SKĐS – Tuổi dậy khi mới thấy kinh, do hoạt động nội tiết chưa ổn định nên bé gái có thể gặp một vài trục trặc về kinh nguyệt. Tắc kinh là tình trạng hay gặp ở lứa tuổi này.
Nếu trục trặc chỉ diễn ra dưới 3 tháng, rồi kinh nguyệt đều đặn và ổn định thì không đáng ngại. Tắc kinh kéo dài trên 6 tháng, sẽ là vấn đề cảnh báo sức khỏe sinh sản, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm sinh lý của bạn gái.
Nguyên nhân và dấu hiệu tắc kinh tuổi dậy thì
Tắc kinh là một dạng kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt ra quá ít, chỉ ra từng giọt, hoặc có kinh bình thường nhưng 2-3 tháng sau lại không thấy có kinh, có nhiều trường hợp trên 18 tuổi vẫn chưa thấy kinh nguyệt. Những trường hợp này khá giống với hiện tượng vô kinh.
Có khá nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng tắc kinh ở tuổi dậy thì như:
- Hội chứng Turner, do tuyến giáp hoạt động kém cũng như những bất thường ở tuyến giáp, do rối loạn nội tiết tố…
- Tử cung khác thường hoặc nội mạc tử cung không phản ứng với hormone sinh dục nữ có thể gây tắc kinh.
- Thường xuyên bị căng thẳng, áp lực từ công việc, học tập, các mối quan hệ…
- Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi như uống thiếu chất, thừa chất, có lối sống không khoa học, thường xuyên thức khuya, không tập luyện hoặc tập quá sức cũng đều có nguy cơ bị chậm kinh, tắc kinh.
Bên cạnh đó, những bạn gái sức khỏe, thể chất yếu, hoặc phải làm việc quá sức, vận động mạnh, hay tâm lý thường căng thẳng, bất ổn định cũng dễ mắc phải chứng tắc kinh nguyệt.
Khi bị tắc kinh ở tuổi dậy thì, sẽ có biểu hiện đau bụng ở vùng dưới, mỗi lần đau kéo dài 3-4 ngày, cơn đau cứ tăng dần. Các bạn có thể thấy xương mu nổi một khối, cảm giác căng đau dữ dội.
Sự nguy hiểm khi tuổi dậy thì bị tắc kinh
Tắc kinh ở tuổi dậy thì nếu không có hướng xử lý nhanh chóng có thể gây ra những nguy hại như:
- Trầm cảm: Trường hợp bị tắc kinh do stress, căng thẳng dài ngày.
- Suy giảm chức năng của tuyến yên: Trường hợp tắc kinh do suy buồng trứng sớm có thể dẫn đến nguy cơ teo nhỏ cơ quan sinh dục, từ đó có thể dẫn đến một số bệnh lý về buồng trứng và tim mạch.
- Trường hợp tắc kinh ở tuổi dậy thì do huyết kinh bị ứ đọng lại, không thoát được ra ngoài có thể khiến vòi tử cung và tử cung giãn căng, thậm chí có thể phá hủy niêm mặc của vòi tử cung và tử cung…
- Hội chứng Galactorrhea hay còn gọi là hội chứng khô máy: Đây là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với các bạn gái. Tắc kinh kéo dài khiến tử cung bị teo nhỏ và dần chuyển hóa thành tình trạng khô máy này.
- Loạn sản, suy buồng trứng sớm.
Lời khuyên của bác sĩ
Kinh nguyệt chính là tấm gương phản chiếu tình trạng sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng. Vì vậy không chỉ có bản thân mà các bậc cha mẹ cũng cần quan tâm khi thấy có các dấu hiệu bất thường
Nếu thấy những bất thường về kinh nguyệt như chậm kinh kéo dài, kinh nguyệt thưa, ít, hoặc ra quá nhiều, kéo dài lâu, khi hành kinh bị đau bụng dữ dội, màu sắc máu kinh lạ… thì cần đi khám bác sĩ.
Bên cạnh đó cần có ăn uống điều độ, cung cấp đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất. Áp dụng lối sống lành mạnh, khoa học, tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Duy trì tâm lý thoải mái, không để căng thẳng, stress.
Xem thêm video được quan tâm
5 sai lầm nghiêm trọng khi giải rượu cho người say | SKĐS
BS. Nguyễn Thu Hoa