Mới đây, Thu Phương cùng con gái Shirley (tên tiếng Việt là Thanh Thảo) tham dự một sự kiện thời trang ở Hà Nội. Đây là lần đầu tiên con gái của Thu Phương và Huy MC đi sự kiện cùng mẹ. Ngoại hình nhiều thay đổi của Thanh Thảo thu hút sự chú ý, bởi cô sống khá kín tiếng, ít lộ diện trên mạng xã hội. Cô thường chỉ xuất hiện trong một số bức hình được mẹ Thu Phương hoặc bố dượng Dũng Taylor chia sẻ.
Được biết, Thanh Thảo có thành tích học tập “không phải dạng vừa”. 10 năm trước, khi còn học cấp 2, Thanh Thảo từng khiến mẹ và bố dượng vô cùng tự hào khi đạt được thành tích học tập xuất sắc.
Cô từng được nhận bằng khen do Tổng thống Mỹ Barack Obama ký tặng. Từ không biết tiếng Anh đến việc được nhận bằng khen của Tổng thống Mỹ, có thể thấy Thanh Thảo đã học tập rất chăm chỉ, không ngừng nỗ lực.
Tuy nhiên, giai đoạn mới làm quen nơi xứ người, Thanh Thảo từng gặp cú sốc khác biệt ngôn ngữ: “Tôi còn nhớ ngày đầu tiên đưa con gái đến trường học ở Mỹ. Hai bố con ôm nhau khóc vì con gái không biết tiếng Anh và sợ vào lớp một mình. Thế là tôi phải đứng bên ngoài lớp mỗi ngày một tiếng để cháu yên tâm. Một tháng sau đâu vào đó và cháu đã bắt đầu cuộc sống mới”, Dũng Taylor kể lại.
Được bố dượng nuôi dạy khéo
Thanh Thảo và bố dượng có mối quan hệ thân thiết, gần gũi. Trong cuộc sống hàng ngày, cô cũng được bố dượng dạy nhiều kỹ năng sống, cách quản lý tài chính, cách sống tự lập.
Dũng Taylor từng chia sẻ, trong việc chăm sóc, nuôi dạy các con, anh áp lực hơn vợ vì hai cháu lớn là con riêng của Thu Phương. Trong khi đó, anh chưa từng lập gia đình và cũng chưa có con. Nhưng bản thân anh suy nghĩ rất đơn giản: Cứ thương yêu và giáo dục các con như con ruột của mình thì mọi việc sẽ ổn.
Với con riêng của vợ, anh có cách thân thiết như những người bạn, những người đàn ông với nhau. Dũng Taylor luôn tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho các con của vợ. Hơn nữa, anh luôn tỏ ra quan tâm, động viên kịp thời đến các con. Còn với hai con chung của anh và Thu Phương thì anh khắt khe, tỏ thái độ rõ ràng hơn mỗi khi hai bé không ngoan. Anh luôn xử phạt công minh với tất cả bốn con để tránh tình trạng so sánh giữa những đứa trẻ. Bốn anh em chúng như một. Hai vợ chồng rất yên tâm khi thấy các con thương yêu và gắn bó với nhau như anh em cùng mẹ, cùng bố.
Dũng Taylor từng tâm sự: “Hạnh phúc của tôi là các con. Đó là tài sản vô giá và trọn đời, không gì thay đổi được, nhưng cũng mang đến nhiều áp lực. Mỗi gia đình ở Mỹ có hai con là lý tưởng nhất. Chúng tôi có gấp đôi đồng nghĩa là gấp đôi áp lực.
Trách nhiệm của bố mẹ ở xã hội Mỹ không chỉ có cơm áo gạo tiền mà còn phải là chỗ dựa tinh thần, đồng thời định hướng cho các con. Các cháu được giáo dục từ bé với suy nghĩ tự lập và luôn bảo vệ quyền lợi riêng của mình. Do đó, người làm bố mẹ luôn phải làm gương, cập nhật đời sống sinh hoạt của môi trường các con trong từng giai đoạn. Vì thế, bố mẹ có khả năng và điều kiện ở Mỹ vẫn phải nhúng tay trực tiếp vào việc giáo dục và nuôi dưỡng các con, không thể thuê mướn người. Đây là một áp lực lớn”.