Trước kỳ thi, con căng thẳng và áp lực, cha mẹ thông minh hãy làm những điều này
Bố mẹ nào cũng luôn cố gắng chuẩn bị tốt nhất cho con bước vào kỳ thi. Vì vậy đừng quên lưu ý những điều sau.
- “Mách” sĩ tử bí quyết bứt tốc trong tháng cuối cùng trước kỳ thi THPT
- 3 câu cha mẹ không nên nói khi con sắp bước vào kỳ thi
- Kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội đang “nóng” quá mức cần thiết?
Thời điểm thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT đang cận kề, những phụ huynh có con sắp bước vào kỳ thi sẽ cảm thấy lo lắng. Nhưng đây là lúc cha mẹ cần giữ bình tĩnh để khích lệ tinh thần của con.
Sau đây là những điều phụ huynh nên làm để giúp con bước vào phòng thi với tâm trạng hứng khởi, tự tin nhất:
Ảnh minh họa.
1. Hãy đồng cảm với cảm xúc của con
Càng cận kề kỳ thi, thí sinh càng nảy sinh những suy nghĩ lo lắng: “Nếu mình trượt kỳ thi thì sao?”; “Những học sinh khác đều học giỏi, sao mình lại tệ thế này!”; “Vừa xem xong lại quên mất, mình chẳng làm được gì cho mà xem!”…
Bố mẹ nên phản ứng thế nào khi con cái nói những điều này? Hãy nhớ lại rằng hầu hết chúng ta đều có trải nghiệm tương tự trước kỳ thi khi còn trẻ. Và khi đó, phản ứng nào sau đây khiến bạn cảm thấy thoải mái và tự tin hơn?
Có thể là: A – “Thay vì lo lắng, sao không nhanh ôn bài” – (quở trách)”; – “Thời gian không còn nhiều, hãy cố mà vượt qua, hoặc có thể ôn tập thêm nửa tiếng mỗi ngày, như vậy con sẽ cảm thấy thoải mái hơn!” – (gợi ý); C – “Sắp thi rồi, đừng nghĩ ngợi nhiều, nghĩ nhiều cũng vô ích phải không?” – (an ủi); D – “Trước đây bố/mẹ cũng thường hơi căng thẳng trước kỳ thi, điều đó là bình thường” – (đồng cảm); E – “Bố/mẹ thấy rằng con đã làm việc chăm chỉ và tin rằng con sẽ thể hiện được trình độ của chính mình – (khẳng định/khuyến khích).
Một giáo viên cho biết, trong những lần chia sẻ với học sinh trước kỳ thi vào trung học phổ thông, cô đã hỏi hàng trăm em và hầu hết các em đều hy vọng rằng cha mẹ sẽ đưa ra câu trả lời như D và E. Bởi vì khi lo lắng và căng thẳng được chấp nhận và chuyển hóa, trẻ sẽ nhận được sự hỗ trợ về mặt tinh thần, giảm bớt lo lắng quá mức và thể hiện tốt hơn.
Chúng ta không nên cố gắng phủ nhận hay xua đuổi những cảm xúc căng thẳng trước kỳ thi mà hãy giúp trẻ điều chỉnh sự căng thẳng ở mức độ vừa phải. Lúc này, trẻ sẽ dễ dàng bứt phá khỏi vùng an toàn, ổn định cảm xúc và nhận ra tiềm năng của mình.
2. Giúp trẻ hình thành nhận thức tích cực và có những gợi ý tích cực về kỳ thi
Niềm tin quyết định tâm lý, và tâm lý quyết định trạng thái. Cha mẹ trước hết có thể giúp con nhận thức về kiến thức, niềm tin và thái độ đối với kỳ thi, chuyển hóa nhận thức tiêu cực của con về kỳ thi.
Một mặt, bản thân cha mẹ nên bỏ đi những kỳ vọng quá mức đối với con cái như “một kỳ thi quyết định cả cuộc đời”, “thi rớt con có lỗi với cha mẹ và dòng họ”. Mặt khác, hướng dẫn trẻ nhận thức và điều chỉnh cách hiểu về kỳ thi, tạo không khí thoải mái, mở một bản nhạc nhẹ êm dịu, hướng trẻ đối diện với cảm xúc:
“Con nghĩ gì về kỳ thi sắp tới? Những từ nào nảy sinh trong tâm trí con?”. Hãy để trẻ viết ra những ấn tượng này về kỳ thi, đặc biệt nếu chúng có những suy nghĩ lo lắng, viết ra sẽ là một cách tốt để giải phóng những suy nghĩ tiêu cực trong đầu và giải tỏa gánh nặng cho não bộ. Điều này đã được các nhà tâm lý học khẳng định.
Bạn nhìn vào những từ mà trẻ viết, chẳng hạn như hồi hộp, phấn khích, cố gắng hết sức, hay lo lắng, căng thẳng… Hãy thừa nhận với con rằng cả ấn tượng tích cực và tiêu cực đều tồn tại đồng thời, giống như mặt trước và mặt sau của lòng bàn tay, điều này rất bình thường. Và điều có thể giúp con thể hiện tốt hơn trong kỳ thi chính là tập trung vào phía trước.
