biến xấu rất nhanh, để lại nhiều di chứng vĩnh viễn, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và trí tuệ sau này. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể khiến trẻ tử vong trong thời gian ngắn nếu không được can thiệp sớm…
Vì vậy, nếu phát hiện trẻ sơ sinh có các dấu hiệu nghi ngờ, cần sớm cho trẻ thăm khám, để kịp thời ngăn chặn các diễn biến xấu của bệnh.
Mời độc giả xem thêm video:
Những sai lầm phổ biến mà cha mẹ cần lưu ý trước và sau khi đưa trẻ đi tiêm