Khi con bạn nghĩ rằng các kỳ thi thật căng thẳng và đáng sợ, hãy giúp con chuyển hóa những ấn tượng tiêu cực của mình.
Một là thái độ chấp nhận. Trong quá trình trưởng thành của mỗi người đều có những cột mốc được thiết lập, vượt qua chứng tỏ con đã trưởng thành. Cha mẹ cũng có thể chia sẻ với con về thành công hay thất bại trong kỳ thi. Khi chúng ta coi kỳ thi như một người bạn, không phải là sự phản kháng sợ hãi, chúng ta có thể thân thiện với nó hơn, bình tĩnh và tự tin hơn, không trốn tránh hay run sợ. Giống như khi con còn nhỏ bị tiêm, càng sợ thì càng đau, nỗi đau sợ hãi còn lớn hơn nỗi đau thi cử.
Thứ hai là tự gợi ý tích cực. Vì lo lắng, các bậc cha mẹ thường dùng câu “đừng cẩu thả” và “đừng lo lắng” để nhắc nhở con cái. Hãy cố gắng không sử dụng từ tiêu cực “không”; “đừng”. Thay vào đó, hãy nêu những từ tích cực như: Tôi thoải mái, tôi có thể làm bài kiểm tra cẩn thận, tôi tự tin…
3. Bài tập chánh niệm để chủ động đối phó với sự lo lắng khi thi
Một giáo viên chia sẻ: Khi làm công tác tư vấn tâm lý, cô thường gặp những câu hỏi về cách xử lý những tình huống sau: Nghĩ đến những lỗi lầm mình đã mắc phải, em nghi ngờ khả năng của mình không bằng các bạn cùng lớp; Em không thể bình tĩnh khi nhìn thấy các câu hỏi kiểm tra và luôn nghĩ về mọi thứ; Trong lúc ôn thi, đầu óc em trống rỗng, không nhớ nổi những kiến thức đã ôn, tay run lẩy bẩy.
Các em đều mong muốn có thể tập trung và tự tin làm bài thi. Chướng ngại vật thường là các loại sợ hãi và lo lắng trong tâm trí. Chìa khóa để đối phó là dạy trẻ học và làm bài thi với “chánh niệm”, tức là tập trung vào những việc cần làm vào lúc này.
Trong giai đoạn luyện thi, bạn có thể cùng con luyện tập, một khi các loại suy nghĩ tiêu cực xuất hiện, hãy để bản thân bình tĩnh trở lại với hiện tại.
Một là sử dụng phương pháp lắng nghe hơi thở để trở về thời điểm hiện tại để khỏi nuối tiếc quá khứ và lo lắng cho tương lai. Phương pháp tập trung và tĩnh tâm này đặc biệt cần thiết trong các kỳ thi đòi hỏi sự tập trung cao độ. Khi thở ra chậm gấp đôi so với hít vào, những lo lắng, mệt mỏi, căng thẳng trong cơ thể được trút ra cùng với hơi thở ra.
Hai là chúng ta có thể thảo luận với đứa trẻ về việc dùng một vật nhỏ để “nhắc nhở chánh niệm”. Chẳng hạn như búng nhẹ sợi dây chun trên cổ tay, và sự kích thích vật lý nhỏ trở thành lời nhắc nhở quay trở lại thời điểm hiện tại; Hoặc sử dụng một tư thế cơ thể đặc biệt, chẳng hạn như nắm chặt tay và hét lên “Có” với chính mình,…
Chỉ cần trẻ thực hiện một hành động như vậy, thì khi gặp bối rối, tín hiệu chánh niệm sẽ được đưa lên não, nhắc nhở bản thân tập trung vào giây phút hiện tại và tin tưởng vào bản thân.
Thứ ba là thực hiện các bài giãn cơ để thư giãn cơ thể và tinh thần. Khi đối mặt với kỳ thi, trẻ thấy cơ thể rơi vào trạng thái lo lắng như tim đập nhanh, vã mồ hôi, run tay; Bạn có thể hướng dẫn con sử dụng các bài tập giãn cơ tay để tập thư giãn cơ thể.
Thực hành điều này một vài tuần trước kỳ thi sẽ giúp con phát triển khả năng tự kiểm soát cơ thể tại địa điểm thi. Thư giãn cơ bắp có thể được thực hiện trên nhiều bộ phận của cơ thể, bao gồm lòng bàn tay, ngón chân, vai,…
Trong đó, điều quan trọng nhất đối với sự ổn định của bài thi là sự thư thái và linh hoạt của đôi tay, run tay sẽ khiến tim căng thẳng. Lúc này, bạn có thể dạy trẻ nắm chặt hai bàn tay lại thành nắm đấm, sau đó từ từ mở các ngón tay ra rồi thả lỏng dần. Lặp lại điều này nhiều lần, ý thức tự chủ sẽ được cải thiện và tâm trí cũng sẽ thoải mái.